Tạp chí Sông Hương -
Còn đây 'một gói nhân tình'
09:24 | 01/08/2013

Đã 10 năm ông thành người thiên cổ. Trên bia mộ ông hàng ngày những người yêu thơ ông, trân quý con người ông đến viếng, và đọc hai câu thơ buồn: “Rồi mai mưa gió qua đây/ Anh còn ở với cỏ cây em về…”.

Còn đây 'một gói nhân tình'
Nhà thơ Thu Bồn.

Một đời thơ, một đời chiến sĩ, thi sĩ, ông được ví như tráng sĩ, như cánh chim đại bàng, như rừng nguyên sinh...mãi còn hấp dẫn người đời sau. Con người của những tình cảm lớn, của những bài thơ tầm vóc về quê hương, đất nước, dân tộc ấy, cũng đồng thời là con người của thiết tha tình yêu.

Những người đàn bà đã đi qua đời ông, dù được nhận từ ông khổ đau hay hạnh phúc, dù đi đường dài cùng ông hay chỉ là một quãng đời ngắn ngủi, cũng vẫn luôn mang hình ảnh của một nàng Thơ nơi trái tim ông. Và họ lúc nào cũng ở trong những lời thì thầm số phận: “Thôi về đi em chợ chiều đã vãn/ Nhớ mua cho anh một gói nhân tình”…

Một thập kỷ với biết bao đổi thay thời cuộc. Người ta có thể đã quên đi nhiều thứ. Nhưng Thu Bồn, chưa khi nào đi vắng trong ký ức bạn bè và rất nhiều người yêu thơ ông. Những người bạn ông: NSND Doãn Hoàng Giang, Nhà văn Ngô Thảo, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà thơ Mai Linh, nhà văn Trung Trung Đỉnh... luôn nhắc về Thu Bồn như một người bạn vẫn ngồi đâu đó trong những cuộc chuyện trò.

Thu Bồn chưa khi nào đi vắng. Mỗi chi tiết về cuộc đời ông, mỗi câu chuyện về ông, đối với chúng tôi, những người cầm bút trẻ, cứ có sức nặng như một bài học giản dị mà sâu sắc, nhắc chúng tôi rằng, phải sống tận cùng mỗi phút giây, rồi hãy cầm bút viết….

Thu Bồn bên cạnh người vợ cuối cùng Lý Bạch Huệ và bạn bè văn nghệ sĩ: NSND Doãn Hoàng Giang, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Thu Bồn bên cạnh người vợ cuối cùng Lý Bạch Huệ và bạn bè văn nghệ sĩ: NSND Doãn Hoàng Giang, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

 Là một người con của vùng đất Tây Nguyên yêu dấu, Thu Bồn tạm biệt mẹ đi làm cách mạng từ năm 12 tuổi. Những trang nhật ký của ông còn ghi lại những năm tuổi thơ khốn khó, Thu Bồn đã cùng cán bộ cách mạng hàng đêm đi nhặt những xác người chết đói, những xác người làng bị giặc giết để đem chôn.

Rồi cậu bé 12 tuổi ấy tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đi xuyên qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, nằm gai nếm mật với những người lính trong chiến tranh biên giới, sang nước bạn Cam-pu-chia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Thu Bồn đã ở trên khắp các mặt trận ấy, với tư cách một người lính. Ông đánh giặc và viết những câu thơ tầm vóc: “Rồng lửa đã xé toang cửa mở/ Trái tim ta bật dậy trước chiến hào/ Trước lửa đạn quân thù không thể nào dối trá/ Rất có thể anh không bao giờ nhìn thấy/ Một làn môi hay một nụ cười/ Nhưng tất cả sẽ trở thành vô nghĩa/ Nếu những mồ bia kia không gọi được mặt trời….”.

Vóc dáng Thu Bồn trong văn học hiện đại Việt Nam là vóc dáng của một tráng sĩ, một hiệp sĩ, một chiến sĩ trung thành. Thơ ông là nguồn sức mạnh truyền lửa cho nhiều thế hệ người lính đi ra mặt trận. Vị trí của ông trong văn học chống Mỹ có thể còn lớn hơn giải thưởng Nhà nước mà ông đã được nhận.

Nhưng con người với vóc dáng cao lớn hào hoa ấy cũng là con người của tình cảm. Và trong tình yêu, có lúc cũng rất yếu mềm. Đời riêng của Thu Bồn nhiều đa đoan. Khi còn trẻ, từ miền Nam tập kết ra Bắc, ông yêu một cô học trò. Sau này cô học trò ấy trở thành nữ chiến sĩ biệt động ở khu V. Họ cưới nhau, rồi sinh con trai đầu lòng trong chiến trường đặt tên là Thảo Nguyên.

Thu Bồn (thứ 3 từ phải sang) và bạn bè văn nghệ trong một chuyến đi Tây Nguyên
Thu Bồn (thứ 3 từ phải sang) và bạn bè văn nghệ trong một chuyến đi Tây Nguyên.

 Thảo Nguyên bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố, đó là nỗi buồn lớn với Thu Bồn. Vợ chồng ông được ra Bắc. Ông đục chiếc ba lô con cóc thành cái nôi địu con phía trước ngực, sau lưng là “ba lô nhà nước” lỉnh kỉnh lương thực thực phẩm đi xuyên rừng về Thủ đô.

Trên đường đi, người vợ có lúc bị lũ cuốn, Thu Bồn băng mình cứu vợ. Về Thủ đô, người vợ lại sinh cho ông một người con thứ 2 đặt tên là Băng Ngàn. Rủi thay, Băng Ngàn cũng chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Đời sống thời bình nhiều đổi thay về tâm thế, bên người vợ lúc này đã trở thành bác sĩ với hai đứa con dại, con người nghệ sĩ phóng khoáng và phóng túng trong Thu Bồn dường như lúc nào cũng như bị “giam cầm”.

Và sự chia lìa đã đến như thể được báo trước. Dù không còn sống chung với vợ nhưng Thu Bồn rất chu toàn với các con. Ông là người cha thương con rất mực.

Nhưng cũng từ cuộc chia li này, con đường tình yêu của nhà thơ bắt đầu những ngả rẽ sóng gió. Ông “bập” vào mối tình với một nhà văn nữ. Họ có 7-8 năm trời nặng lòng với chữ Yêu.

Nhà văn Ngô Thảo kể lại, có lần nữ nhà văn đi xa về, Thu Bồn ra ga tàu đón người yêu, tay ông dắt theo đứa con nhỏ. Nhìn hai cha con họ bên nhau, nhà văn nữ cảm thấy rằng bà không vượt qua được gánh nặng gia đình mà Thu Bồn đang gánh trên vai. Bởi vậy, kết thúc câu chuyện tình của họ không có đám cưới, dù họ rất yêu nhau.

Băng qua cuộc tình nhiều kỷ niệm ấy, với phẩm tính hào hoa, lịch lãm, phong độ và phóng khoáng, Thu Bồn “lâm vào tình yêu” với một phụ nữ trẻ khác, một giai nhân của đất Hà Thanh thời ấy. Nghe kể, cô gái thường ngồi bên cửa sổ đánh máy chữ. Và quán nước bên kia đường, đối diện cửa sổ phòng làm việc của cô thường rất đông đàn ông ngồi uống trà, nhưng thực chất chỉ là để tương tư người đẹp. Vậy mà rốt cuộc, giai nhân lại đem lòng yêu nhà thơ hào hoa, tuổi đời không còn trẻ và đời riêng đã nhiều mất mát.

Nàng yêu Thu Bồn đến nỗi sẵn sàng làm vợ ông. Nhà thơ đưa người yêu về quê gặp mẹ để xin phép mẹ làm đám cưới. Nhưng rồi sau lần về quê ấy, Thu Bồn bất ngờ hoãn cưới, khiến người phụ nữ trẻ suy sụp. Xưa nay nàng chỉ quen bỏ rơi đàn ông, và không thể ngờ một ngày lại bị Thu Bồn bỏ rơi như vậy.

Sau này bạn bè hỏi, nhà thơ mới chia sẻ lý do vì sao ông hủy hôn với người vợ sắp cưới. Số là khi đưa người yêu về nhà giới thiệu với mẹ, bà mẹ của Thu Bồn rất mừng, mới tặng cho con dâu tương lai của mình một đôi bông tai mà bà dành dụm cả đời, như một kỷ vật quý giá. Nhưng vợ tương lai của Thu Bồn lại mang đôi bông tai đi bán lấy tiền sắm sửa đồ đạc. Chi tiết ấy làm Thu Bồn “sốc”. Vì ông là người rất trọng những kỷ vật. Hơn nữa ông rất yêu mẹ. Và ông lặng lẽ rời khỏi mối tình tưởng như đã đến hồi “đơm hoa kết trái”.

Lại một mình rong ruổi trên con đường Yêu, Thu Bồn lại yêu. Thật dễ hiểu, với tính cách nghệ sĩ của ông, ở đâu cũng có nhiều đàn bà đem lòng yêu ông. Thu Bồn lại vướng vào một mối tình với một nữ sĩ. Bà cũng đã từng đổ vỡ trong hôn nhân, một nách nuôi đàn con thơ dại. Tình yêu đang lúc mặn nồng thì bà được cử đi học ở nước ngoài. Họ buộc phải xa nhau. Rồi số phận đẩy đưa, họ không thể đến với nhau như ước hẹn buổi đầu.

Thu Bồn sống một mình trong khoảng thời gian rất dài. Sau đó ông vào Sài Gòn và gặp nghệ sĩ cải lương Lý Bạch Huệ. Họ yêu nhau rồi dọn về sống cùng nhau, thành vợ thành chồng. Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ là người đàn bà cuối cùng trong cuộc đời của người làm thơ hào hoa Thu Bồn. Bà đã ở cạnh ông những năm tháng cuối đời, chia sẻ và chăm sóc….

Có một điều đáng buồn trong cuộc đời nhà thơ Thu Bồn, là ông không sinh con với những người phụ nữ đến với ông sau này. Vì ông sợ rằng những đứa con của ông sẽ lại phải chịu di chứng chiến tranh, chất độc màu da cam mà ông mang trong mình.

Con trai đầu Thảo Nguyên của ông mất năm 16 tuổi. Con trai thứ 2 Băng Ngàn thì nay đã tuổi gần 40, phải sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của người mẹ. Đời tài hoa ra trận, làm thơ, sống và yêu hết mình, nhưng Thu Bồn không may mắn trong tình riêng. Sinh thời, ông thường rất buồn khi nhắc chuyện con…

Bạn bè kể lại, trong đám tang Thu Bồn, người ta thấy có hơn chục người đàn bà mặc áo đen đưa tiễn ông. Những người đàn bà đi qua đời Thu Bồn, họ lúc nào cũng yêu thương ông, cho dù đoạn đời họ được cùng ông có thể là rất ngắn. Vì Thu Bồn sống với ai, yêu ai cũng hết lòng, cho đi mà không cần giữ lại. “Nếu không được làm sông cũng xin cho làm suối/ trọn đời róc rách giữa hồn em”.

Thu Bồn yêu ai cũng như yêu lần đầu, giống như viết bài thơ nào cũng như bài thơ đầu tiên. “Anh đem hết đời anh ra đặt cược/ Cái tình yêu đầy hương vị sắc màu/ Tay anh lần hạnh phúc khổ đau…”. Người đàn ông vạm vỡ trong đời, vạm vỡ trong thơ ấy, khi lạc vào vườn yêu thì tự nhận: “Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/ thành phố hỡi. Đừng gọi tôi là tạm trú”…

Người ta đã viết rất nhiều về Thu Bồn, đã định danh ông là nhà thơ hàng đầu thế hệ chống Mỹ. Nhưng bài viết này chỉ viết về ông ở một góc nhỏ có tên là Tình Yêu. Dù hình hài của ông đã lẫn vào cây cỏ, nhưng những người đang yêu nhau sẽ tiếp tục đọc ông, để được lạc lối trong những câu thơ dịu dàng bùa ngải: “Tôi không còn thời gian để giận hờn, buồn tủi/ Trái tim này còn lại để yêu thương…..”.

Theo Nguyễn Đình Toán - Cảnh Sát Toàn Cầu

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng