Tạp chí Sông Hương -
Tìm hướng gỡ cho doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế
08:43 | 31/12/2013

Với tỷ lệ chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Thừa Thiên Huế đang nắm giữ một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Vì thế, các doanh nghiệp đang rất cần được tạo điều kiện tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế quản lý, xây dựng chính sách.

Tìm hướng gỡ cho doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế
Sản xuất cửa nhựa công nghệ mới ở 1 doanh nghiệp tại Huế.

Chật vật và khó khăn

Từ năm 2011 đến hết quý 3/2013, Thừa Thiên Huế đã cấp phép thành lập mới 1.251 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 4.300 tỷ đồng, đưa số doanh nghiệp địa phương đạt đến 4.922 đơn vị với vốn hơn 11.583 tỷ đồng.

Trong đó, Thừa Thiên Huế chỉ có 152 doanh nghiệp đăng ký vốn kinh doanh từ 20 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng, 2.538 doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh đến dưới 20 tỷ đồng. Địa phương có đến 2.190 doanh nghiệp “siêu nhỏ” có vốn đăng ký kinh doanh dưới 01 tỷ đồng, chiếm đến 32/9%.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế nhìn nhận, các DNNVV chiếm 18% tổng đầu tư toàn xã hội, đóng góp 55% GDP của tỉnh và 30,2% tổng thu ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 10.500 việc làm. Những chỉ tiêu này chưa đạt yêu cầu đề ra của địa phương, nhất là về sức cạnh tranh.

Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, lực yếu nhất của các doanh nghiệp địa phương, là mảng tài chính, lâu nay phụ thuộc chủ yếu nguồn vốn vay ngân hàng. Giai đoạn 2011 – 2012, do chính sách thắt chặt tín dụng và nâng lãi suất cho vay, các doanh nghiệp đã rất chật vật thế chấp tài sản để vay vốn làm ăn.

Qua năm 2013, dù ngân hàng lãi suất, mở rộng cho vay, đa số đơn vị cũng đã kiệt quệ năng lực vay. Điều này cộng với các yếu điểm nội tại như chất lượng sản phẩm chưa cao, cơ cấu sản xuất ở từng ngành, từng lĩnh vực chưa chuyển dịch kịp đòi hỏi của thị trường, nhiều doanh nghiệp non yếu về cập nhật thông tin, đào tạo nguồn lực…. càng khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn.

Cần được gỡ nút

Xác định rõ năm 2014 phải thay đổi mạnh mẽ để cứu kinh tế doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế đang mở một cuộc vận động lớn trong các ban ngành quản lý, giúp tháo gỡ các vướng mắc từ chính sách và vận động các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó.

Ông Lê Trường Lưu, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng; thực hiện tốt Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Điểm nhấn quan trọng là phải tạo nên sự phối hợp đồng bộ về quản lý, sâu sát hơn vào hiện trạng doanh nghiệp, hỗ trợ họ tăng sức cạnh tranh phát triển hàng hóa…

Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc công ty Bia Huế, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, chú ý đến năng lực nguồn vốn là điểm tiên quyết để các đơn vị DNVVN tồn tại. Do đó, địa phương cần thành lập nhanh Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, ưu tiên chọn những DN có khả năng “sống tốt” để áp dụng các phương án giải quyết nợ, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, bảo lãnh tín dụng...

Đồng thời, địa phương cần vận động các doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới, đặc biệt về việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và cấp các chứng chỉ chất lượng sản phẩm… Các doanh nghiệp cần được vận động sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là tạo chuỗi cung ứng sản phẩm – nguyên liệu cân đối, hợp lý, mở ra cơ hội giao thương mạnh mẽ cùng nhau.


Theo bizlive.vn
 

Các bài mới
Các bài đã đăng