Tạp chí Sông Hương -
Nhạc cổ điển trên đường phố Kinshasa
10:12 | 01/07/2013

Thủ đô Kinshasa của Congo quen với nhịp điệu sôi động của các nhạc sỹ Soukous và Rumba nổi tiếng nhất châu Phi, hơn là giai điệu trau chuốt của nhà soạn nhạc cổ điển Italy Guiseppe Verdi. Nhưng giờ đây, dàn nhạc giao hưởng của các nghệ sỹ tự học, thậm chí tự làm nhạc cụ - đang trở thành một trong những món hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của Congo, thu hút cả các thành viên Hoàng gia.

Nhạc cổ điển trên đường phố Kinshasa

Hình thành gần 20 năm trước bởi những người tâm huyết với âm nhạc, Dàn nhạc giao hưởng Kimbanguiste phát triển vững chắc cả về số lượng, chuyên môn và tầm vóc. Đầu năm 2013 vừa qua, Dàn nhạc đã đi biểu diễn tại Monaco. Mới đây, Công chúa Monaco Caroline có chuyến thăm Kinshasa và xem buổi biểu diễn của dàn nhạc trong khung cảnh phố xá lộn xộn, đổ nát.

Armand Diangienda là người sáng lập ra dàn nhạc. Ông không có nền tảng kiến thức về âm nhạc nhưng đã tự học chơi cello và sau này là chỉ huy dàn nhạc. “Chúng tôi luôn nói rằng, chúng tôi sẽ làm cho dàn nhạc tiến xa nhưng chúng tôi không nghĩ nó được như ngày nay” - Armand Diangienda cười tươi nói đầy tự hào. Dàn nhạc đặt theo tên người ông của Diangienda, một lãnh tụ tôn giáo của người Congo, đứng lên chống lại người Bỉ, thành lập nhà thờ riêng. Dàn nhạc tập hợp khoảng 80 nhạc sỹ và 100 ca sỹ từ khắp Kinshasa, hết mình cho thứ nhạc cổ điển xa xỉ. Chơi cho dàn nhạc từ giữa những năm 1990, nghệ sỹ violon Pauleth Masamba chia sẻ: “Âm nhạc là một trong những thứ làm tôi thấy thoải mái, vui vẻ, rũ bỏ mọi căng thẳng, buồn phiền”.


Masamba, giống như nhiều thành viên khác của dàn nhạc, sống trong những khu phố tồi tàn, đường vẫn chưa được trải nhựa và đầy rác. Hơn 50 năm dưới chế độ độc tài, tham nhũng và trải qua 2 cuộc chiến tranh (chính thức kết thúc năm 2003) đã khiến Congo rơi vào cảnh đổ nát. Dân số Kinshasa tăng vọt khi người dân từ khắp nơi đổ về đây với hy vọng tìm được việc làm. Hầu hết người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói, kết cấu hạ tầng xuống cấp dưới sức ép của dân số cũng như bị sao nhãng. Giữa tình cảnh này, Diangienda bắt đầu công trình được coi là dàn nhạc giao hưởng duy nhất ở Trung Phi. “Thách thức lớn nhất là tìm nhạc cụ, chúng tôi cũng không có giáo viên và phải học từ đầu. Sau đó chúng tôi phải tìm cách để làm cho người Congo thích âm nhạc này” - Diangienda cho biết. Đến nay, nhiều người dân ở Kinshasa vẫn lạ lẫm với thể loại nhạc này, cho rằng đó là âm nhạc phương Tây, nhưng nhạc trưởng Diangienda khẳng định không phải vậy, đó là một cách để chúng ta thể hiện văn hóa của mình. Không chỉ được khán giả quốc tế đón nhận, các buổi biểu diễn ngoài trời của Dàn nhạc giao hưởng Kimbanguiste tại Kinshasa giờ đây cũng đầy ắp khán giả, cả người Congo và người nước ngoài. Theo Diangienda, “ở Congo, nghe nhạc là phải nhảy nhót. Hiếm khi người ta nghe nhạc chỉ để trầm tư suy ngẫm. Nhưng tôi nghĩ, nhạc cổ điển có thể đưa bạn đi xa hơn. Nó cho phép bạn thể hiện điều gì đó mà bạn không làm được với thể loại âm nhạc khác”.

Một khó khăn khác với Kimbanguistes là thiếu không gian luyện tập. Khi không tập luyện ngoài trời, các nghệ sỹ thường tập trung tại nhà nhạc trưởng Diangienda. Mặc dù ngôi nhà được cho là rộng rãi nhưng vẫn không đủ cho mọi thành viên dàn nhạc, nên nhiều người phải đứng bên ngoài, ghé sát vào cửa sổ hoặc ngồi trên thềm nhà để nghe rõ âm thanh phát ra từ bên trong. Khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng ngạc nhiên là Kimbanguiste ngày càng lớn mạnh. “Đó là nhờ đam mê. Đó cũng là lý do chúng tôi có mặt ở đây, quên đi mọi thứ, chỉ nghĩ về âm nhạc. Tất cả chúng tôi kết nối với nhau bởi tình yêu với âm nhạc. Chúng tôi thậm chí gọi dàn nhạc là gia đình lớn” - nghệ sỹ violon Rodrick Muanda nói.

Nicole Curau, nghệ sỹ violon Monaco đến Kinshasa chơi cùng với Dàn nhạc giao hưởng Kimbanguistes, thì cho rằng, Kimbanguistes đã đem đến hy vọng cho nhạc cổ điển. Sự thực là, nhạc cổ điển ngày nay được xem như một phần của châu Âu. Số lượng các dàn nhạc giảm, ngày càng ít khán giả và chủ yếu là người già. Nhưng Kimbanguistes cho thấy nhạc cổ điển hồi sinh thực sự và tình yêu vô biên dành cho nhạc cổ điển mà bạn cảm nhận được từ mọi người ở đây.

Các thành viên Dàn nhạc Kimbanguistes có tham vọng thành lập trường nhạc ở Kinshasa để các nghệ sỹ địa phương có thể xuất khẩu nền văn hóa phong phú của mình thông qua nhạc cổ điển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này là cả chặng đường khó khăn, tương tự như Tresor Wamba, người đã tự học viola. “Bạn bè hỏi tôi đang làm gì với dàn nhạc của nghệ thuật cổ này, bảo tôi rằng nó sẽ chẳng mang lại cho tôi điều gì và tôi sẽ từ bỏ” - sinh viên 26 tuổi này chia sẻ. Nhưng sau hơn 10 năm chơi cho dàn nhạc, đấu tranh giữa việc học và đam mê âm nhạc, Wamba giờ đây đã được chơi nhạc trước hàng trăm người, kể cả trước công chúa Monaco. “Bạn phải có hy vọng, cố gắng và cố gắng nhiều năm. Đây là thành quả lao động của tất cả chúng tôi”.

Theo Hà Khanh - NDBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng