Tạp chí Sông Hương -
Kỷ niệm 50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo (1963 - 2013)
11:15 | 13/06/2013

SINH VIÊN PHẬT TỬ HUẾ TUYỆT THỰC

Hồi ký của THÁI KIM LAN

Kỷ niệm 50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo (1963 - 2013)
Cuộc diễu hành rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm (Huế), khi gần đến chùa Từ Đàm thì biểu ngữ được trưng ra trong đoàn rước Phật (8/5/1963)

Tin Sinh Viên Phật tử Huế tình nguyện tuyệt thực trước tiên được loan ra trong sân chùa Từ Ðàm. Dạo ấy trạm thông tin trực tiếp cho cuộc vận động Phật giáo lúc Pháp Nạn xảy ra là sân chùa Từ Ðàm. Một loa phóng thanh được dựng ở tầng cấp lên chánh điện, dùng để loan báo tin tức cho tất cả Phật tử trong và ngoài chùa. Người xướng ngôn viên thường trực đọc các thông bạch, các tin tức thương thuyết, đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo là anh Huynh trưởng Gia đình Phật tử kỳ cựu Nguyễn Khắc Từ mà tôi sẽ nhắc lại cảm tưởng của mình về người Huynh Trưởng đã dành cho tôi nhiều sự kinh ngạc thán phục này từ khi mới gặp gỡ tại chùa Từ Ðàm cho đến hết mùa Pháp nạn.

Không hiểu sao tin SVPT Huế tuyệt thực lại gây một chấn động lớn không những trong mọi tầng lớp dân chúng thành phố Huế mà còn trong toàn thể miền Nam thời bấy giờ. Bên cạnh Gia đình Phật tử mà chúng tôi thường gọi đùa là “bên nội” của CHÙA - chúng tôi gọi CHÙA để chỉ TAM BẢO - chúng tôi thường xem mình như là “bên ngoại”, có nghĩa là còn xa xôi “cách sông trở đò” trong mọi liên hệ chùa chiền tín ngưỡng. Chúng tôi còn “mới y nguyên” trong phong thái tư duy cũng như niềm tin và mang sẵn trong người một chút ý thức phê bình, sẵn sàng “đặt vấn đề”, cái bệnh muôn đời của trí thức mà lắm người sợ hãi.

Ðối với người Huế còn mang truyền thống “chuộng sĩ” thời ấy, thành phần sinh viên là thành phần ưu tú, vô tư và trong sạch, chưa bị bả danh lợi làm mờ lý tưởng, có trái tim nóng hổi và tấm lòng chí thành. Ở trong gia đình, sinh viên là cả một hứa hẹn tương lai rường cột của nhà, của nước, là kẻ sẽ “cầm cân nảy mực” về sau, nên đã được mến chuộng và tin tưởng không những trong ngưỡng cửa gia đình mà còn ngoài xã hội.

Không biết những giả thuyết trên của tôi có đúng hay không. Nhưng những điều tôi đã chứng kiến ngay tận mắt trong những ngày hôm ấy tôi không bao giờ quên được.

Hôm nay khi viết những giòng này tôi như còn cảm thấy được hơi nóng của giọt nước mắt của một bác đạo hữu không quen rơi trên tay khi bà cầm tay tôi mà khóc trong ngày tuyệt thực lần thứ hai.

Sáng hôm sau tôi đã ghi tên tuyệt thực, mặc dù có lệnh của quý Thầy, người trong ban chấp hành không được tuyệt thực. Tôi muốn tham gia ngồi tuyệt thực với anh em. Khi thố lộ với nhau mới biết không riêng tôi mà ai trong BCH cũng cùng một tâm trạng, muốn tuyệt thực để tỏ rõ ý chí đoàn kết với mọi người, nên chúng tôi đề nghị mỗi người luân phiên nhau tham gia tuyệt thực. Tôi cương quyết, vì muốn chính mình cũng “dấn thân” để nếm mùi “bụng đói”, nhất định dùi mài chữ “không... ăn” như một dấu hiệu “đọa đày” thân xác để khuyến cáo những vi phạm đạo đức tín ngưỡng của con người đối với con người.

Tôi ngồi với mấy anh chị khác, cứ năm người một hàng, cùng với các anh chị trong GÐPT, thành một tấm thảm nón lá “tuyệt thực” ở trong sân. Không khí hôm ấy lại càng căng thẳng hơn hôm trước. Các đạo hữu nghe tin SV tuyệt thực kéo lên lũ lược để chứng kiến tận mắt cuộc “hy sinh” của những người vốn nỗi tiếng “dài lưng tốn vải“. Những cuộc xô xát vẫn xảy ra trước cổng sân chùa, nhưng lựu đạn cay và dùi cui không làm sờn lòng Phật tử, mọi người đến vây quanh chúng tôi, các bà các chị mặc áo lam thuần hậu, những người Phật tử muôn đời như một đã nhìn chúng tôi với đôi mắt thương cảm và... 'thán phục' - thật sự tôi cảm thấy trong lòng rất ái ngại khi được các bác thương đến như thế, bởi lẽ việc nhịn đói thật là một điều quá nhỏ nhoi trong đại cuộc hôm ấy - nhưng trong mắt họ chúng tôi đang thay thế họ để nói lên những điều mà tuổi già của họ không cho phép họ thực hiện được: lên tiếng để bảo vệ TAM BẢO, và phải nói tôi đã trải qua nhiều cảnh bất ngờ sửng sốt.

Có nhiều 'mệ' đạo hữu tóc đã bạc phơ đến cầm tay chúng tôi và cứ xuýt xoa "tội chưa nì!". Nhiều người e dè đứng xa xa vái vái quanh bốn phía với vẻ trân trọng. Nhiều bác tò mò ghé mặt vào tận trong nón của chúng tôi để nhìn cho rõ mặt chúng tôi rồi nói “Ui chao ơi, ốm yếu như ri mà còn nhịn 'đoái' nữa! Có khổ thân chưa, lạy Phật phù hộ!”. Có bác đến cầm tay chúng tôi mà nước mắt chảy ràn rụa và nói: “Sinh viên mà cũng nhịn đói được, chịu khổ như ri, thiệt là con Phật!”. Bên kia có bác vừa khóc vừa ghé tận mặt anh chị khác nói “Chao ơi, mặt mũi trâm anh như ri mà cũng ngồi giữa nắng tuyệt thực! Răng mà người ta tham sân si để ra nông nỗi ri hè?”; “Sinh viên người ta có đủ hết mà người ta còn tuyệt thực như ri. Răng mà họ ác nhơn ác đức rứa không biết!”; “Sinh viên có ăn có học mà dám tới ngồi đây để cứu khổ cứu nạn! Mô Phật! Cầu Quan Thế Âm ngài phù hộ cho tai qua nạn khỏi!”. Lại có bác đến gần chúng tôi và lén lén dúi vào tay chúng tôi mấy cái kẹo, nói nhỏ “thì cứ ăn đi cho đở đói!”, làm như chuyện tuyệt thực là một trò làm nũng với mẹ không bằng! Quanh tôi tiếng thì thầm, than vãn, cầu nguyện rì rào cùng với làn sóng người mỗi lúc càng đông.

Ðôi khi có những cảnh thiệt tình không ai nghĩ đến: có những người vừa bước lên sân chùa đã tất tả đến gần chúng tôi, chẳng nói chẳng rằng, sụp xuống lạy như tế sao. Chúng tôi ngồi đó, che mặt trong nón, gục đầu xuống đất, vừa xấu hổ vì sự nhỏ nhoi của mình vùa xúc động đến tận xương tủy. Sân chùa Từ Ðàm hôm ấy đối với tôi, - một viên sỏi nhỏ,- bỗng trở nên một vùng biển đạo tình mênh mông với những làn sóng đưa tôi đến một bờ cát yên lành nào đó có nhiều bóng mát trong cơn nắng tháng năm rực lửa bao quanh.

Hôm ấy là ngày 31 tháng 5 năm 1963.
 

HT. Thích Huyền Quang và quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức. Sau khi trà tỳ, đốt lại với nhiệt độ 4.000 độ vẫn không cháy

Trời nắng giòn tan như bánh tráng nướng. Cơn nóng của Huế có thể làm say, làm mệt lả đến ngất người. Quá ngọ có nhiều chị, nhiều bác trong GÐPT mặt mày tái mét vì xuất hạn mồ hôi, lảo đảo luỗi cả người cần phải được dìu vào giảng đường để nghỉ và khám sức khoẻ.

Phần y tế trong lúc này là là phần quan trọng nhưng cũng là phần thiếu người chuyên môn nhất. Tuy nhiên có một điều rất kỳ diệu là trong cuộc vận động mùa Pháp nạn này, nhiều sự trợ lực bất ngờ đến từ bên ngoài như một phép lạ. Ngay những lúc mọi người đang bối rối vì có người bị thương hay đám biểu tình bị lựu đạn cay, thì hình như chúng tôi đã có qúi nhân phò trợ đến ngay bên cạnh.

Buổi sáng mai, từ đám người tuyệt thực, tôi có thể thấy T.T. Kỳ tất tưởi từ phòng của quí Ôn chạy xuống qúi Thầy rồi đến những người ngồi ngoài sân, V. Kha, chị Tuyết và các chị khác đi quanh với bình nước lạnh và khăn ướt trong tay. Bỗng thấy B. Tôn dang hai tay cười tươi rói chạy ra đón ba nhân vật xuất hiện: bác sĩ Wulff cùng với hai người bạn giáo sư bác sĩ Ðức của ông và một vài người khác trong nhóm y khoa đến thăm tình trạng sức khỏe của Thầy Trí Quang (đã tuyệt thực ba ngày nay), quí Ôn, quí Thầy và những người đang tuyệt thực. Bác sĩ Wulff là người đã kêu gọi các bác sĩ và sinh viên y khoa lên chùa Từ Ðàm quan sát và khám nghiệm tình hình sức khỏe của những người tuyệt thực.

Ông làm việc cẩn trọng, nhiệt tâm, khiêm tốn và rất khoa học, rầt đúng với mẫu người Ðức trí thức mà tôi được biết. Ông xem mạch cho tất cả mọi người có tình trạng sức khỏe bấp bênh. Ông đã trở thành ân nhân số một của phong trào Phật giáo 63. Thầy Trí Quang kể lại: “Khi biến cố Phật giáo xảy ra, ông nói với sinh viên của ông, ngay trong lớp rằng bản thân ông rất có kinh nghiệm về nạn độc tài. Ông từng là thanh niên chống phát xít Hitler. Ông khuyến cáo sinh viên hãy chống độc tài. Bấy giờ tôi mới nghe nói về ông. Khi mới tuyệt thực, tôi nhờ ông làm y sĩ giám hộ. Ông nhận lời, lên Từ Ðám liền với tôi, cả hai người bạn giáo sư của ông cũng lên, xông xáo lo việc với Phật tử. Dĩ nhiên ông và bạn ông biết thế nào cũng bị trục xuất và trục xuất sớm. Trước khi bị như vậy, ông xuất tiền túi đi Nam Vang, mang theo hai điệp văn của tôi. Một gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc báo tin PG bị kỳ thị nặng nề, nhân quyền ở VN bị vi phạm trầm trọng. Một gửi Chủ tịch tổ chức Liên hữu Phật giáo thế giới. Ông lại mang thư tôi gửi các vị đang du học hải ngoại: Minh Châu, Thiện Châu, Nhất Hạnh, Mãn Giác, Mạn Ðà La. Ông cũng mang theo mọi tài liệu, vào tận chùa Ấn Quang giao cho các Thầy. Rồi lên Nam Vang, ông ở đó gửi đi điệp văn và thư mà ông mang theo. Ông lại viết bài tường thuật gửi cho các hãng thông tấn và báo chí danh tiếng. Làm việc cả tuần mới về VN. Khi bị trục xuất thì ông đi khắp nơi cần thiết, nhất là ở Mỹ, Pháp. Ông đi lại không ngừng, liên lạc và làm việc với các thầy Nhất Hạnh. Ông làm việc tận lực và đắc lực... Ông không những là ân nhân đặc biệt của tôi, mà còn là của cuộc vận động 1963“.

Chùa Từ Ðàm bắt đầu đón tiếp những người khách mới, lạ hoắt với máy ảnh lủng lẳng treo vai, với máy quay phim và các xách tay có vẻ phong trần: các ký giả ngoại quốc từ Pháp, từ Úc và từ Mỹ đến. Công việc của anh em sinh viên Phật tử lại nhiều hơn một chút trong việc hướng dẫn và giúp đỡ qúi Thầy trong các cuộc phỏng vấn. Trong một hoàn cảnh “cô thế” từ một nơi xa xôi hẻo lánh như ngôi chùa Từ Ðàm, họ đã là những chiếc phao và cầu nối chúng tôi với thế giới bên ngoài. Cảnh tượng đầy hoà bình và đạo vị của những người đang tuyệt thực đã gây ấn tượng không ít cho những người phương Tây xa lạ này, tiếng nói của họ đã phản ảnh khá trung thực và nhờ đấy phong trào PG đã bắt đầu có tiếng vang ở trên thế giới.

Cuộc vận động đang đến hồi căng thẳng cao điểm vì nhà cầm quyền càng lộ rõ sự vô thiện chí và dối trá tìm mọi cách để chà đạp những điều mà Phật giáo đòi hỏi. Dưới phố các chị tiểu thương chợ Ðông Ba đã trở thành một “phong trào” ủng hộ chùa Từ Ðàm. Họ có thể đóng cửa tiệm lúc nào chùa cần và kéo nhau lên chùa, đem hết vật liệu thức ăn cúng duờng chùa. Họ là hậu cần không bao giờ cạn của cả mùa Pháp nạn. Ðối với tôi họ là những “tiểu... yêu... thương... yêu” ngôi chùa và đạo Pháp bằng tất cả tấm lòng lanh lợi tháo vát (nên nhớ các chị tiểu thương chợ Đông Ba thời ấy nổi tiếng làm đày nói thách đến trời sợ), thực hiện một Phật tính vô ngại và đầy mâu thuẫn sáng tạo tuỳ duyên ăn ở với người

Không hiểu sao vào hôm tuyệt thực, các chị, những người ăn quà rong nổi tiếng thành phố Huế, lại đem lòng thán phục đám người đang nhịn đói. Với tính thực tiễn của nghề nghiệp, họ đã kéo nhau lên chùa với đoàn tùy tùng theo sau là mấy chục bao gạo, đường muối, tương, ớt, đậu, mè...??? Chi lạ ghê, chúng tôi đang tuyệt thực mà đem thức ăn đến “dem thèm” các chị ơi.

Nhưng may mà có các chị trong cuộc Pháp nạn ấy. Các chị đến như một đoàn biểu tình từ dưới phố đi lên, không ồn ào như trong chợ, mà ngược lại hiền lành ngoan đạo trong màu áo lam. Chính chuyến vận tải này vô hình chung đã cứu chúng tôi trong những ngày kế tiếp bị phong toả trong chùa. Không những về lương thực, chính họ đã tạo nên một thành trì kiên cố về thông tin bằng cách chuyền miệng, đấu khẩu với công an cảnh sát để bảo vệ chùa chiền và phong trào tranh đấu. Họ có thể đình công bãi thị trong chớp nhoáng để lên chùa và trở lại ngồi bán hàng tỉnh bơ cũng xuất quỉ nhập thần không kém. Và khi các chị dùng môn “võ mồm” nghề nghiệp để bênh Chùa thì mấy anh công an cũng phải lặng người mà chuồn đi một mạch.

Ba mươi mấy năm sau gặp lại chị Thu, hôm nay (đến thời điểm bây giờ) vẫn còn lai rai là “tiểu thương chợ Ðông Ba”, một đệ tử của Ôn Ðôn Hậu, và là một tiểu thương Phật tử ủng hộ cuộc vận động ngay từ đầu, chị nhắc lại thời ấy. “Răng mà quên được chị Lan hè?”. Chị nói, “Chừ mà vẫn còn nghe tiếng Thầy Trí Quang như chuông ngân rõ ràng trong đêm Phật Ðản nớ. Tui còn nhớ đứng ở chùa Từ Ðàm khi Thầy hỏi “các Phật tử có nghe Thầy nói không?” thì mọi người đồng thanh dạ rân lên vang dội cả sân, rung rinh cả cành lá Bồ Ðề hai tiếng: “Dạ nghe”. Thầy hỏi thêm “nghe rõ không?” là cả ngàn miệng một lần “dạ rõ!” ui chao ơi thời nớ răng mà muôn người như một. Hắn vui mà lạ ghê chị hí. Ai ai cũng một lòng.”

Chị Thu ăn chay trường, người nhỏ bé tí và gầy như “con mắm mòi”, nhưng gan lì và nhanh như sóc, chị chở gạo lên chùa như con kiến chở trên lưng cả một củ khoai lang to tướng mà vẫn đến đích, chị nấu chay cho hàng trăm người ăn như một đại tướng, và khi cần - có nghĩa là khi mọi đường lên chùa bị lính chận không cho đi, thì chị theo đưòng núi và lòn qua hàng rào đề vào chùa gọn lỏn như chuột lủi! “Lên chùa làm công quả”, từ đó đối với chị là lẽ sống của cuộc đời cho đến ngày hôm nay.

Hôm ấy chị “hộ tống” đoàn lương thực từ chợ Ðông Ba lên chùa và cũng bị kẹt lại ở chùa như anh em SV chúng tôi.

Trong buổi ngồi tuyệt thực ngày hôm ấy, tất cả những diễn biến quanh tôi đã đưa tôi từ tâm trạng ngỡ ngàng của một kẻ chưa bao giờ tham dự vào đám đông đến những ngạc nhiên kỳ thú, rồi từ ngạc nhiên đến bồi hồi cảm động, cảm giác của một người đang rơi vào một vùng nước ào ạt mênh mông, tưởng sẽ bị cuốn hút chìm lĩm mất tăm nhưng bỗng được kéo lên, nâng lên bởi một thứ “sóng thần” đan kết bằng ánh mắt, bàn tay, nụ cười, nước mắt, tiếng kêu than cùng với nỗi bất bình trước mọi bất công.

T.K.L








 

Các bài mới
Các bài đã đăng