Tạp chí Sông Hương -
Triển lãm 'Bàn tay thiên thần' hơi yếu về nghệ thuật
08:26 | 25/06/2013

Triển lãm Bàn tay thiên thần - Tấm lòng vàng khai mạc lúc 9h30 ngày 23/6 tại khách sạn Continental Saigon (TP.HCM), giới thiệu tượng 39 đôi tay và 1 bàn chân của 40 nhân vật nổi tiếng Việt Nam. Nó khá công phu, rất khó thực hiện, nên đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của công chúng; xét về kỹ thuật thực hiện, thì khá thành công. Tất nhiên, nếu nhìn bao quát hơn, nhất là khía cạnh nghệ thuật, thì triển lãm này hơi yếu về chất lượng.

1. Như chúng tôi từng đề cập: Ấn tượng lớn nhất của triển lãm có tính chất mỹ nghệ này là ở khả năng mô phỏng y như thật các đôi bàn tay. Qua nhân dạng và điệu bộ, nó phần nào mô phỏng được tính cách, nghề nghiệp... của mỗi người. Cho nên, nếu xét thuần túy về ý tưởng và kỹ thuật, thì đây là một triển lãm có vài điều đáng khen.

Tuy nhiên, một tác phẩm nghệ thuật thường được cấu thành bởi 3 yếu tố căn bản: ý tưởng và ý niệm; kỹ thuật thực hiện; tính độc bản. Nếu xem từng tác phẩm trong triển lãm này là nghệ thuật, thì chúng chưa đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó. 

Trong thông cáo báo chí của triển lãm có đoạn viết: “Đôi bàn tay luôn là biểu tượng cho sự học tập và lao động của con người. Đối với người thành đạt, đôi bàn tay là một minh chứng cho quá trình lao động và học hỏi không ngừng để đạt đến thành công”, đây có thể là ý tưởng chủ đạo của loạt tác phẩm này.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bà Cẩm Anh, GĐ điều hành Bàn Tay Thiên Thần tại triển lãm


Còn về kỹ thuật thực hiện, thông cáo viết rằng: “Những đôi bàn tay được chế tác với kích thước thật với chất liệu đặc biệt, thể hiện chân thật và chính xác từng đường vân tay, chỉ tay để lưu giữ mãi với thời gian. Mỗi tác phẩm là độc bản duy nhất”. 

Sau khi thực hiện thì khuôn được hủy, mới nghe thì tưởng là độc bản, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Bởi kỹ thuật này, dù có phức tạp bao nhiêu, thì nó cũng chẳng khác gì chuyện lấy vân tay trên chứng minh nhân dân, mỗi người mỗi khác là đương nhiên. Bàn tay của từng nhân vật là độc bản, nhưng dùng kỹ thuật để áp dụng hàng loạt với mọi người thì không độc bản. Ví dụ, chẳng có sự khác biệt nào về kỹ thuật thể hiện giữa việc làm đôi tay của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và con trai là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Có lẽ vì thế nên dán hình nhân vật kèm theo (?).

2. Cũng giống như nhiếp ảnh chân dung, thao tác chụp có thể hoàn toàn giống nhau, nhưng sức biểu cảm hoặc cảm nhận với từng nhân vật phải khác nhau, như vậy mới làm nên nghệ thuật. Ở đây, có lẽ do quá chú trọng vào kỹ thuật, mà quên đi đặc tính của từng nhân vật, nên chúng khá đơn điệu. Vì đơn điệu, nên cảm giác rập khuôn là rất rõ, tính độc bản bị thủ tiêu. 

BTC của triển lãm này là doanh nghiệp tư nhân Bàn Tay Thiên Thần, đặt trụ sở ở Phú Nhuận, TP.HCM. Trên trang web chính thức của họ có lời thông báo: “Tất cả các bạn đều cần lưu giữ lại hình tượng của mình cho những người hâm mộ và yêu quý mình. Bàn Tay Thiên Thần sẽ làm điều đó thay bạn bằng một công nghệ đặc sắc do chuyên gia từ nước ngoài thực hiện với nguyên liệu được nhập từ châu Âu hoàn toàn vô hại. Bàn Tay Thiên Thần sẽ lưu giữ lại hình tượng bàn tay, bàn chân những người thân yêu của bạn như thật (hiện rõ các đường vân tay, chỉ tay) và hơn thế nữa, chúng tôi tạo nó thành một tác phẩm nghệ thuật”.

 

Trên trang web của “Bàn Tay Thiên Thần”, chúng ta dễ dàng tìm thấy giá cả thực hiện, ví dụ: khung bàn tay 2 chị em có hình, giá: 2.399.000 VND; khung đôi bàn tay bàn chân có hình, giá: 3.999.000 VND... Như vậy đã rõ, đây là một doanh nghiệp muốn quảng cáo hình ảnh của mình, một hoạt động lành mạnh và bình thường, chứ không phải một triển lãm độc đáo về nghệ thuật, như nhiều nơi đã đề cập.

 

 

Theo Văn Bảy -Thể thao & Văn hóa
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng