Tạp chí Sông Hương -
Cần cú hích cho cây Nưa xã Quảng Thọ
08:42 | 30/10/2013

Quảng Thọ là một vùng đất nằm ven sông Bồ, đất đai khá màu mỡ rất thích hợp cho việc phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, cùng với làm giàu từ cây rau má, cây chột Nưa cũng đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. 

Cần cú hích cho cây Nưa xã Quảng Thọ
Cây nưa giúp người dân Quảng Thọ vươn lên phát triển kinh tế.

Cây chột Nưa trên địa bàn xã Quảng Thọ đã có từ rất lâu, là món ăn khoái khẩu của người dân thập phương, tuy nhiên do phương thức chế biến, bảo quản còn đơn giản nên cây chột Nưa chỉ gói gọn trong tỉnh, trong huyện, chưa vươn ra xa được.

Nhắc đến Quảng Thọ, không ai không biết đến những loại cây có giá trị kinh tế cao như cây rau má và cây Nưa. Nưa là một loại cây thuộc họ môn, là cây trồng truyền thống của người dân xã Quảng Thọ, Cây Nưa trên đất Quảng Thọ không biết có từ bao giờ. Trước đây người dân nơi đây coi Nưa là cây lương thực số một chống đói vào mùa mưa lũ.

Chúng tôi đến xã Quảng Thọ, khi nước lũ đã mấp me trên các đồng ruộng, cũng là lúc bà con nông dân đang khẩn trương hối hả thu hoạch những diện tích Nưa của mình. Ông Trần Viết Mến - người trồng Nưa có tiếng trên vùng đất xã Quảng Thọ, cho biết: “Cây Nưa, nói đúng hơn là chột Nưa, chỉ bởi cây Nưa chủ yếu dùng ở phần chột. Khi chột Nưa - tước vỏ từ gốc lên đến ngọn - đem chế biến với cá đồng hay chim sẻ, thịt heo, ăn với cơm nóng trở thành món ẩm thực dân dã được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên người trồng Nưa chúng tôi cùng đang gặp phải khó khăn ở vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm, nên không thể phát triển mạnh thêm diên tích trồng Nưa được”.

Cùng như ông Ông Mến, lúc này vợ chồng chị Phan Thị Sang ở thôn La Vân Thượng, đang tiến hành thu hoạch những diện tích nưa của mình. Hiện vợ chồng anh chị đưa vào trồng 3 sao Nưa. Trồng Nưa không tốn tiền mua phân hóa học như nhiều loại rau khác, chỉ cần dùng phân chuồng, phân xanh bón khi bắt đầu trồng. Nưa rất dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh phá hoại, chúng được xem là rau sạch do không phun thuốc trừ sâu. Theo chị Phan Thị Sang cho biết: “Hiện nay giá bán trên thị trường 7.000đồng/kg, mỗi sao bán được 8 triệu đồng. Như vậy 3 sào Nưa của tôi bán được được trên 24 triệu đồng. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn xã hiện nay, nhưng người dân chúng tôi không thể mở rộng thêm diện tích đó là do thì trường tiêu thụ chỉ ở trong tỉnh, trong khi đó Nưa chỉ trồng và thu hoạch vào cuối tháng 10 âm lịch, không phải trồng được quanh năm như cây rau má.

Theo số liệu của UBND xã Quảng Thọ, hiện toàn xã có 50 hộ dân trồng trên 5 ha cây Nưa chủ yếu tập trung ở thôn La Văn Thượng, La vân Hạ và thôn Phước Yên thuộc HTX Quảng Thọ 2, bình quân mỗi hộ trồng từ 2 đến 3 sào, nhiều hộ dân nhờ trồng cây Nưa đã xoá được đói, giảm được nghèo và giải quyết được việc làm ở nông thôn. Vụ trồng Nưa năm nay gia đình anh Văn Mai ở thôn La Vân Thượng, trồng được 4 sào Nưa, sau 4 tháng trồng và chăm sóc gia đình anh có thu nhập trên 32 triệu đồng, anh cho biết cây Nưa rất dễ trồng mà hiệu quả lại cao, nếu so với các loại cây trồng khác như khoai lang, môn, mướp đắng thì hiệu quả từ cây Nưa cao gấp 4,5 lần. Cũng theo anh Văn Mai “sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu xong thì cây Nưa là loại cây đem lại thu nhập đều cho bà con nông dân, nhất là trong mùa mưa, cây Nưa không bị ảnh hưởng, do vậy bà con ở đây rất thích loại cây này vừa làm thực phẩm cho gia đình lại có tiền để trang trải chi tiêu hàng ngày.”

Hiện nay cây Nưa trên thị trường chỉ chế biến 3 món chính đó là chột Nưa xắt khúc, xắt lát kho với thịt, cá, nấu canh, chột Nưa được tước nhỏ làm với dưa kiệu, đây là những món ăn đã được người dân chế biến từ rất lâu. Cũng chính vì vậy cây chột Nưa trên địa bàn xã Quảng Thọ không được tiêu thu rộng khắp trong cả nước. Ông Hoàng Công Phong – PCT UBND xã Quảng Thọ chia sẻ: “Trong những loại cây trồng trên địa bàn thì cây Nưa đã được người dân đưa vào từ rất lâu, cũng là cây cho thu nhập rất lớn, bình quân mỗi ha Nưa cho thu nhập từ 120 triệu đến 140 triệu đồng. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ còn khó khăn nên chưa thể mở rộng thêm diện tích trồng Nưa, hiện xã đưa vào trồng 5 ha, để tiếp tục mở rộng diện tích trồng Nưa, vấn đề đầu tiên đặt ra đó là phải tìm thị trường tiêu thụ. Công việc cũng khá quan trọng nữa đó là phải chế biến thức ăn từ cây Nưa thật phong phú, tạo sự hấp dẫn cho người tiêu dùng. Về vấn đề nay chúng tôi đang tiến hành tìm những đầu bếp, chuyên gia giỏi để tổ chức tập huấn kỹ thuật pha chế nấu ăn từ cây chột Nưa cho người dân trên địa bàn xã. Về lâu dài chúng tôi sẽ khuyến khích hỗ trợ người dân tìm đối tác mở nhà hàng phục vụ nhu cầu thưởng thức cho người dân”.

Với những định hướng của chính quyền địa phương, tin chắc rằng cây Nưa trên địa bàn xã Quảng Thọ sẽ có hướng đi mới, sẽ là món ăn khoái khẩu không chỉ của người dân trong tỉnh mà sẽ lang rộng trong phạm vi cả nước. Từ đó cây nưa sẽ trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của xã Quảng Thọ.

Công Cường.

Các bài mới
Các bài đã đăng