Tạp chí Sông Hương -
Độc đáo thơ trên di tích ở cố đô Huế
08:21 | 02/07/2013

(SH) - Đó là hàng nghìn bài thơ, văn chạm khắc trên các cung điện và văn bia ở hoàng thành, các lăng vua ở cố đô Huế.

Độc đáo thơ trên di tích ở cố đô Huế
Thơ trên điện Thái Hòa

Di sản của các vị vua thi sỹ

Lâu nay, du khách đến Huế thăm thú đền đài lăng tẩm, nhưng ít người để ý đến các ô thơ, hộc thơ được chạm khắc tỷ mỹ tinh xảo trên từng dải liên ba, cổ diềm, bờ nóc, hoành phi của các công trình kiến trúc chính trong kinh thành và lăng tẩm. Ngay cả những nơi được coi là uy nghiêm tôn cẩn nhất như Điện Thái Hòa, Thế Miếu, lầu Ngọ Môn, Điện Long An và lăng tẩm các vua Nguyễn… đều có mặt của các ô thơ, hộc thơ trong họa tiết trang trí chạm khắc theo kiểu “nhất thi nhất họa”. Đây là điều mà không một di tích cố đô nào trên thế giới có được.

Thơ trên di tích Huế hầu hết là thơ ngự chế của các vua Nguyễn, trong đó nổi tiếng nhất là vua Minh Mạng (1820 – 1840), vua Thiệu Trị (1840 – 1847), vua Tự Đức (1847– 1883) đồng thời là ba nhà vua thi sỹ có số lượng tác phẩm để lại nhiều nhất trong 13 vị vua triều Nguyễn.

Vua Minh Mạng là tác giả của "Ngự chế thi tập" 73 quyển, được đóng thành 6 tập gồm 3.500 bài thơ chữ Hán, vua Thiệu Trị là tác giả của 10 tác phẩm với gần 4000 bài thơ chữ Hán, trong đó, nổi tiếng như “Ngự chế Bắc thành thi tập”, “Ngự chế danh thắng đô hội thi”, “Thần kinh nhị thập cảnh”.

Vua Tự Đức là tác giả của 19 tác phẩm với hàng ngàn bài thơ, trong đó nổi tiếng như “Ngự chế thi tập”, “Cơ dư tự tỉnh thi tập”, “Việt sử tống vịnh thi tập”… Chính sự yêu thơ, say thơ của các thế hệ các ông vua thi sỹ như thế cho nên thơ văn có mặt trên các di tích nghiêm cẩn của Huế là một điều dể hiểu.

Theo số liệu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, số lượng thơ văn Hán - Nôm trang trí trên di tích Huế hết sức phong phú và đa dạng, với hơn 4.000 bài thơ, văn chạm khắc trên các cung điện và văn bia tại khu vực Hoàng thành, các lăng vua và nhiều di tích khác của Huế... Trong đó, tập trung nhiều nhất ở điện Thái Hoà với gần 200 bài, lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) 120 bài…

Đó là chưa kể đến hàng ngàn bài thơ ngự chế đã được khắc chạm trên các loại chén, dĩa gốm sứ, biển đồng, bia đá... Chỉ tính riêng số lượng thơ khắc in trên quần thể di tích cố đô cũng cho ta thấy di tích cố đô không chỉ là di sản đặc sắc trong kiến trúc xây dựng, mà còn là “Bảo tàng thơ” độc nhất vô nhị trên thế giới.

Tuy nhiên để giải mã được các ô thơ, hộc thơ trang trí trên các di tích Huế không phải là điều đơn giản, bởi có ô thơ chạm khắc nguyên vẹn cả bài thơ, nhưng có ô thơ chỉ có một câu, phải liên kết nhiều ô thơ, hộc thơ mới được một bài. Ví dụ như ở Hiếu lăng – lăng vua Minh Mạng có gần 500 ô thơ, sau khi dịch nghĩa, các nhà nghiên cứu Huế mới xác định được nguyên vẹn 120 bài thơ tứ tuyệt. Hay như hai bài thơ “Vũ trung sơn thủy” (Cảnh trong mưa) và “Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm” (Đêm thơ ở Phước Viên) của Vua Thiệu Trị được thể hiện một cách lạ lùng.

Mỗi bài có 54 chữ, không trình bày theo lối thường mà được viết thành 5 vòng tròn theo lối đồng tâm, nhìn vào như một trận đồ bát quái, mỗi vòng tròn có một số chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú và sắp xếp biến hóa thành 64 bài thơ khác nhau theo kiểu “chơi thơ”hết sức độc đáo.

Tiếng vọng của thời gian

Hình thức thể hiện của thơ trên di tích Huế đa dạng đặc sắc qua các kiểu thư pháp chân, thảo, triện, lệ…với chất liệu đa dạng: khảm xà cừ, dát vàng, bạc, khắc chìm, chạm nổi, sơn son, thếp vàng, viết trên nền pháp lam; đắp nổi sành sứ... Đó là bức tranh tổng thể về quan điểm tư tưởng, tình cảm của triều Nguyễn đối với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Đề cao độc lập dân tộc, tự hào về truyền thống văn hóa Việt, ca ngợi mùa xuân, cảnh đẹp non sông đất nước, chăm lo đời sống muôn dân, khuyến khích phát triển nông nghiệp…

Hàng ngàn bài thơ trên các di tích Huế, đã thực sự là tiếng vọng của thời gian, chuyển tải những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc mà vương triều Nguyễn để lại cho hậu thế. Ngay dưới bức hoành phi chính giữa điện Thái Hòa, là bài thơ được coi như “Tuyên ngôn độc lập” của triều Nguyễn.

“Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung (dịch)

Nước ngàn năm văn hiến
Thống nhất muôn dặm xa
Từ Hồng Bàng mỡ cõi
Trời Nam vững sơn hà.

Hay như trên lĩnh vực khuyến khích nông nghiệp, các vị vua Nguyễn đã để lại nhiều bài thơ đặc sắc như, “Nông Lạc” của vua Thiệu Trị, được chạm khắc trên Điện Hòa Khiêm của Lăng vua Tự Đức.

Chung tuế cần cù lực bá canh,
Thu thành vạn bửu toại tư sanh.
Nhương nhương lũng mẫu hoàng vân bố,
Ức úc thương sương ngọc lạp doanh.
Phủ ngưỡng hàm hân gia cấp túc,
Trưng khoa bất nhiễu pháp nghiêm minh.
Chiêu diên tửu thực hương thôn hội,
Tuý bảo mao nghê hỷ ủy tình.

Bài thơ được dịch giả Vũ Bạch Ngô dịch như sau.

Cần cù ruộng thấp đồng cao,
Sang thu cái sống được bao đền bù.
Mây vàng giăng hạt ruộng khô,
Ngọc làng ăm ắp đầy bồ chật kho.
Cảnh nhà giờ đỡ phải lo,
Làm theo phép nước trưng thu đàng hoàng.
Tiệc mừng tấp nập xóm làng,
No say ai cũng rộn ràng niềm vui.

Hay như viết về mùa xuân, thơ trên di tích Huế không dừng lại ở ngợi ca cảnh đẹp của mùa xuân, mà qua đó gửi gắm tâm tư, ước vọng của người viết về sự hưng thịnh trường tồn của đất nước như ở Điện Thái Hòa: “Hà xứ xuân sinh tảo/ Xuân sinh vũ lộ nghi/ Kỳ lâm phù chúng vọng/ Khản trạch hiệp nông thì. (Nguyễn Phước Hải Trung dịch)

Nơi nào xuân đến sớm
Đúng độ cơn mưa về
Cầu mưa làm thỏa nguyện
Mùa màng vui sơn khê.

Chính vì sự đa dạng phong phú trong chủ đề phản ánh, cũng như với số lượng tác phẩm đồ sộ được “xuất bản” độc đáo trên các đền đài, lăng tẩm Huế, nên thơ văn Hán Nôm trên di tích Huế được đánh giá như là kho “dương bản” (ngược với mộc bản là âm bản, đã được công nhận là di sản ký ức nhân loại) độc đáo của văn hóa Huế. Trên bình diện văn hóa, lịch sử, thơ trên di tích Huế chưa được khám phá hết, nhưng ẩn chứa những giá trị nhân văn đặc biệt tạo nên phần “hồn” cho quần thể di tích Huế.

Vì thế, vừa qua Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô cùng với các nhà nghiên cứu Huế đã triển khai lập hồ sơ hệ thống văn tự Hán - Nôm trên quần thể di tích Huế để đệ trình UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới vào năm 2015. Đây là tin vui không chỉ của người dân cố đô, mà còn là niềm tự hào của người dân Việt trước di sản của ông cha.

 

Theo VOV

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng