Cho rằng chủ tịch xã đã xúc phạm “thần linh” nên người dân đòi “xử” chủ tịch xã để bảo vệ miếu cổ. Câu chuyện lạ này xảy ra tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mấy ngày nay, người dân phường Xuân An, xã Phú Thuận đang “cố thủ đánh phèn la” để bảo vệ miếu cổ khi xã có chủ trương phá miếu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngôi miếu cổ được xây dựng cách đây hơn 300 năm về trước, là một công trình kiến trúc cổ có từ thời xa xưa, nay được tôn tạo lại, hàng năm người dân phường Xuân An đều tiến hành lễ tế rất lớn, trang nghiêm.
“Có người bị thần xử chết”
Ông Phạm Văn Đỗ, một bô lão của phường Xuân An, xã Phú Thuận kể lại: “Ngôi miếu cổ này linh thiêng lắm, hễ ai xúc phạm miếu là có người bị đau ốm triền miên, có người bị tai nạn, rùng rợn hơn có người bị thần xử phạt đến chết”.
Nói rồi ông Đỗ dẫn ra một số thanh niên trai tráng trong làng. Thanh niên này vì không tin là miếu linh thiêng dám nhậu trong miếu. Hôm trước nhậu, hôm sau nhiều thanh niên trong làng phát đau dữ dội, phải đi mời thầy cúng về đảo mấy đêm liền, thành kính lạy tạ tội khi đó mới được thần linh tha thứ. Và kể từ đó thanh niên trong làng không ai dám mạo phạm đến miếu cổ.
Ngoài ra, nhiều người vì dám xúc phạm đến thần linh, không nghe theo lời chỉ bảo của người đi trước trèo lên cây nghịch ngợm bị rớt xuống chết thảm.
Không đồng ý phá miếu
Ông Lương Lòn, 73 tuổi, cụm trưởng phường Xuân An bức xúc cho hay, khi biết xã có ý định phá miếu cổ, nhiều người dân trong cụm rất bất bình, bởi ngôi miếu này là miểu cổ rất linh thiêng tồn tại hơn 300 năm nay, được dân làng thờ phụng, cúng tế hàng năm.
“Dân làng chúng tôi sống yên, ở yên cũng nhờ ngài che chở, vậy mà chủ tịch xã lại mời dân lên họp để phá miếu mở đường vào khu du lịch của người Pháp, hành động này đi ngược lại với ý nguyện của bà con nhân dân chúng tôi, cả phường này không ai đồng ý bồi thường để phá miếu cả”, ông Lòn nói.
Theo ông Lòn, cả làng này đã nguyện rồi, nếu lãnh đạo xã một hai cứ khăng khăng đòi phá miếu thì dân làng chúng tôi sẽ cố thủ đánh phèng la cố thủ để cả dân làng cùng bảo vệ ngôi miếu cổ này. Nhiều thanh niên trong làng nói nếu chủ tịch phá miếu thì bọn nó sẽ “phá lại” chủ tịch xã.
Ông Hồ Văn Cẩn (74 tuổi, trú trong thôn Hòa Duân) bày tỏ bức xúc:“Chính quyền “chụp mũ”, bảo chúng tôi chống đối. Nhưng việc phá thành, phá miếu cổ của địa phương, chúng tôi nhất quyết không đồng ý. Trên 500 trăm hộ dân, gần 1.000 người từ 18 tuổi trở lên đều nhất trí đồng lòng bảo vệ ngôi miếu cổ đến cùng. Nếu chính quyền địa phương vẫn nhất quyết phá ngôi miếu, chúng tôi đành đánh phèng la, tập họp người dân đến ngôi miếu để …trấn thủ. Quyết không để một tấc đất, một ngọn cây, cọng cỏ nơi ngôi miếu bị xâm phạm”.
Cùng bức xúc với cụm trưởng, ông Hồ Tỵ, 74 tuổi, Trưởng phường Xuân An, cho biết: “Khi nghe xã có chủ trương mở rộng đường này, phải phá một phần miếu cổ ai cũng thấy xót xa, bàng hoàng. Bởi vì đây là ngôi miếu cổ của dân làng, nhưng khi làm dự án mở đường, xã không họp dân mà chỉ mời tôi với ông cụm trưởng là không hợp tình, nên khi dân làng biết họ rất phẫn nộ, bởi từ lâu dân ở đây đã biết miếu cổ này rất linh thiêng, đã có người xúc phạm bị thần linh xử phạt đau đớn, quằn quại, có người bị chết...
Mở rộng đường là để phục vụ bà con
Đem những bức xúc này lên bàn chủ tịch xã, ông Nguyễn Văn Chường, chủ tịch xã Phú Thuận, huyện Phú Vang lý giải: “Việc mở đường là làm lợi cho dân đi lại thuận tiện, tránh tai nạn giao thông, chúng tôi biết khi đụng đến di tích tâm linh bà con sẽ phản ứng, nhưng đây là chủ trương xây dựng, giải phóng mặt bằng để xây dựng nông thôn mới. Nếu bà con phản ứng thì phải vận động để dân hiểu ý nghĩa lợi ích của việc mở đường”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: “Phía cuối đường, địa phương đã giao đất cho dự án người Pháp, và họ đã xây tường rào chặn đường dân ra biển thì xã mở đường cho ai đi? Ông Chường không trả lời.