Tạp chí Sông Hương -
Tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn
14:55 | 03/12/2013

Vừa trở về từ hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2013, chị Võ Thị Kim Cúc, ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền- một trong những gương điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt tay ngay vào công việc sản xuất, chế biến và đóng hộp sản phẩm tương măng của mình để cung cấp kịp thời những đơn đặt hàng chuẩn bị cho thị trường tết Giáp Ngọ 2014. 

Tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn
Nhiều lao động nữ đang làm việc tại cơ sở Tương măng Hoàng Cúc

Việc cơ sở tương măng Hoàng Cúc đi hình thành và đi vào hoạt động trong thời gian qua không chỉ khôi phục thành công nghề làm tương măng truyền thống, mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nữ nông thôn trên địa bàn.

Năm 2003, sau khi chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích người dân khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, dựa trên cơ sở những lợi thế của một vùng gò đồi, nơi có nguyên liệu măng tre tự nhiên dồi dào, chị Võ Thị Kim Cúc đã có ý định và suy nghĩ về đầu tư và khôi phục lại nghề truyền thống “Tương măng Phong Mỹ” mà đời ông bà đã truyền lại.  Chị cúc chia sẻ: Mặc dù kinh tế gia đình lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho phụ nữ nghèo, chị đã mạnh dạn đầu tư  nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc để tiến hành sản xuất, chế biến tương măng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nữ  trên địa bàn, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Với những kinh nghiệm về nghề làm tương măng được bà và mẹ truyền lại đã giúp chị Cúc tạo ra một sản phẩm tương măng có hương vị thơm nồng, chua cay  rất đặc trưng mà chẳng nơi nào có được. Đây chính là yếu tố để chị Cúc mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với kinh phí gần 200 triệu đồng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và ngày càng khẳng định được đặc sản tương măng Hoàng Cúc. Tuy nhiên, nếu muốn mở rộng thị trường tiêu thụ và đứng vững trên thị trường thì trước hết phải có thương hiệu. Năm 2012, cơ sở sản xuất chế biến tương măng này được Sở công thương tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ về đăng ký cải tiến mẩu mã, xây dựng thương hiệu. Nhờ vậy, cuối năm 2012, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, mã vạch, Bộ khoa học công nghệ chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ “Tương măng Hoàng Cúc”. Đây không chỉ là cơ hội tốt nhất để sản phẩm tương măng Hoàng Cúc khẳng định thương hiệu, mà còn là cơ sở để sản phẩm này đứng vào danh mục những đặc sản xứ Huế  và có mặt tại các siêu thị và cơ sở kinh doanh trên địa bàn, tham gia các kỳ hội chợ Festival làng nghề truyền thống. Từ đó, sản phẩm sản xuất ra chừng nào bán hết chừng đó. Riêng trong năm 2012, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng. Với những nỗ lực trong khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, cơ sở tương măng Hoàng Cúc  đã được Chủ tịch UBND tỉnh chứng nhận và bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế, trở thành một trong hai gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013.

Sau gần 10 năm thành lập và phát triển, cơ sở tương măng Hoàng Cúc không chỉ có nhiều đóng góp cho việc  khôi phục thành công ngành nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục lao động nữ mà còn vận động chị em phụ nữ địa phương tham gia trồng tre và làm nghề sản xuất tương măng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Song, điều mà bà con lối xóm, cộng đồng xã hội trân trọng và khâm phục ý chí nghị lực  gương điển hình phụ nữ Võ Thị Kim Cúc là ở chỗ xuất phát từ một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con cái tật nguyền nhưng đến nay không chỉ ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu mà còn có trách nhiệm, giúp đỡ và chia sẻ với  nhiều hoàn cảnh chị em phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật trên địa bàn.

 

Theo Công Bằng (TRT)

Các bài mới
Các bài đã đăng