Tạp chí Sông Hương -
Mong chờ hàng lưu niệm của riêng Huế
10:19 | 25/07/2013

Cứ ngỡ anh Nguyễn Đắc Xuân là nhà nghiên cứu văn hóa nhưng sau khi đọc bài: Tôi gặp được “trúc chỉ”, mới thấy tác giả có cái nhìn tinh tế và sâu sắc về vấn đề kinh tế trong văn hóa Huế, một lĩnh vực rất sát sườn trong quá trình chúng ta phấn đấu xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước.

Mong chờ hàng lưu niệm của riêng Huế
Hàng lưu niệm của Malaysia. (Ảnh: Hữu Thu )

Để góp phần tháo gỡ những tồn tại của ngành nghề truyền thống Huế, anh Nguyễn Đắc Xuân đã đề xuất nhiều giải pháp nhưng với riêng tôi, việc anh đề xuất “Muốn biết khách hàng cần gì ở sản phẩm truyền thống Huế cần phải thực hiện một cuộc khảo sát sở thích của khách hàng” là cấp thiết hơn cả.

Thật ngẫu nhiên là trên bàn làm việc của tôi hiện có 2 kỷ vật từ hàng lưu niệm của Malaysia, một là chiếc đĩa gạt tàn thuốc lá có chạm hình tòa tháp đôi Petronac do bạn bè mua tặng và một là hình chiếc tháp đôi Petronac thu nhỏ mà tự tay tôi lựa chọn khi tham quan đất nước này.

Dù là quà tặng hay tự mình lựa chọn thì kết quả cuối cùng của sở thích đã được định đoạt. Điều này đồng nghĩa với việc người làm ra nó thu được tiền và thông qua hiện vật hình ảnh của đất nước họ được quảng bá. Lợi cả đôi đường.

Chính vì “hạp” với đề xuất của anh Nguyễn Đắc Xuân nên tôi phải giới thiệu 2 sản phẩm bình dân mà mình có được. Về chất liệu họ dùng sắt mạ kẽm (đảm bảo yếu tố bền), về mỹ thuật (không xuất sắc nhưng coi được), về giá cả, 1 món tương đương 200.000 đồng Việt Nam (nên dể mua làm quà).

Ngoài 2 sản phẩm này, khi sang Bắc Kinh thật ngạc nhiên là trong đống hàng lưu niệm tôi chưa thấy hình Cố cung mà chỉ thấy hình chiếc sân vận động Tổ chim được các nhà sản xuất biến thể thành món hàng lưu niệm, dĩ nhiên vẫn là theo phương thức: bền, gọn, giá rẻ. Chính vì yếu tố này mà rất nhiều người đành mất trăm Tệ mua về làm quà. Còn khi tham quan Vạn Lý Trường Thành, đa số du khách đều ngồi hoặc đứng bên tấm bia có khắc dòng chữ “Bất đáo trường thành phi hảo hán” và thay bằng mua, các thợ thủ công ở đây chỉ hỏi tên và khắc vào những tấm đá có khắc hình di tích lịch sử này nếu khách hàng đồng ý mua làm kỷ niệm.

Đối chiếu với hiện thực mà mình trải nghiệm thì rõ ràng, đề xuất của anh Nguyễn Đắc Xuân: “Không phải khảo sát một lần mà luôn luôn phải theo dõi khảo sát tiếp, vì nhu cầu tiêu dùng thưởng ngoạn của khách hàng thời nay luôn luôn thay đổi” là rất phù hợp.

Cũng qua bài viết của anh Nguyễn Đắc Xuân, người đọc dễ dàng nhận ra dấu ấn của những người làm mỹ thuật tham gia vào lĩnh vực hoạt động kinh tế.

Dương Đình Vinh là một họa sĩ nên khi phục dựng nhà rường, nhờ làm chủ màu sắc và bố cục nên anh đã đáp ứng được “nhu cầu tiêu dùng thưởng ngoạn của khách hàng thời nay luôn luôn thay đổi”. Tương tự là Thân Văn Huy. Chỉ qua vài năm thử nghiệm, nay sen giấy của vị họa sĩ này đã chiếm lĩnh được thị trường...

Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực trong việc giúp các làng nghề sống lại. Chương trình khuyến công đã được triển khai ở nhiều nơi. Làng gốm Phước Tích, làng đan lát Bao La... Khu trưng bày ở Phường Đúc và Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề ở đường Lê Lợi là minh chứng.

Trước giải phóng: mè xững, tôm chua và nón là là 3 sản phẩm tiêu biểu của Huế, nhưng xin nhớ nó chỉ cung ứng cho khách nội địa. Nay đối tượng ấy cần được đầu tư vì nó là thường xuyên và quảng đại. Nhưng với trung tâm du lịch như Huế thì điều ấy chưa đủ.

Để “sản xuất ra các mặt hàng mang bản sắc Huế mà đáp ứng được thị hiếu của khách hàng thời đất nước hội nhập” như đề xuất của anh Nguyễn Đắc Xuân, theo tôi nghĩ, đã đến lúc Thừa Thiên-Huế cần có chính sách huy động lực lượng làm mỹ thuật ở Huế vào cuộc, ví như tổ chức các cuộc thi vẽ, tạo mẫu hàng lưu niệm chẳng hạn và nếu có điều kiện nên tổ chức cho họ ra nước ngoài tham quan. Muốn có bản sắc riêng, hẳn phải có cách làm riêng.

Trong một lần nói chuyện với KTS Nguyễn Hữu Đống tại nhà họa sĩ Dương Đình Vinh sau khi chỉ cho tôi chiếc ghế mà ông tự nhận là mình đã “cách tân” trên mẫu của người khác, vị KTS này đã hào hứng kể về việc ông đã thích thú như thế nào khi ngắm nhìn bức tranh thêu chân dụng cụ Thượng thư Trần Đình Bá vừa được trưng bày ở Bảo tàng tư nhân Trần Đình Sơn, qua đó ông khẳng định: Trình độ tay nghề của thợ Huế không thua kém ai, nếu xét về góc độ tinh xảo, họ là bậc thầy. Vấn đề còn lại là họ làm theo mẫu mã nào? Ai sáng tác, nếu không phải là giới mỹ thuật?

Theo Hữu Thu (TT-Huế Online)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng