Tạp chí Sông Hương -
NSND Lê Khanh: Có được phải có mất
08:53 | 09/07/2013

Tại góc sân nhỏ trên tầng thượng mà chị rất đỗi tự hào gọi là "vườn thượng uyển" của riêng mình, NSND Lê Khanh mặc áo bà ba, quần lụa, thong dong chăm sóc từng chậu cây cảnh, từng bông hoa, ngọn cây và một ít rau thơm... Ít ai biết một góc khác của người nghệ sĩ sớm thành danh mang vẻ kiêu sa, đài các này...

NSND Lê Khanh: Có được phải có mất

Với "vườn thượng uyển" của mình, NSND Lê Khanh bảo chị như một người nông dân chuyên nghiệp. Chị thích sự lao động, nhưng sự lao động của chị nó nhẹ nhàng và vui như là… chơi đồ hàng. Con gái chị thường bảo: "Sao mẹ lúc nào cũng nghĩ ra việc để làm?", nhưng khi "chơi" với công việc, chăm sóc cây cối, chị luôn tìm thấy sự nhẹ nhàng, cân bằng cho chính mình. Bởi thế, cứ mỗi khi rảnh là chị lại lên với góc vườn nhỏ, lúc thì tưới cây; lúc thì vừa ngắm nghía, tận hưởng chúng, vừa thưởng thức một tách trà. Cuộc sống với chị như chậm lại, dù ở ngay phố Phan Đình Phùng, mà như xa rời bao nhiêu huyên náo ngoài kia…

NSND Lê Khanh vẫn được người đời ca tụng là sống hết mình cho nghệ thuật. Điều đó thực dễ hiểu bởi chị đã hóa thân đầy cảm xúc trong hàng trăm vai diễn mà không hề lặp lại chính mình trên sân khấu cũng như trong điện ảnh. Với những vai diễn để đời như: Lý Chiêu Hoàng trong vở "Rừng trúc", Đan Thiềm trong vở "Vũ Như Tô", Thúy trong "Bến bờ xa lắc", Juliet trong vở "Romeo và Juliet", quận chúa Minfo trong "Âm mưu và tình yêu"… tên tuổi Lê Khanh đã thực sự tỏa sáng. Chị cũng là một trong những gương mặt từng làm mưa làm gió màn ảnh Việt vào những năm 90 của thế kỷ trước với các vai diễn trong phim "Dòng sông hoa trắng", "Săn bắt cướp"… Từng là nghệ sĩ trẻ nhất được phong tặng danh hiệu NSND, những đóng góp của chị cho nghệ thuật không ai có thể phủ nhận.

Khi được hỏi về sự tìm tòi, sáng tạo trong các vai diễn, NSND Lê Khanh tâm sự: Càng vai khó, càng vai phức tạp chị càng diễn dễ. Bởi những vai hay thường nằm trong những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có sức sống thời đại mãnh liệt và điều này khiến chị khi hóa thân vào nhân vật nhiều lúc "diễn như không diễn". Nhưng không có gì khổ sở cho bằng phải biến không thành có, bởi thế chị đóng Lý Chiêu Hoàng ở trong "Rừng trúc" của cố nhà văn Nguyễn Đinh Thi nhàn nhã hơn vai Đan Thiềm ở trong "Vũ Như Tô" rất nhiều. Mọi người xem xong cứ nghĩ chị phải nghiên cứu mất rất nhiều thời gian, chật vật để tập luyện khi vào vai Lý Chiêu Hoàng, trong khi thực tế chị lại nhập vai này một cách nhanh chóng, không phải mày mò, mất nhiều công sức như vai Đan Thiềm. Với vai Đan Thiềm thì vốn sống có sẵn thôi là không đủ, chị phải đi tìm hiểu, thậm chí càng diễn càng thấy khó ra số phận một cô cung nữ. Nhưng qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, chị đã tạo dựng được một Đan Thiềm, một cung nữ mê đắm cái tài, chạm tới sự rung động của bao trái tim khán giả. NSND Lê Khanh chia sẻ, chị luôn có ý thức để khán giả thấy thú vị mỗi khi mình xuất hiện trên sân khấu, khả năng biến hóa nhân vật luôn sinh động, bởi nếu những vai nhỏ mà mình không biết cách chăm chút, thì vai lớn sẽ càng lộ rõ sự chểnh mảng, đuối sức.

Tham gia cả ở hài kịch và chính kịch, Lê Khanh với "Đời cười" là một nét rất khác so với những gì người ta thường hình dung về chị. Nhiều người có thể quen với hình ảnh kiêu sa, đài các của Lê Khanh mà nghĩ rằng chị khó có thể "chọc cười" được khán giả khi xâm nhập vào hài kịch. Sự thể không phải vậy. Lê Khanh tâm sự, chị thích được sáng tạo, được nhập vai ở nhiều góc độ khác nhau nên hài kịch đã mang đến cho chị nhiều sự hứng thú. Bởi hài kịch với chị là sự mở vô biên, thỏa sức sáng tạo, có thể biến 1 thành 10, thậm chí 20, điều mà trái ngược với kịch cổ điển, phải tuân thủ lời thoại gần như tuyệt đối. Chính vì vậy mà với "Đời cười", Lê Khanh đã mang đến một sự biến hóa làm nhiều người kinh ngạc. Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo từng ngày, nó không cho con người ta sự lặp lại những cái đã cũ.

Ngoài các vai diễn, ngoài chức danh mới đây nhất trong vai trò nhà quản lý, không phải ai cũng biết chị còn một chức danh khác: Đó là giảng viên. Có dịp theo dõi một buổi giảng dạy của cô giáo Lê Khanh tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, ta sẽ thấy một góc khác ở chị, một cô giáo hào hứng, sôi nổi và hết mình. Vì thế, học trò luôn coi chị như người thầy mẫu mực, gần gũi như người mẹ. Nói về nghiệp giảng dạy, NSND Lê Khanh tâm sự: "Khi tôi có ý định bước chân lên bục giảng, có nhiều người gàn, bảo tôi là suy nghĩ kĩ đi, đừng có điên, tiền thì ít mà bận lắm, lúc nào cũng như có con mọn, chả làm gì được. Quan trọng nữa là chúng nó không học đâu, đi dạy nản lắm. Tôi chỉ cười, tôi có lý do của mình. Ngày xưa thầy tôi phát hiện ra tôi và giờ tôi cũng muốn góp một phần để phát hiện ra những tài năng. Tôi không đi chữa bệnh cho mọi người, tôi làm nghệ thuật thì tôi truyền nghệ thuật và đào tạo tài năng. Tôi muốn truyền cho các con (Lê Khanh thường gọi học trò của mình là "con") sự ảnh hưởng, quan điểm, phong cách nghệ thuật của mình. Giảng dạy như một cái nợ mà tôi muốn trả, tôi trả được càng nhiều tôi càng hạnh phúc. Tôi không thấy đây là sự hy sinh mất mát hay khổ sở. Tôi đánh vật với chúng, mệt lắm, nhưng nếu các con tôi một ngày nào đó dự báo một tương lai tốt và thành công, thì khó khăn mấy, vất vả mấy đó cũng là phần thưởng lớn nhất của cha mẹ".

Lê Khanh là người quan tâm đến Đạo Phật, bởi thế trong phòng khách nhà chị có trưng bày rất nhiều tượng Phật. Chị cũng dành một góc riêng, một căn phòng nhỏ ở tầng trên cùng, nơi nhìn ra "vườn thượng uyển" để… thiền. Khi nào quá căng thẳng và cần cân bằng lại, chị tìm đến thiền. Nhưng Lê Khanh bảo chị cũng hay thiền theo một cách khác, một cách của riêng chị mà chị gọi là "thiền động". Tức là khi mệt mỏi, khi cơ thể muốn ốm là chị phải hoạt động và làm việc, chị "chơi đồ hàng" với cây cối, vườn tược, tổ chức ăn uống, chị đi, chị vận động và chị thoát khỏi sự căng thẳng, khỏi những cơn ốm tưởng như đã hiện hữu.

Lê Khanh giờ đã già hơn những năm trước khá nhiều, nhưng nụ cười và ánh mắt, vẻ đẹp rất Hà Thành từng làm nên "thương hiệu" Lê Khanh vẫn vậy. Trên khuôn mặt chị đã xuất hiện những vết nám, đã có nhiều nếp nhăn ở đuôi mắt và chị cũng không giấu giếm rằng tóc cũng đã có sợi bạc. Chị bảo: "Có người bạn khuyên tôi là cười ít thôi vì cười nhiều hay xuất hiện nếp nhăn. Nhưng tôi chấp nhận tôi già nhưng tôi phải được cười, do vậy tôi không thể làm đẹp theo cách bạn tôi khuyên. Người nào cũng thích sự trẻ trung, có người bảo em thích được như chị. Tôi cũng đùa: Chị ước gì được trẻ trung như em. Nói thì thế, nhưng cuộc sống được cái này mất cái khác và ta phải vui với điều đó. Giờ tôi có nếp nhăn trên đuôi mắt, tóc đã có sợi bạc, nhưng đổi lại tôi có sự nghiệp, có một gia đình. Nếu còn trẻ, tôi xinh đẹp nhưng tôi chẳng có gì, tôi chưa gia đình, chưa con cái, chưa có sự nghiệp, tôi sẽ bắt đầu từ vạch xuất phát. Bởi vậy, tôi sống và sống để có những gì của ngày hôm nay tôi có đây. Nên tôi chấp nhận và vui vẻ với những nếp nhăn của mình. Các diễn viên trẻ ngày nay rất tiếc họ có nhiều cơ hội so với đàn anh đàn chị ngày xưa nhưng họ lại thường hay phung phí, như thế có nghĩa là phung phí cả tuổi trẻ của mình".

Cho đến bây giờ, không ít người nhìn NSND Lê Khanh với con mắt ngưỡng mộ, bởi chị không chỉ được coi là biểu tượng nhan sắc của phụ nữ Hà Thành gốc, với vẻ ngoài kiêu sa, đài các, vừa gần gũi, vừa bí ẩn, mà còn vì chị là diễn viên đầy sáng tạo, tài năng. Mới đây chị nhậm chức Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng danh lợi không phải là cái đích của chị. NSND Lê Khanh chia sẻ: Chị đã "trốn" chức vụ nhiều lần, đến giờ là không thể trốn được nữa. Chị chỉ luôn muốn được đứng trên sân khấu, được hóa thân, được sống hết mình với các vai diễn, bởi thế chị đã "mặc cả" với những người tin tưởng chị thế này: "Em đồng ý nhận giúp gánh vác công việc, với điều kiện vẫn phải được diễn thì em mới làm!".

Ở Lê Khanh hội tụ đầy đủ về hình ảnh một người phụ nữ thành đạt, một nghệ sĩ lớn, một người đàn bà hạnh phúc. Người ta thường thấy bóng dáng chị đang hối hả đến Trường Đoàn Thị Điểm cho kịp giờ để đón cậu con trai út về nhà. Bóng mẹ con chị hòa vào dòng người ồn ào, náo nhiệt khi đường phố đã lên đèn. Chị cười bảo: "NSND hay bất kỳ một chức danh nào khác thì cũng là một người mẹ, tôi cần diễn tròn vai này hơn bất cứ một vai diễn nào khác"

Theo Mỹ thịnh - VNCA

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng