Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Tô Hoài: Ham sống để được ham viết
10:38 | 23/07/2013

Giữa tháng 6, nhà văn Tô Hoài phải nhập viện. Ở tuổi 94, với nhà văn cũng như với mỗi người, chuyện thăm khám bệnh viện là điều được xem bình thường. Nhưng lần nhập viện này của “cha đẻ” Dế mèn phiêu lưu ký thì khác...

Nhà văn Tô Hoài: Ham sống để được ham viết

Buổi sáng của những ngày đầu tháng 7, tôi đến thăm ông ở khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội). Những tưởng còn mệt ông sẽ khó ngồi dậy. Nhưng kìa, nhà văn đã ngồi “lọt thỏm” trong ghế salon đệm mút màu xám, trong phòng khách nho nhỏ có bình cúc tím đặt trên bàn, hướng ánh nhìn cùng nụ cười rất tươi đón khách. Ông mặc bộ lụa màu mỡ gà mong manh với nước da xanh yếu và nói những chuyện mong manh trong tuổi 94 của mình...

Bác đi mổ cái... nhọt

Run run chỉ tay về phía sau lưng, nhà văn bảo: “Bác đi mổ cái... nhọt ở sau lưng vậy mà mất đến 20 ngày. Ấy là bác giục bọn trẻ xin về điều trị ngoại trú chứ không đến giờ chắc vẫn nằm viện. Ôi chao, những tháng ngày ấy ở viện sao dài hơn cả thời gian của cuộc đời!” - tiếng than của nhà văn Tô Hoài nhỏ, nhẹ và “thổi” qua những lỗ hổng của hàm răng giờ chỉ còn... mươi chiếc.

Ngừng lời đôi chút, nhà văn nhắc: “Nếu làm bảng thống kê thì khéo phải dành hết vài trang giấy A4 may ra mới ghi đủ số lần bác vào viện. Nhưng lúc còn trẻ, khỏe, vào viện... nhẹ tênh. Giờ có tuổi rồi vào viện... run lắm. Cũng vì bác ham sống để còn được ham viết!” - ông nén tiếng thở dài.

Nhớ đến lần vào viện năm 2009, xoa xoa đôi bàn tay xương xương, nhà văn Tô Hoài tự khâm phục mình: “Bác đã đi qua “tử thần” một cách dễ dàng. Ai đời nằm viện trong tình trạng không biết trời biết đất ở đâu, hồn phiêu lạc về những nơi đã từng đặt chân đến suốt tháng trời. Vậy mà giữa lúc con cháu lục tục chuẩn bị lo hậu sự, bác lại trở về... Lúc ấy mở mắt ra thấy mình nằm trên giường bệnh, thấy con cháu đang đứng vây quanh nức nở khóc, bác thấy lạ quá. Thì ra mình vẫn còn được ở lại với tất cả những gì mình đang yêu mến”.

Ðận ấy, qua cái tuổi 89 gặp bệnh hiểm nghèo, nhà văn Tô Hoài hồi phục sức khỏe rất nhanh, tưởng như đấy là lần hồi sinh của cuộc đời ông. Kê đôi tay xuống ghế, đu đưa đôi bàn chân, dáng điệu ông khi ấy giống như một cậu bé mới lên mười, nhà văn xuýt xoa: “Lúc trẻ khỏe, bận trăm công nghìn việc nên viết không được bao nhiêu. Thoắt cái đã thành ông lão - ông lão ấy từng cận kề “tử thần” nên tiếc thời gian lắm...”.

Nỗi tiếc thời gian của nhà văn được bắt đầu bằng việc chăm chỉ ngồi vào bàn viết hơn. Ông cặm cụi viết báo là những câu chuyện gắn liền với ký ức xưa nhưng giờ kể ra vẫn chẳng xưa chút nào. Ông cặm cụi sửa những trang bản thảo, tất cả vẫn nằm trong sổ tay, trên những trang giấy nâu sẫm. Tính ra nhà văn có đến cả trăm cuốn sổ hồi ký được viết theo từng ngày, từng giờ, có chồng giấy bản thảo cao đến cả sải tay. Một nửa số đó ông giữ trong nhà, còn một nửa ông gửi Cục Lưu trữ quốc gia. “Vậy mà, phải đến 20 cuốn sổ bị nhòe mực. Ðành giữ để làm kỷ niệm. Số sổ ấy nhà thơ Hữu Thỉnh đã đăng ký: Khi nào bán chúng thì gọi cho ông ấy để ông ấy cho vào bảo tàng văn học” - khẽ chép miệng, Tô Hoài tiếc.

Tươi rói những con chữ

Chậm chạp đứng dậy, nhà văn lẳng lặng đi vào phía trong nhà. Bước chân của ông không còn vững chãi nữa. Dáng người cao lớn thuở nào giờ sọm lại, nhỏ nhoi. Ðã thế tấm lưng ông bắt đầu chùng xuống.

Mươi phút sau, ông đem những trang bản thảo cũ kỹ, già nua ra. Chúng hoen ố, nhòe nhoẹt, sờn mép. Những chiếc ghim gỉ sắt kiên trì đính chặt vào đó. Riêng những con chữ màu xanh, tím (ông viết lần đầu) và những con chữ màu đỏ (ông sửa chữa những năm qua) thì vẫn tươi rói.

Thận trọng lật từng cuốn sổ, từng trang giấy, nhà văn giới thiệu: Những cuốn sổ ghi hồi ký từ giai đoạn cải cách ruộng đất cho đến thời kỳ bao cấp, được ghi chép tỉ mỉ theo tháng của mỗi năm. Còn những trang giấy học sinh kẹp ghim ghi lại những cuộc hành trình sang làm việc tại Lào - Campuchia, ghi chép về những đất nước đã từng đi qua gồm khối các nước xã hội chủ nghĩa - Liên Xô (cũ), Cuba, Trung Quốc...; các nước châu Á như Ấn Ðộ, Iraq, Pakistan...; 

các nước châu Phi như Algeria, Zambia, Zimbabwe... “Bác tâm đắc với bộ hồi ký về cải cách ruộng đất và thời kỳ bao cấp. Ngày ấy, bác trực tiếp tham gia công tác cải cách ruộng đất ở ba tỉnh Thái Bình, Nam Ðịnh và Thanh Hóa. Thời kỳ bao cấp thì làm trưởng khu phố. Vì vậy, những câu chuyện được ghi lại toàn từ cuộc sống với người thật việc thật cả. Có câu chuyện nghe lọt tai nhưng có chuyện chẳng lọt tai chút nào. Vì thế, viết cứ để vốn đấy. Lúc nào có thể in được thì in” - nhà văn Tô Hoài cười lớn. Nhưng tiếng cười của ông không vang được nữa...

“Tháng tám

Ðêm nay đi uống trà cửa Sa (cửa Nam). Bao giờ cửa Sa cũng là chỗ lộn xộn. 12 giờ khuya. Các thứ đượm trẻ em, như con mình, vô cùng thương tâm.

Một chị bán cháo và nước ở cửa Nam. Không phải là “tiểu thương” như các “ngài” cán bộ tưởng thế đâu. Ðó chính là vợ con các ngài đấy. Chị ta có sáu con ở Hưng Yên sơ tán. Bây giờ chỉ dám cho về một nửa. Còn một nửa thì “chấp hành” không dám cho về. Khen các con ngoan, biết thổi cơm và chăn ngỗng. Ai oán thật...” - nhà văn Tô Hoài run run tay soi kính lúp vào từng chữ và đọc cho tôi nghe đoạn hồi ký về thời bao cấp. Giọng ông nhỏ, yếu và ngắt quãng nhưng vẫn say với từng con chữ. Ngừng lời, ông ngồi thở rồi bảo: “Bác chuyển toàn bộ những bản thảo này cho con trai Phương Vũ. In vào lúc nào là việc của bọn trẻ. Nhưng bác dặn Phương Vũ một nguyên tắc: Không được thay đổi bất kỳ nội dung nào, câu chữ nào. Nhà xuất bản nào đồng ý thì in. Nếu không, thà để ở dạng bản thảo còn hơn...”.

Sự đi và trở về

Ở khu tập thể Nghĩa Tân, Tô Hoài thích ngồi trong phòng khách nhỏ sát mặt đường, vừa đủ kê bộ salon và tủ sách đồ sộ. “Phòng khách ấy nếu “vào tay” người khác thì mỗi tháng đã sinh lời vài chục triệu đồng. Nhưng nhà văn khăng khăng giữ lấy “góc nhỏ” ấy” - nhà thơ Nguyễn Phương Vũ, con trai út của ông, kể thế.

Cũng bởi lẽ ông yêu mến phòng khách nhỏ của mình. Từ đây, nhà văn được nhìn thấy khoảng không trước mặt. Ðấy là cái vỉa hè rất rộng. Từ sáng tới chiều lúc nào cũng có những người bán hàng rong như trái cây tươi, nước chè, quần áo... ngồi chật kín. Họ chào ông đôi câu, thậm chí còn đùa ông không mở hàng cho họ. Nhà văn chỉ cười. Mỗi dịp được về đây, nhìn thấy các bà, các chị, các cô, ông thấy ấm lòng như gặp lại bóng dáng mẹ, chị mình năm xưa. Ðể rồi ông nhớ quê, nhớ vùng đất thấm đẫm bao kỷ niệm của tuổi thơ. “Cháu có biết không, ngày trước ở đây làm gì có nhiều nhà như thế, toàn ruộng rau muống và ao sâu. Trước nhà nào cũng có cái ao vuông vừa thả cá, thả bè rau, vừa để vo gạo, nấu cơm, tắm giặt... Trẻ con chân đất đầu trần giãi nắng với cào cào, châu chấu. Những người đàn ông, đàn bà lao động quần quật may ra mới đủ miếng cơm. Họ cũng cãi vã, chành chọe nhưng tình hàng xóm láng giềng sâu nặng lắm!”.

Nhìn ra ngoài khung cửa, đôi mắt đã mờ đục của ông dường như vẫn nhìn xuyên qua nắng hè, xuyên qua sự vật đang hiện hữu để mặc ký ức dội về: “Bác nhớ nhất ngày tết. Mẹ mở hàng từ sáng sớm. Ðám trẻ con mặc quần áo mới xanh đỏ theo bố mẹ đi chúc tết nội ngoại trong tiếng pháo inh tai. Từ mồng 2 tết, bác cùng đám bạn hẹn nhau từ sáng sớm để sang các làng bên xem hội làng. Nhớ nhất là hội làng Mọc, đi bộ dọc theo bờ sông Tô Lịch đến cả dăm cây mà không thấy mệt, chỉ thấy bao niềm vui... Ðiều kỳ lạ là những điều ấy không trôi tuột đi mà cứ bám chặt lấy bác...”.

Có một niềm vui trong ký ức đan xen. Kể về căn nhà ở phố Ðoàn Nhữ Hài, nơi người con trai út đang ở, nhà văn khoe trong nụ cười móm mém: “Bác mua bằng tiền nhuận bút của truyệnVợ chồng A Phủ đấy. Giờ không thể nhớ được nhuận bút lúc đó được bao nhiêu đồng nhưng rõ ràng rất đáng giá. Ai bảo nhà văn ngày xưa nghèo nào? Viết xong một truyện mua được cả cái nhà. Trong khi thời nay khéo khi nhà văn viết cả trăm truyện cũng chẳng mua nổi 10m2 đất Hà Nội”.

Dịu dàng đến bên chồng, bà Cúc, vợ ông, nhắc khéo: “Ông uống thuốc nhé”. Hướng ánh nhìn ấm áp, nhà văn lại nói khẽ: “Vậy nhé, hôm nay bác mệt rồi!”. Ðấy là câu nói rất đỗi quen thuộc khi nhà văn chủ động dừng câu chuyện trong mỗi buổi sáng tôi đến thăm ông. Nét mệt hiện lên khuôn mặt nhưng ông vẫn đứng dậy tiễn khách - vẫn cười để đáp lại câu chào. Và bình hoa cúc trên bàn - trong phòng khách nơi ông ngồi - luôn thắm!

Điều kỳ diệu sẽ đến

Nhà văn Tô Hoài phải đi mổ khối u nằm sau lưng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Bác sĩ chỉ đồng ý phẫu thuật khi gia đình nhà văn làm cam kết: chấp nhận mọi trường hợp có thể xảy ra. Các con của nhà văn biết điều đó, còn nhà văn thì tin rằng ông đi mổ một cái... nhọt! Là... nhọt nên sẽ khỏi thôi, “ngày nhỏ bác cũng lên nhọt bao lần như thế“ - ông móm mém cười nói.

Theo lịch, sau một tuần ông phải vào bệnh viện để kiểm tra lại vì khối u lần này có nhiều biến chứng. Nhưng, đến giờ chỉ các con ông biết điều đó. Họ quyết định giữ kín, quyết định không đưa ông trở lại bệnh viện. Họ không muốn niềm vui tinh thần của cha mình vụt tắt trong nỗi lo lắng về bệnh tật. Hơn nữa, “Nếu cụ hồi phục, sức khỏe tốt, tôi còn muốn đưa cụ một chuyến vào Sài Gòn, qua miền Tây sông nước...” - anh Nguyễn Phương Vũ nói.

Nhưng ngày 11-7 nhà văn lại phải vào viện. Huyết áp tăng đột ngột. Ông kêu đau ở vùng mổ. Bác sĩ đã kiểm tra (bên ngoài) và nhà văn lại “thở phào” khi được về nhà... theo dõi.

Ngày mỗi ngày nhà văn Tô Hoài luôn cười trong mỗi câu chuyện với thế hệ trẻ mến mộ ông từDế mèn phiêu lưu ký đến O chuột, Nhà nghèo, Truyện Tây Bắc, Miền Tây, Cát bụi chân ai, Ba người khác, Chuyện cũ Hà Nội...

Mến mộ và yêu quý ông, chúng ta hãy cùng tin rằng: sẽ có những điều kỳ diệu đang đến với nhà văn!

Theo ÐỨC TRIẾT - TTO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng