Đành rằng từ Nằm vạ đến Cái bóng cọc không có câu văn nào chui vào bụng nhân vật nói chõ ra như gã nhắc vở nấp sau cánh gà, nhưng sẽ nói sao về những tâm trạng rõ mồn một của chúng? Ngay cả một giai đoạn dài văn chương ta với nhân vật trung tâm giã biệt tuổi thơ ngọt ngào lên chiến khu, vào chiến trường để đến một cái chung vĩ đại, thì đôi mắt tinh tế của ông lại chỉ ghi nhận thái độ anh thanh niên băn khoăn đến độ hốt hoảng vì mất cắp cái mũ (Cái mũ).
Khoảng 20 tuổi, Bùi Hiển đã "đọc ra" cảm giác của kẻ trộm trong hành vi hô hoán hàng phố "Bắt lấy kẻ trộm chạy trước kia kìa" - một cách để thoát thân của y. Hay như kẻ lần đầu a dua đi trác táng chợt phát hiện ra cái thiên lương của mình bấy lâu vẫn ngủ quên giữa cuộc "sống mòn" thời thuộc địa.
Vào cái năm buồn phiền do Cái bóng cọc bị coi là có vấn đề, ông đã kể tôi nghe về tiểu thuyết Những con vật biến tính của Vécco. Đoàn du lịch thám hiểm phương Tây đến khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, phát hiện ra giống vượn người. Có người nảy ý nghĩ: nếu nhân giống vượn người giỏi bắt chước này ra, dạy cho dệt vải, thì sẽ được một loại công nhân không biết đòi tăng lương và đình công. Sau đó anh ta ngủ với một vượn cái, sinh con hệt người. Anh ta sợ quá liền giết con. Tòa xử, nhưng không thể kết tội anh ta giết người, vì trong mọi từ điển không đâu quy định thế nào là người. Không hiểu sao rồi ông lại không dịch cuốn sách từng khiến ông thích thú đến thế.
Cũng chính ông nói rằng, có nhà nghiên cứu xếp truyện ngắn viết trước 1945 của ông vào dòng hiện thực phê phán, ông đã trả lời: "Được thế thì sang quá, nhưng tôi không dám nhận". Thực ra, ngòi bút Bùi Hiển chưa bao giờ chệch ra khỏi thiên chức phát hiện thời khắc con - người - trở - nên - là - người - nhất trong đời người buồn tẻ, khổ đau và vô vị. Đó là khi chị Đỏ Cầu bị lập mẹo đẩy vào giường chồng để thành vợ (Ma đậu); là anh chàng Tịch (Cái dọc tẩu) tập viết văn sau đêm a dua đi hát, là chuyện anh lính trẻ ghẻ lở bẩn thỉu, thua trận rồi trên đường đào ngũ về quê, gặp một cô gái, được cô chăm sóc chữa chạy rồi đưa anh đến một ngã ba: một lối về quê anh và một lối lên chiến khu. Ánh mắt cô nhìn theo, nên lòng anh thì sợ chết muốn về quê, nhưng chân lại cứ đi theo ánh mắt "lái" lên hướng chiến khu...
Trong một bài tiểu luận, Bùi Hiển viết: "Văn học thật ra, suy cho cùng, chẳng làm được gì nhiều lắm. Nhưng nó có khả năng, có thiên chức đánh thức những ước ao hướng thiện và những tiềm tàng tự hướng thiện ở từng con người...".
Với tinh thần suốt đời học hỏi, lịch lãm từ thời trai trẻ, ông chỉ khiêm tốn nhận mình là người "mỉm cười vui vẻ". Thực ra, dưới cái vỏ của nụ cười mỉm ôn hòa là cả một bề sâu thâm trầm. Điều ấy cắt nghĩa tại sao trong văn chương, Bùi Hiển thành đạt sớm, nhưng chưa bao giờ được các trào lưu nhất thời vụ lợi đẩy lên làm tiêu điểm cho mình. Theo như tôi nhớ, Bùi Hiển cũng làm "quan văn nghệ" trong thời gian khá dài, nhưng chưa bao giờ ông tỏ ra sốt ruột, dù rằng các chiêu thức, các mẹo mực làm sao để nổi tiếng hẳn là ông biết rõ. Theo Thanh Niên Online |