Tạp chí Sông Hương -
Của mình, sao phải “xin”?
14:44 | 04/07/2013

(SH) - Không khác nào một sự nghịch lý trớ trêu khi người tiêu dùng và dư luận cả nước lên tiếng yêu cầu đã lâu song vẫn chưa “được” cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp kinh doanh công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Của mình, sao phải “xin”?
Giá xăng dầu luôn biến động, nhất là vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán

Nghịch lý ở chỗ quỹ này thực chất được hình thành từ đóng góp của người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua xăng dầu. Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không hề bỏ ra bất cứ đồng nào để đóng góp vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Thế nhưng, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp lại toàn quyền mọi vận hành của quỹ, từ cách thức trích lập, quản lý cho đến sử dụng.

Tiếng là “ông chủ” thực sự của Quỹ Bình ổn xăng dầu song người tiêu dùng lại không hay biết và hoàn toàn không có quyền hành gì đối với việc sử dụng đồng tiền của mình. Trích lập quỹ thế nào, xả quỹ ra sao… nhất nhất đều do cơ quan quản lý nhà nước “quyết” theo “tín hiệu” từ những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà không có sự ủy thác chính thức nào của những “ông chủ” thực sự.

Chẳng những thế, theo các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng còn “thiệt đơn, thiệt kép” khi phải góp tiền duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Người tiêu dùng có thể được hưởng lợi ít nhiều khi xăng dầu không tăng giá nhờ “xả” quỹ. Tuy nhiên, để được có chút lợi này, người tiêu dùng đã phải mua xăng dầu đắt hơn khi trích lập quỹ.

Thiệt nhất của người tiêu dùng là số tiền mà họ phải bỏ ra thêm khi mua xăng dầu nhằm trích lập quỹ, có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng hoặc hơn, đã mặc nhiên nằm trong tay doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà không có một đồng lãi suất. Số tiền nhàn rỗi này được sử dụng thế nào? Nếu sinh lợi thêm thì có được trả cho người tiêu dùng? Trường hợp thua lỗ có “biến báo” để người tiêu dùng phải gánh chịu?… Hàng loạt câu hỏi đó không có lời đáp bởi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa được công bố công khai với những người chủ đích thực của nó.

Lần đầu tiên đăng đàn trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” sau khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ sớm công khai tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trên trang thông tin điện tử của bộ này, mỗi quý một lần vào tháng đầu quý. Trong khi chờ bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện lời hứa thì người tiêu dùng vẫn phải chịu cảnh nghịch lý: Của mình nhưng phải “xin” được biết sử dụng thế nào!

Theo Phan Đăng ( Báo Người lao động)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng