Tạp chí Sông Hương -
“Đóng - mở” trong Quy hoạch đô thị Huế
06:49 | 21/07/2013

QUANG PHONG

Đóng và mở - hai vấn đề tưởng chừng như rất mâu thuẫn nhưng lại là quan điểm rất cần thiết phải được lưu tâm trong quy hoạch, phát triển đô thị Huế. Đóng - là để bảo tồn những giá trị của di sản trước sự xâm thực của làn sóng phát triển và mở - đó là vai trò lan tỏa, kết nối với các đô thị để bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững và có sức sống của đô thị sau này.

“Đóng - mở” trong Quy hoạch đô thị Huế

“Đóng” để bảo tồn 

Lâu nay cái khó nhất của tất cả các đồ án ý tưởng Quy hoạch phát triển đô thị Huế là phải làm thế nào bảo tồn được những giá trị đặc sắc của Di sản kiến trúc đô thị trước áp lực của tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa song vẫn phải bảo đảm đô thị phát triển hài hòa sống động. Ở đây, dân cư sinh sống trong đô thị cổ với văn hóa sinh hoạt kết tinh qua các giai đoạn lịch sử cũng chính là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời với cơ thể đô thị. Vậy nên, “đóng” để bảo tồn những giá trị vật thể của đô thị cũng chính là yêu cầu quan trọng giúp bảo lưu, gìn giữ những giá trị sống, sinh hoạt đã trở thành tài sản văn hóa tinh thần phi vật thể vô giá của đất và người Cố đô.

Đầu tiên phải khẳng định, để bảo tồn những giá trị văn hóa quý giá nhất của Huế cần thiết phải có giải pháp để hạn chế phát triển ở những khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt. Ví dụ, hạn chế phát triển các khu dân cư với mật độ cao ở trong Kinh thành, các khu vực tiệm cận các di tích lịch sử văn hóa quan trọng, hạn chế phát triển các công trình cao tầng, có khối tính lớn ở các khu vực sát bờ sông Hương… Những biện pháp này trên thực tế đã và đang được thực thi với chế tài của Luật di sản văn hóa, Luật quy hoạch đô thị cũng như những Quy hoạch kiến trúc, quy định của địa phương. Cùng với đó là kế hoạch dành các nguồn lực đặc thù cho các dự án giải tỏa, chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế. Tuy nhiên, hiệu quả của công việc này có thể sẽ không được như mong muốn, ngược lại còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bất cập, nếu như đơn thuần chúng ta “đóng” theo cảm tính, ngăn cấm sự phát triển một cách cứng nhắc ở nhiều khu vực. Vậy nên, để làm tốt điều này, việc cần thiết không chỉ là khoanh vùng để xác định các khu vực cần bảo tồn, mà phải tùy nơi để quyết định mức độ đóng, mở khác nhau nhằm bảo đảm tính hợp lý, dung hòa xung đột giữa sự đòi hỏi phát triển của cộng đồng dân cư và nguyên tắc bảo tồn.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khi được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, chúng ta phải theo một luật chơi chung, tức là phải hòa nhập và tuân thủ những công ước của quốc tế. Như vậy, trước hết từ lãnh đạo, các ban ngành đến người dân phải nắm rõ đâu là những điều cần phải tuân thủ. Nắm rõ thì mới biết được cái gì cần bảo tồn, cái gì cần phát triển hay là cái gì cần mở, cái gì cần đóng. Trên quan điểm này, ông Hải cho rằng, vấn đề quan trọng trước tiên là nhận thức, sau đó là nỗ lực xây dựng một quy hoạch chung cho vấn đề bảo tồn và phát triển. Rất tiếc, ở Thừa Thiên Huế vấn đề này còn chậm, cần có một sự đầu tư quyết liệt hơn để sớm hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát triển Cố đô Huế. Quy hoạch này phải gắn liền với một yêu cầu mang tính bắt buột của Ủy ban Di sản Thế giới đối với Huế, đó là xây dựng một chương trình Quy hoạch quản lý đối với Khu di sản Huế. Một khi Huế nắm rõ cơ chế quản lý của khu di sản thì sẽ rất dễ trong vấn đề lựa chọn “đóng - mở”.

Có thể nói, xác định quan điểm “đóng” đối với đô thị Huế là việc làm hết sức quan trọng, nếu chúng ta thỏa hiệp, để dân cư phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, hệ lụy về một đô thị “nén” là điều không tránh khỏi. Lúc này muốn “thoát” ra không có cách nào khác phải tiêu tốn nhiều nguồn lực cho công tác đền bù, giải tỏa. Trong trường hợp bất khả kháng, không thực hiện được phải chọn phương án nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng cũ, thì cũng chưa hẳn đã hợp lý, nhiều lúc mới giải quyết được vấn đề trước mắt (như vấn nạn ùn tắc, ô nhiễm, lụt lội) song lại ảnh hưởng đến tỷ lệ không gian của đô thị vốn dĩ đã được quy hoạch phù hợp với các công trình kiến trúc hiện hữu. Ở một khía cạnh tích cực, làm tốt việc “đóng” ở các khu vực vũng lõi của đô thị chính là tạo cơ hội cho các vùng phụ cận phát triển, từ đó hạn chế sự cách biệt về hình ảnh giàu nghèo giữa các khu vực. “Đóng” cũng chính là để tạo điều kiện để bảo đảm tốt vấn đề an sinh xã hội, giảm thiểu áp lực về hạ tầng đường sá, trường học, các công trình phúc lợi… Ngược lại, nhường không gian ưu tiên cho phát triển du lịch theo hướng cao cấp mà chúng ta đang hướng đến. Ông Trương Văn Quảng - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch và Đô thị Nông thôn, Bộ Xây dựng cho rằng, quá trình nghiên cứu Quy hoạch chung Thành phố Huế, cần có cách tiếp cận khác so với các vùng miền khác. Chúng ta cần nghiên cứu ở phạm vi rộng hơn để xác định khu vực lõi có nhiều di sản cần bảo tồn từ đó tập trung nâng tầm đẳng cấp ở vùng lõi đô thị lên, đồng thời với việc tạo điều kiện để các đô thị chung quanh phát triển. Làm được điều này, sẽ giúp các đô thị có thể chia sẻ các áp lực cho nhau, giải “nén” khu vực trung tâm đô thị để không làm hỏng đô thị di sản.

“Mở” để phát triển 

Xét trên quan điểm quy hoạch phát triển, đô thị Huế không thể là một thực thể độc lập, mà có nhiều mối quan hệ tác động ở nhiều lĩnh vực và với nhiều đô thị khác. Điều này càng được thể hiện rõ, một khi theo định hướng Huế sẽ là đô thị hạt nhân, là động lực phát triển cho toàn tỉnh trong tương lai. Với vai trò là đô thị trung tâm, cực chủ đạo, động lực phát triển của thành phố trực thuộc T.Ư trong tương lai trong mối quan hệ đối sánh với các đô thị trọng điểm trong vùng, Huế phải làm tốt sứ mệnh kết nối với các đô thị vệ tinh chung quanh, làm tốt chức năng đối ngoại không chỉ với các vùng miền, trung tâm khác của đất nước, mà phải vươn ra ở tầm khu vực và quốc tế. Nếu việc “mở” của đô thị có định hướng và hoạch định rõ nét, đó sẽ là cơ hội để Huế có thể nhận được sự hỗ trợ hoặc chia sẻ áp lực với các đô thị khác. Đó cũng chính là tiêu chí để xây dựng Huế trở thành đô thị sinh thái và phát triển bền vững. Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam khẳng định, Huế là một đô thị đặc biệt, một đô thị cảnh quan, đô thị bài thơ đúng nghĩa. Vậy nên, cần có một quan điểm nhất quán trong nghiên cứu quy hoạch đó là không chỉ bảo tồn những những di sản vật thể mà phải là bảo tồn những giá trị thiên nhiên của Huế. Ngoài ra, đóng hay mở, bảo tồn hay phát triển phải dựa trên cả vấn đề phong thủy của Huế, đó là thế đất “gối sơn đạp thủy”. Cũng trên quan điểm này, sông Hương là trục quan trọng cần bảo tồn, song cũng là trục quan trọng để phát triển, ở đây trục bảo tồn là trục dọc theo hai bên bờ sông Hương và trục phát triển của thành phố từ phía Bắc sông Hương nhìn về phía đầm phá Tam Giang và Biển Đông.

Ở đây chúng ta có thể đi lên từ chính thế mạnh văn hóa - thiên nhiên và phát triển du lịch - dịch vụ chứ không cố tình gượng ép, xuất phát từ ý kiến chủ quan (ví dụ nhồi nhét các nhà máy, khu công nghiệp ở những khu gần trung tâm đô thị chẳng hạn) để rồi hệ quả là phát triển chồng chéo, là sự cạnh tranh không cần thiết và thiếu lành mạnh giữa các đô thị. Tất nhiên, làm được điều đó không hề đơn giản, nó phải đi kèm với việc quy hoạch phân công các nhiệm vụ cụ thể, hợp lý cho các khu vực của đô thị, mà trước tiên là các đô thị của tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đó là đến các đô thị của vùng, liên vùng. Lấy ví dụ: thành phố Huế đảm nhiệm chức năng là đô thị di sản, thành phố Festival và du lịch đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, khu vực Hương Thủy phát triển công nghiệp, đa ngành, công nghiệp phục vụ du lịch, dịch vụ; Hương Trà phát triển công nghiệp đa ngành, công nghiệp phục vụ kinh tế biển và đầm phá; Đô thị Chân Mây - Lăng Cô là Trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại, cảng biển; Đô thị A Lưới là Khu kinh tế cửa khẩu, kết hợp vùng rừng cảnh quan sinh thái v.v.

Đóng - mở linh hoạt 

Thực ra, hai quan niệm “đóng - mở” trong quy hoạch phát triển đô thị Huế không phải là quan điểm bất di bất dịch, mà đó là sự chuyển hóa trong cơ thể đô thị vốn dĩ rất sinh động. Đóng như thế nào và mở như thế nào, đóng ở đâu, mở ở đâu đều phải có những hoạch định mang tính chiến lược, được phân tích thấu đáo dựa trên nền tảng tư duy khoa học và thực tiễn chứ không thể chỉ nói suông. Lấy ví dụ, khi đã nghiên cứu chúng ta có thể quyết định, ở khu vực trung tâm “đóng” ở phương diện hạn chế phát triển dân cư nhưng cũng có thể sẽ “mở” ở khía cạnh tiện nghi, hiện đại hay cho phát triển theo hướng thích nghi để phục vụ du lịch. Mặt khác, ở những khu vực ngoại vi tưởng chừng như rất thoải mái trong phát triển chúng ta cũng cần có quan điểm “đóng” đúng mức, để đô thị không bành trướng phát triển theo vết dầu loang, vốn dĩ sẽ phá vỡ dần những vùng đệm “xanh” chuyển tiếp giữa các đô thị, đi ngược với định hướng xây dựng đô thị sinh thái của Thừa Thiên Huế.

“Đóng hay mở” là một vấn đề mang tính vĩ mô của các cơ quan quản lý nhà nước, song nó phải được đồng thuận và nhìn nhận với ý thức cao từ phía người dân. Bởi “đóng” cũng đồng nghĩa với việc hy sinh những lợi ích trước mắt, khi những người không đủ điều kiện phải “ra đi” và một bộ phận còn lại đành phải chấp nhận những quy định mang tính ràng buộc cao như: quy định chặt chẽ về hình thức kiến trúc, mỹ thuật, tầng cao, diện tích xây dựng, khoảng lùi của công trình… Tất nhiên, những người ở lại cũng sẽ được mở ra những cơ hội mới, đó là thoát khỏi cuộc sống chật chội, thoải mái hơn trong việc thụ hưởng một môi trường cảnh quan trong lành, đáng sống. Và hơn hết, nếu được tạo điều kiện để phát triển kinh tế họ sẽ hài lòng khi đảm nhiệm sứ mệnh người “gác đền”, gìn giữ tinh hoa di sản vật chất và tinh thần ở trong vùng lõi của đô thị di sản. TS. KTS Đặng Minh Nam - Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Thừa Thiên Huế cho rằng: các di sản về công trình kiến trúc và cả thiên nhiên của Huế là một kho báu cần phải bảo tồn và gìn giữ. Đây là vốn quý cũng là tấm gương phản ảnh lịch sử phát triển. Những cái quý giá như quỹ kiến trúc đô thị thì không thể để mất đi. Tuy nhiên, giữa bảo tồn và phát triển có mâu thuẫn. Theo quan điểm của TS. Đặng Minh Nam, Huế bảo tồn nhưng cũng phải phát triển chứ không nhất nhất bảo tồn. Hiện nay, chúng ta chỉ có khoanh vùng, can thiệp để hạn chế phát triển mà chưa có lời giải cho sự phát triển của khu vực đó. Theo ông Nam, tiếp cận ở góc độ thiết kế đô thị để giải quyết được bài toán này: “Nếu có quy hoạch, thiết kế đô thị tốt, người dân ở trong vùng di sản vẫn có thể phát triển được, lúc đó họ sẽ đóng vai trò gìn giữ bảo vệ di sản, góp phần tôn vinh giá trị di sản”.

Và quan trọng hơn cả, quan điểm “đóng - mở” này không chỉ được thể hiện nhất quán trên các đồ án quy hoạch phát triển ở tầm vĩ mô (chẳng hạn như Đồ án Quy hoạch đô thị vùng tỉnh, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế) hay các quy định cụ thể về kiến trúc ở các trục đường mà sắp tới thành phố sẽ xây dựng mà phải được thể hiện ngay trong tư duy, thái độ của những người sẽ thực hiện đồ án này, bao gồm cả nhà quản lý và cả người dân. Nếu không làm được điều này, tất cả cũng chỉ là lý thuyết trên giấy tờ, lúc đó chúng ta không có cơ hội thực hiện theo quy hoạch, và rồi có thể sẽ phải thất vọng, bởi sự khác biệt giữa những điều được kỳ vọng và kết quả thực tế sau này.
 

 

* Ông Kim In - Trưởng đại diện KOIKA (Hàn Quốc) tại Việt Nam, (Đơn vị đảm nhiệm thực hiện Điều chỉnh, nâng cấp quy hoạch chung TP. Huế): “Cũng như thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) có những nét tương đồng với Cố đô Huế, trong quá trình nghiên cứu Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, chúng tôi sẽ nhất quán với vấn đề bảo tồn di sản nhưng bên cạnh đó sẽ phải bảo đảm và phát huy giá trị di sản để làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi mong muốn, sau này thành phố các bạn sẽ phát triển theo hướng hiện đại song con cháu các bạn vẫn có thể tự hào về những giá trị di sản do cha ông để lại”.

Q.P
(SDB9/6-13)
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng