Tạp chí Sông Hương -
Vườn quốc gia Bạch Mã bị lâm tặc phá hoại
09:00 | 20/08/2013

Tiếp nối nhiều vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn Tỉnh TT Huế trong thời gian vừa qua mà phóng viên Thời Sự đã phát hiện và phản ánh, giờ đây đến lượt vườn quốc gia Bạch Mã Tỉnh TT Huế trở thành mục tiêu của lâm tặc. 

Vườn quốc gia Bạch Mã bị lâm tặc phá hoại

Nhiều cây cổ thụ to lớn đã bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng cấm. Thực tế này cho thấy rõ mối đe dọa đối với tài nguyên rừng ở vườn quốc gia rộng đến gần 37 nghìn 500 ha này trước những lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ.

Vườn quốc gia Bạch Mã, khu vực khe Mù, nơi được bao bọc bởi những ngọn núi cao gần 1 nghìn mét. Ngay giữa rừng cấm, trong vòng kiểm soát của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, nhiều cây rừng to lớn đã bị lâm tặc đốn hạ, phân thành nhiều mảnh để tuồn ra khỏi rừng. Sau nhiều lần xâm nhập thực tế nhưng thất bại, phóng viên đã phải cải trang  thành khách du lịch như thế này mới vượt qua được nhiều tai mắt của lâm tặc ở cửa rừng để tiếp cận  hiện trường.

     Không khai thác bừa bãi hàng loạt như nhiều khu rừng khác, bởi đây là vườn quốc gia, dày đặc cây rừng to lớn và quý hiếm. Vì vậy, chỉ những cây cổ thụ kích thước to lớn, có giá trị kinh tế cao, nằm ở vị trí thuận lợi mới bị lâm tặc lựa chọn để đốn hạ. Hiện trường phá rừng cũng cho thấy sau khi đốn hạ, việc cưa, xẻ cây rừng được lâm tặc thực hiện ngay tại chỗ, chẳng quan tâm đến vai trò của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Thực tế này khác xa với những  gì mà cơ quan quản lý, bảo vệ vườn quốc gia Bạch Mã cho biết về tình trạng phá rừng ở đây.
    Vì sao lâm tặc lại dễ dàng hoạt động trong vườn quốc gia Bạch Mã? Có lẽ ngoài đối tượng phá rừng ra, chỉ có lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mới giải đáp được câu hỏi này, bởi để vào được khu vực lâm tặc hoạt động phải vượt qua hồ Truồi rộng lớn và nhiều điểm chốt chặn của kiểm lâm, đó là chưa nói đến một bộ phận người dân trong khu vực sẵn sàng báo cho cơ quan quản lý, bảo vệ rừng khi phát hiện có người lạ xâm nhập. Nếu không thông qua cơ quan quản lý, tất cả sự xâm nhập vào vườn đều vi phạm. Cơ quan quản lý vườn quốc gia Bạch Mã cho biết như vậy, dù ở cửa rừng chỉ cắm bảng cấm gia súc?!. Điều này phần nào lý giải vì sao lâm tặc ngang nhiên hoạt động mà chẳng ai phát hiện!.

    Với diện tích rộng lớn hàng chục nghìn ha, vườn quốc gia Bạch Mã mang trong mình hệ sinh thái đa dạng, chiếm hầu hết trong số đó là diện tích rừng. Sẽ ra sao đối với vườn quốc gia này trong vài năm tới nếu tiếp tục được quản lý, bảo vệ theo kiểu như thế này.    

 

Theo  Trung Hiếu - Anh Tú ( vtvhue.vn)        

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng