Tạp chí Sông Hương -
Họp Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế
08:13 | 21/02/2014

Chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản Thừa Thiên Huế về kế hoạch phát triển thương hiệu đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015 vừa được thông qua tại buổi họp sáng ngày 20/2.

 

Họp Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế
Bún bò Huế, đặc sản nổi tiếng trong nước và nước ngoài

Theo dự thảo Kế hoạch phát triển thương hiệu đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế do Sở Công Thương (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo) soạn thảo, giai đoạn 2014-2015 sẽ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận từ 03 - 04 sản phẩm và hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài từ 01- 02 sản phẩm (gồm sản phẩm đặc sản Bún bò Huế và Mè xửng Huế). Tổ chức quản lý khai thác và phát triển quyền sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nón lá, Tôm chua của tỉnh Thừa Thiên Huế; dầu Chàm Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. Ngoài ra, còn tổ chức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng thông qua việc áp dụng sáng chế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm trên được lựa chọn từ 87 sản phẩm tiêu biểu, truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ yếu là các sản phẩm đặc sản Huế nằm trong 11 sản phẩm kỷ lục Việt Nam bình chọn). Đây là những sản phẩm có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển như dịch vụ và du lịch; góp phần giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa Huế và văn hóa Việt. 

Tại buổi họp, đại diện các sở, ngành đều cho rằng việc xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu đặc sản Thừa Thiên Huế là rất cần thiết không chỉ trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức có sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật mà còn giúp cho các cơ sở sản xuất đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm cũng như duy trì, phát triển các sản phẩm truyền thống của tỉnh ra thị trường.

Các cơ quan chuyên ngành cũng cần nghiên cứu và đánh giá cụ thể thực trạng của từng sản phẩm (trong nhóm 87 các sản phẩm tiêu biểu) để ưu tiên thực hiện việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ các sản phẩm đặc sản của tỉnh.

PA

 

Các bài mới
Các bài đã đăng