Tạp chí Sông Hương -
Phận nông dân nhường đất cho thủy lợi: Chủ rừng thành người làm thuê
08:50 | 15/11/2013

Để xây dựng Thủy lợi Tả Trạch (TX Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), 10 năm trước, nhiều hộ dân khu vực lòng hồ đã bàn giao nhà đất hương hỏa, ruộng vườn... Nhưng đến nay, họ vẫn chưa được bồi thường như lời hứa “đất đổi đất” của cơ quan chức năng, để rồi từ vị trí chủ rừng, họ đang phải đi làm thuê kiếm sống. 

Phận nông dân nhường đất cho thủy lợi: Chủ rừng thành người làm thuê
Mất đất sản xuất, các chủ rừng xưa kia đành đi làm thuê công nhật như thế này
Mỏi mòn chờ lời hứa

Để xây dựng dự án hồ chứa nước Thủy lợi Tả Trạch, 855 hộ dân ở 3 thôn Hòa Bình, Hòa Thành, Bình Dương (xã Bình Thành, TX Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) nằm trong khu vực lòng hồ phải chuyển đến 7 khu tái định cư. Năm 2002, công tác kiểm kê, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng 7 khu tái định cư cho các hộ dân nói trên đã được triển khai. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, để đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình, tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương chỉ đền bù đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất. Còn đối với 1.012,5144ha đất lâm nghiệp của người dân bị thu hồi sẽ thực hiện “đất đổi đất” bằng việc sẽ thu hồi đất lâm nghiệp của các lâm trường, các tổ chức để giao lại cho các hộ dân này.

Nhưng đã 10 năm trôi qua, người dân khu tái định cư vẫn mòn mỏi chờ đợi lời hứa “đất đổi đất”. Ông Trương Văn Huy - Trưởng thôn tái định cư Khe Sòng cho biết, khi còn nơi ở cũ, bình quân mỗi hộ dân có từ 7 sào đất vườn trở lên, còn đất rừng thì có hộ có cả 20ha, hộ ít cũng được một vài ha. Nay đến nơi ở mới, đất sản xuất không có, đất vườn cũng không nhiều. “Ở vùng đồi núi này, không có đất rừng thì lấy chi mà sống...”, ông Huy than thở.
 
"Diện tích đất lâm nghiệp bị thu hồi quá lớn, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát toàn bộ đất lâm nghiệp hiện có trên địa bàn, đến nay quỹ đất để giao cho các hộ dân tái định cư không còn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tổng hợp diện tích đất lâm nghiệp, áp giá đền bù tại thời điểm năm 2012 và đang trình T.Ư xin kinh phí để chi trả tiền cho các hộ dân nhằm ổn định cuộc sống...”.
 
Trích văn bản của Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế 
trả lời đơn khiếu nại của người dân

Theo ông Nguyễn Chua, - Trưởng thôn Hòa Bình, đến nay, trung bình mỗi hộ dân chỉ được cấp 5 - 6 sào đất, gồm cả đất ở và đất vườn, nhưng đất vườn chất đất xấu nên rất khó trồng, cấy. “Chúng tôi mong có đất lâm nghiệp để sản xuất, với người dân nơi đây, không có đất rừng tức là thất nghiệp, chúng tôi đã thất nghiệp 10 năm nay rồi”, ông Nguyễn Chua bức xúc.

Bấp bênh phận làm thuê

Theo ông Trần Minh (thôn Hòa Bình), do không có đất sản xuất, nên sau khi đến nơi tái định cư, các hộ dân đành đi làm thuê cho các chủ rừng. Công việc làm thuê cũng bấp bênh, mỗi năm làm thuê có vài tháng, mỗi tháng cũng chỉ được 10 - 15 ngày. “Đang từ chủ rừng thành người làm thuê... Đã cực, người dân tái định cư nay còn cực hơn khi phải làm những công việc như: Phát rừng, cưa cắt, thu hoạch cây, bốc vác cây keo… không chỉ tốn sức, mà còn thường xảy ra tai nạn lao động”, ông  Minh nói.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng (54 tuổi) và bà Võ Thị Thu (55 tuổi) ở thôn tái định cư Khe Sòng cho biết, khi còn ở nơi ở cũ đất đai rộng, ông bà trồng rừng, trồng hoa màu… không hết việc. Nhưng đến khu tái định cư, thiếu đất sản xuất, ông bà phải đi làm thuê cho các chủ rừng, công việc làm thuê theo mùa vụ, còn lại là… ở nhà ngồi chơi, hoặc bươn chải đi làm thuê ở nơi xa… 

Ông Nguyễn Văn Thương - Trưởng thôn tái định cư Bồ Hòn kể: “Về khu tái định cư, nhà nào cũng có con, cháu, chắt ở chung vì không có đất làm nhà. Ở nơi ở cũ, riêng việc trồng cây lồ ô chúng tôi đã làm không hết việc. Bây giờ về đây kinh tế giảm sút 70%, cuộc sống khó khăn do phải phụ thuộc vào việc làm thuê. Nơi ở cũ trước đây, đồ ăn uống chúng tôi tự làm ra hết, còn ở đây làm thuê ngày được 150.000 đồng cho 9 người ăn, rồi tiền cho con, cháu đi học, trăm thứ cần mua mà không có tiền”, ông  Thương than vãn.
 
Theo giaothongvantai.com.vn
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng