Tạp chí Sông Hương -
Chuyện tình Hải quân: 19 năm và 285 ngày
15:10 | 13/06/2013

19 năm bám biển, với 6.935 ngày, vợ chồng thiếu tá, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1 Lê Xuân Nam và cô giáo Lương Thị Thu chỉ có 285 ngày bên nhau.

Chuyện tình Hải quân: 19 năm và 285 ngày
Anh Nam, chị Thu

Ước hẹn

“Chúng mình lấy nhau, giờ đứa con gái đầu lòng đã học lớp 9 rồi, vậy mà thời gian vợ chồng gần nhau quá ít. Anh đi biền biệt, cả năm được có 15 ngày phép, có khi 14 tháng mới được vào đất liền một lần. Căn nhà thiếu vắng người trụ cột, luôn trống trải nhưng riết mãi rồi cũng quen”, chị Lương Thị Thu (giáo viên tiếng Anh, trường THCS Phước Thắng, phường 11 Vũng Tàu), vợ anh Nam mở đầu câu chuyện.

Tháng 9/1994, sau ba năm đèn sách, thiếu úy Nam về xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thăm bố mẹ, tình cờ gặp nữ sinh khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hồng Đức tại nhà một người bạn. Hình ảnh người lính rắn rỏi, mạnh mẽ khiến trái tim cô sinh viên Lương Thị Thu xao xuyến. Còn chàng sĩ quan cũng ngẩn ngơ trước cô “kỹ sư tâm hồn” có duyên mặn mà. Họ làm quen nhau.

Ba ngày sau, Nam đạp xe đến Hoằng Lưu tìm Thu. “Giữa đám bạn, em mạnh miệng là vậy nhưng một mình đối diện với anh Nam, em ngại ngùng không biết nói năng gì, còn anh Nam lúc đó cứ gãi đầu, gãi tai, hết hỏi gia đình làm được mấy sào lạc, thu hoạch được lúa nhiều không, đến hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, họ hàng”, chị Thu kể.

30 ngày phép qua mau, ngày Nam tạm xa quê hương trở lại đơn vị cũng là ngày Thu nhận lời yêu anh. Bên cánh đồng thơm mùi lúa mới, dưới ánh trăng tháng 9, cầm tay Thu, Nam nói: “Anh yêu em. Hãy đợi anh về nhé”.

Sóng gió

Tháng 10/1994, Nam về tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ (lúc đó tiểu đoàn DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171). Sau 5 tháng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tháng 4/1995, lần đầu tiên chàng sĩ quan lục quân 2 bước chân xuống tàu đi biển.

Năm 1995 đến năm 2000, đời sống của cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 vô cùng khó khăn. Nắng lửa quanh năm, gió rát bốn mùa, nước ngọt chia từng ca, rau xanh nhường từng cọng. Phương tiện thông tin duy nhất lúc đó nối với đất liền là thư viết tay.

Cuộc sống gian khó ở nhà giàn khiến Nam day dứt nhiều về mối tình với cô giáo trẻ. Sợ rồi Thu đến với mình sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, Nam viết thư chủ động chia tay.

“Em hãy quên anh đi, coi như chúng ta giữ trong nhau một kỷ niệm đẹp. Lính nhà giàn quanh năm sóng nước trùng khơi, một năm chỉ gặp nhau vẻn vẹn 15 ngày phép. Lấy anh, em sẽ khổ, nếu có con, con chưa quen hơi bố đã đi rồi”. Lá thư ấy sau gần 3 tháng mới đến tay Thu.

Khi con gái lên hai tuổi, ngày nào tôi cũng chỉ tấm ảnh của chồng cho con gái xem. Vì thế, khi bế con ra ngoài đường, hễ nhìn thấy chú bộ đội mặc quân phục màu trắng, con gái lại gọi “bố Nam, mẹ ơi bố Nam kìa”. Lúc ấy, tôi chỉ muốn khóc, rồi vội vàng bế con về nhà mà thao thức cả đêm”.

Chị Lương Thị Thu

“Cầm lá thư anh ấy trên tay, tôi đã bật khóc nức nở. Khóc không phải vì lý do anh ấy muốn chia tay với tôi mà vì thương và khâm phục những người lính nhà giàn. Ở quê nhà chân lấm tay bùn, nhưng không thấm thía gì so với những vất vả, hy sinh thầm lặng của các anh. Tôi đã viết thư lại cho anh chỉ trả lời ngắn gọn: Em thích lấy chồng bộ đội”, chị Thu kể.
Thời gian cứ thế trôi. Nam ở ngoài khơi kiên cường bám biển, Thu ở quê nhà sắt son đợi chờ. Tình yêu gửi gắm qua những cánh thư. Sau ba năm đằng đẵng đợi chờ, mùa đông năm 1997, anh Nam được vào bờ, hai người quyết định tổ chức đám cưới.

“Ba tuần sau đám cưới, tôi phải để vợ sống với bố mẹ rồi vào Vũng Tàu tiếp tục hành trình ra nhà giàn”, anh Nam cười, kể lại. “Chia xa lần ấy, nhớ nhung quay quắt. Vợ khóc từ mấy hôm trước. Người lính dù mạnh mẽ đến mấy nhưng những giây phút ấy không thể cầm lòng. Đấu tranh tư tưởng, tôi chỉ biết cắm đầu bước đi, không dám quay lại vẫy chào vợ”, anh Nam trùng giọng.

Sợ con quên mặt bố

Chị Thu nước mắt lưng tròng kể về những ngày anh Nam ở nhà giàn DK. “Anh Nam đi 14 tháng mới vào đất liền, khi đi em mang bầu, khi về con gái đã tròn 6 tháng tuổi, đưa tay bế, con gái khóc thét”.

Hai tiếng “bố con” làm anh ngượng ngập, anh đành đổi cách xưng hô “cậu với tớ” để làm quen với con gái. Con gái cứ thấy bố là sợ, đến bữa ăn không cho bố ngồi cùng mâm. “Những lúc đó tim tôi như thắt lại, chỉ muốn quay mặt đi làm ngơ, không dám nhìn đối diện với mặt con”.

Không để con quên mặt bố, để con luôn nhớ và tự hào về người bố của mình, chị Thu thường đọc những bài báo viết về lính nhà giàn cho con nghe. Giờ hai đứa con của chị rất quấn bố. Mỗi lần nghe tiếng còi tàu hú nơi cầu cảng, ba mẹ con cứ ngóng trông, đứng ngồi không yên.

“Bố về, hai con chạy ra đón, con chị mở cổng, thằng em xách ba lô. Quà của bố lần nào cũng như lần nào là mấy con ốc biển xin của ngư dân và một ít ruốc cá do bố tự làm, nhưng các con đều rất thích”, chị Thu cho biết.

Lật lại những trang thư từ ngày yêu nhau, chị Thu hãnh diện: “Không hiểu sao từ ngày là sinh viên tôi rất thích màu áo lính hải quân. Hình ảnh anh bộ đội hải quân bồng súng canh biển luôn làm tôi xao xuyến. Giờ già rồi nhưng tình cảm thì vẫn thế. Tất cả những lá thư của vợ chồng tôi đều giữ làm kỷ niệm. Những bài báo viết về nhà giàn DK1 tôi cũng sưu tầm thành tập để lúc anh ấy đi biển mình lấy ra đọc cho đỡ nhớ”.

Chiều cuối tuần, phía cuối trong con hẻm 1.000 ở đường 30/4 sâu hun hút là nơi tổ ấm của người lính nhà giàn. Thiếu tá Nam mới trở về từ nhà giàn sau 8 tháng bám biển. Ngôi nhà nhỏ ngập tràn tiếng cười nói hạnh phúc. Lê Nam Anh, con trai thứ hai bảo: “Bố làm bộ đội con cũng muốn làm bộ đội, sau này con sẽ đi cùng bố ra nhà giàn giữ biển bố nhé”.

Theo Tuấn Cường - nguyenphutrong.net

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng