Tạp chí Sông Hương -
Tất cả sẽ trôi qua, chỉ tình yêu ở lại
09:11 | 07/08/2013

Cách đây 5 năm, nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày sinh Ivan Turgenev (1818-1883), tại Bảo tàng Turgenev ở thành phố Oryol (Nga) đã diễn ra cuộc triển lãm mang tên "Tất cả sẽ trôi qua, chỉ tình yêu ở lại", giới thiệu những tư liệu và hiện vật liên quan tới nhà văn vĩ đại này. Quả là, với Turgenev, tình yêu có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Tất cả sẽ trôi qua, chỉ tình yêu ở lại
Tượng đài văn hào Ivan Turgenev ở Oryol - quê hương ông.

Tác giả của những thiên truyện bất hủ về tình yêu như "Asia", như "Mối tình đầu" từng làm rung động trái tim của hàng triệu bạn đọc trẻ trên khắp thế gian đã có một đời sống tình cảm đẹp và lãng mạn như chính những gì ông đã viết...


Chuyện kể rằng, trong những ngày cuối đời, khi sức khỏe sa sút nghiêm trọng, Turgenev đã cố gắng gượng đọc thiên hồi ký "Đám cháy trên biển" cho Polina Viardo (nữ danh ca người Pháp) ghi lại. Ngày 3/9/1883, Turgenev hấp hối. Trước khi đi vào thế giới khác, ông cố mở mắt và nắm tay người bạn tình: "Em là nữ hoàng của các nữ hoàng". Nói đoạn, ông nghẹn lời, tắt thở.

Đây được xem là một trong những mối tình đẹp nhất thế kỷ XIX.

Đường vợ con của Turgenev xem ra không được hanh thông. Mặc dù năm 24 tuổi, Turgenev đã có con gái đầu lòng (với một nông nô), song cho đến phút chót của cuộc đời, về danh chính ngôn thuận thì ông vẫn chưa một lần hôn thú. Thuở trai trẻ, Turgenev yêu nhiều, và lầm lỗi cũng nhiều. Thậm chí, ở khía cạnh này, những ấn tượng về ông nhiều khi "nặng nề" đến độ, ngay cả người bạn thân của ông là Lev Tolstoy khi biết ông tán tỉnh em gái mình, cũng đã phải nhìn ông bằng con mắt… cảnh giác. Tuy nhiên, câu chuyện tình kỳ lạ của ông với nữ danh ca Pháp Polina Viardo quả là một trong những thiên tình sử đẹp của thế gian.  

Turgenev làm quen và có cảm tình với nữ danh ca từ năm 1843, khi cô cùng chồng sang biểu diễn ở Peterburg. Kể từ đó, vợ chồng Polina đi đâu, ông theo đấy, hết từ Nga về Pháp, sang Đức, rồi lại về Pháp. Có thể nói, mối tình của ông với Polina hết sức đặc biệt, nó vừa là tình cảm lứa đôi, lại có cái gì đó vượt lên trên tình yêu, trở thành tình bạn, một tình bạn đặc biệt tri kỷ.

Về nhan sắc, có thể nói một cách sòng phẳng là Polina không phải là người phụ nữ "lý tưởng". Mắt lồi, miệng rộng, lưng hơi gù, cô bị thi sĩ Đức Henrich Haine ví như "một bức tranh vừa xấu xí vừa kỳ cục". Thậm chí, một họa sĩ đương thời còn cho rằng, đó là người đàn bà "xấu xí khủng khiếp". Tuy nhiên, Turgenev lại không "nhìn ra" như vậy. Ông nhận thấy ở nữ ca sĩ này có một sức hút kỳ lạ, một sự bí ẩn đầy hấp dẫn. Mà cũng không chỉ riêng mình Turgenev đem lòng si mê người phụ nữ đó. Các nhà nghiên cứu đã "điểm danh" được cả tá nhân vật nổi tiếng từng có tình ý với Polina, trong đó đa phần là các nhạc sĩ và nhà văn: Chopin, List, Delacroix, Flaubert, Zola… Điều này có nguyên nhân: Không chỉ là một nữ ca sĩ được người đời mến mộ bởi giọng ca tuyệt đẹp, Polina còn là một người đàn bà giàu trí tuệ, lịch thiệp và duyên dáng. Đặc biệt, mỗi khi Polina cất tiếng hát, cô như được lột xác, từ cô vịt xấu xí biến thành nàng thiên nga kiều diễm. Như có một phép lạ khiến gương mặt nữ danh ca thay đổi hẳn. Nó mất đi nét thô tháp mà ai đó từng thấy, thay vào đó là một vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện.


Tượng đài văn hào Ivan Turgenev ở Oryol - quê hương ông.


Turgenev từng có lần tiết lộ, rằng giữa ông và Polina gắn bó với nhau bằng một mối quan hệ độc đáo mà chắc chắn không ai có thể hiểu và cắt nghĩa nổi. Năm 2010, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Polina, nhà nghiên cứu âm nhạc Patrick Barbier đã cho xuất bản tại Paris một cuốn sách, trong đó ông phân tích: Nếu thật có chuyện Turgenev quan hệ với Polina theo kiểu nhân tình nhân ngãi, với những pha "giường chiếu" như ta vẫn thường thấy trong xã hội thì chắc chắn tình bạn giữa ông và vợ chồng Polina không thể kéo dài tới 40 năm và thường xuyên, liên tục, bền chặt đến như vậy.

Có lẽ bởi tính sang trọng, cao cả của "mối tình" đó, thành thử Turgenev đã được hưởng sự "ưu đãi" rất đặc biệt, hiếm khi xảy ra trong những trường hợp như vậy: Ông cứ mặc nhiên "yêu" Polina và mặc nhiên được sống như một người bạn chí thiết trong ngôi nhà của vợ chồng nữ ca sĩ. Từ năm 1845 cho đến khi mất (năm 1883), mặc dù đi đi về về nước Nga nhiều lần, song số thời gian Turgenev sống bên vợ chồng Polina không phải ít. Thậm chí, thời kỳ vợ chồng Polina sống ở Baden - Baden (Đức), Turgenev cũng chuyển tới sống tại đây và cho xây dựng một ngôi biệt thự kề bên biệt thự của vợ chồng họ. Khi vợ chồng Polina chuyển về Paris,  Turgenev cũng chuyển về Paris và đề nghị vợ chồng nữ danh ca cho thuê lại tầng ba trong căn hộ của họ trên phố Due. Khi vợ chồng Polina chuyển về sống ở ngoại ô Bougival, Turgenev đã cho xây một biệt thự cách nhà vợ chồng Polina 50 mét. Như vậy, cho đến lúc chết, từ phòng ngủ của mình, tác giả của "Mối tình đầu" vẫn có thể nhìn thấy khung cửa sổ nhà Polina. "Tôi không thể sống nổi nếu xa em… Ngày nào tôi không được ánh mắt em chiếu rọi thì ngày đó là địa ngục" - Turgenev từng viết cho Polina như vậy. Hiểu rằng đằng sau Polina là một sự nghiệp vinh hiển và một gia đình hạnh phúc, dường như Turgenev không đòi hỏi mối quan hệ giữa ông và Polina tiến xa hơn mà bằng lòng với vai trò của một kẻ si tình tận tụy tôn thờ một mối tình ảo ảnh.

Ở đây, thiết nghĩ cùng cần phải nói một chút về Louis Viardo - chồng của Polina. Ông này cũng là một nhà văn. Không chỉ ngưỡng mộ văn tài của Turgenev mà còn tin tưởng ở tình cảm của vợ dành cho mình nên dường như không bao giờ ông ngăn trở những cuộc gặp gỡ, chuyện trò giữa vợ và Turgenev. Hơn nữa, có một thực tế là mối quan hệ giữa Turgenev với vợ chồng ông ta đã đem về cho ông ta những mối lợi: Trong sinh hoạt, nhiều lúc Turgenev đã hào phóng chi những khoản tiền lớn cho sinh hoạt của cá nhân ông lẫn cả gia đình Viardo.

Năm 1882, ở tuổi 64, qua một trận ốm nặng, Turgenev được các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư cột sống. Đầu năm 1883, ông được phẫu thuật tại một bệnh viện ở Paris và đến tháng 4 năm đó thì ra viện. Biết thời gian sống của mình cũng chẳng còn được bao lâu, thay vì chuyển về điều dưỡng tại nhà mình, Turgenev đề nghị được đưa đến ở nhà Polina. Tại đây, Turgenev đã gắng gượng đọc cho Polina ghi lại thiên hồi ký "Đám cháy trên biển" của mình. Ngày 3/9/1883, Turgenev hấp hối. Trước khi đi vào thế giới khác, ông cố mở mắt và nắm tay người bạn tình (bấy giờ cũng đã cao tuổi): "Em là nữ hoàng của các nữ hoàng". Nói đoạn, ông nghẹn lời, tắt thở.

Ngày 1/10/1883, thi hài của Turgenev được đưa từ Paris về nước và an táng tại nghĩa trang Voncovo, St.Peterburg 8 ngày sau đó. Như vậy, nguyện vọng của nhà văn đáng kính mới chỉ được đáp ứng một nửa (theo di chúc, Turgenev yêu cầu được đưa thi hài về nước, nhưng là chôn cất ở Moskva). Không phải ai khác mà chính Claude - con gái lớn của Polina - đã đứng ra lo liệu việc này.

Kể từ khi Turgenev nằm xuống tới nay, đã có nhiều bài viết đề cập tới mối tình đẹp và "lạ lùng" giữa nhà văn hào Nga và nữ danh ca Pháp. Cũng có người cho rằng, trong mối quan hệ này, tình cảm của Turgenev dành cho Polina sâu nặng hơn  là những gì người đàn bà này dành cho ông. Kể ra, là người ngoài cuộc, cũng khó để chúng ta cân đo được chuẩn một sự việc phức tạp và tế nhị như vậy. Chỉ biết là, nhờ có Polina, Turgenev đã thấy cuộc đời mình thêm được thăng hoa. Thì chính Turgenev chẳng đã thể hiện điều này trong những dòng nhắn gửi nữ danh ca Pháp đó thôi: "Được gặp Em trên bước đường đời là diễm phúc lớn nhất của cả đời tôi. Tình chung thủy và lòng biết ơn vô bờ bến chỉ mất đi khi nào tôi xuôi tay nhắm mắt"


 Theo Hoàng Ngọc Thọ - VNCA

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng