Tạp chí Sông Hương -
Như cụ đương “nhung nhăng” đâu đó...
14:52 | 07/07/2014

Nhung nhăng, tần suất ấy dường như khá dày, là ngôn từ của nhà văn Tô Hoài để vận vào những trường hợp, lắm khi chả phải đi đứng thế này thế nọ mà đương bập vào việc chi đó?

Như cụ đương “nhung nhăng” đâu đó...
Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Nguyễn Đình Toàn

Cụm từ ấy xuất hiện từ những thăm thẳm xa, thuở cái dốc Bưởi có mấy cây vông vang cổ thụ đỏ như vông đông như tiết. Bưởi thuở đó hẵng còn rờn rợn vắng tuy là một cửa ngõ òa ra mạn Nghĩa Đô, cậu bé Nguyễn Sen áo chúc bâu nhung nhăng thoắt cái đu người điệu nghệ trên chuyến xe điện vào thành phố.

Bây giờ, những cục u mấu trên những me sấu cổ thụ nào của Hà thành một ngày giêng hai năm 1940 ấy chứng kiến những bước đi lúc ngập ngừng lúc dứt khoát của một chàng trai tên Nguyễn Sen thành danh Tô Hoài bởi truyện Dế Mèn... Rồi chàng trai Tô Hoài tuổi 26 không nhung nhăng men theo ngoại ô Nghĩa Đô để lên chiến khu mà hối hả, tốc táo nhập với đoàn quân kháng chiến qua mạn Vân Đình, Ba Thá... Những nhung nhăng năm kháng chiến của Tô Hoài không nối gót Nguyễn Tuân khua trống trong đêm công đồn Đại Bục mà lặng lẽ sang một hướng, một mạn khác xuyên mãi vào những con đèo chất ngất vùng Tây Bắc.

Nhung nhăng ấy là những năm ra trụ sở dân phòng họp tổ dân phố, khi sang Bà Triệu, Nguyễn Du họp với Hội Nhà văn lê la với những Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính... ở quán rượu dốc Bà Triệu (đọc rồi để ý bây giờ chỗ quãng phố xuôi chuội ấy cũng thành dốc thì phải?). Có khi những nhung nhăng ấy chợt nhảo sang phi trường Gia Lâm để bay đến trời Tây trời Á, Âu để họp, để ngồi với những văn hào của thế giới, của Hội nhà văn Á Phi hay thơ thẩn chuyện trò với bà nấu bếp xứ Nga...

Biết bao nhung nhăng ấy (nhung nhăng còn hàm cái ý việc viết lách sáng tác như chơi chơi! Hình như là trời cho, mà chẳng nhiều nhặn những người viết như thế? Như là mọi ý nghĩ, mọi thứ đã có sẵn trong đầu rồi chỉ ngồi vào bàn là bày biện luôn ra giấy như cụ Tô Hoài một lần bộc bạch). Những bày biện ấy đã bầu lên một Tô Hoài đồ sộ với hơn 150 đầu sách (mới kể số đã in thôi)! Những nhung nhăng đã họp đã hợp thành những nhành những tán của một thứ thụ mộc sum suê.

Mà khép tán của bậc cổ thụ ấy tuyệt nhiên không làm cớm, không che chắn những khoảnh rừng lẫn các thứ cây nhỏ hơn. Một nhà văn nước ngoài nói, cái cây lớn thì tìm sự cô đơn trên cao? Nhưng thụ mộc Tô Hoài, trong từng mắt lá, từng thớ gỗ xoắn bện dẻo quánh luôn cúi, luôn rì rào rủ xuống đám viết lách mà rủ rỉ mà thủ thỉ, kiêm cả chức phận làm mát cũng như chở che? Bao nhiêu người, tôi không nhớ nhưng khá nhiều, đến cái thứ mọn như tôi, hồi chưa biết ông cũng đã tiếp được cái thư tay ông, rất cẩn thận gửi theo đường bưu điện góp ý về loạt phóng sự về hai ông vua Mèo, một ở Mèo Vạc, một ở Đồng Văn.

Mùa nực năm 1978, tôi được hầu một số đấng đi thực tế ở mạn Hòa Bình, Sơn La. Nghĩ thương các đấng thuở ấy, bây giờ mới thực là ăn là chén mà các cụ đâm thưa vắng hết cả rồi. Gọi là tiệc của Ủy ban tỉnh nhưng cũng chỉ có nửa con cầy với một con gà, đưa cay là thứ rượu sắn đắng nghét. Xong bữa khá háo, vừa khát vừa hiếu kỳ, tôi mon men đến bàn trà có cái ấm độc ẩm mà cụ Nguyễn Tuân đương lúc vui hào phóng bày ra. Cụ cũng hào phóng ban cho tôi một chén con hạt mít. Tôi nài thêm nữa thì bất đồ cụ thong thả cầm tay tôi chỉ ra ngoài đường, này có cái quán nước chè xanh chỗ đầu dốc kia ra mà làm mấy bát... Vừa ngại lẫn ngượng nhưng ngay sau đó cụ Tô Hoài máy tôi ra chỗ cái quán trà xanh kẹo bột ấy thực. Có lẽ với cụ Nguyễn, nhiều người kính, nhưng là thứ kính nhi viễn chi (đứng xa mà ngó) còn cụ Tô Hoài thì luôn dồi dào thứ trữ lượng mát mẻ lẫn ấm áp của những dung dị, gụi gần.

Những năm còn nhung nhăng trên phố Đoàn Nhữ Hài sau này dời xuống phường Nghĩa Đô, có biết bao tao nhân mặc khách lẫn tục khách ghé nhà mà cụ ông lẫn cụ bà đều chịu khó nghênh hết!

Nhớ thêm năm xa ấy, có mấy ông bạn Việt kiều cũng có viết lách, phim phiếc chi đó bên Canada nhờ tôi đưa đến cụ Tô Hoài và Kim Lân để họ phỏng vấn ghi hình... Nể bạn nhưng chả dám kêu điện thoại trước cho cụ, tôi cứ đường đột dẫn cả đám đến…

Đồng thời cũng dọn sẵn những câu xin đại xá nếu có bề gì. Nhưng may, cụ ông cùng cụ bà đều vui vẻ chuyện trò. Mà chật non cả một buổi. Bây giờ ngồi gõ những dòng này, chắc bên xứ trời Tây ấy còn lưu, còn diễn chiếu những thước phim ấm áp ngày nào? Còn tôi thì bỗng trơ khấc chả có gì cụ thể về những thời khắc đáng nhớ đó ngoại trừ những chắp nhặt bập bõm!

Nhớ cuối cữ rét năm xa ấy đi một vệt Tây Bắc, bữa về ngồi hầu chuyện cụ ở Nghĩa Đô, lẩn thẩn hỏi thêm cụ về Mường Giơn hay Mường Giôn? Làng Nghĩa Đô đã lên phường dày dịt bê tông loa lóa trắng rợn những nhôm kính. Câu chuyện đồng rừng dẫm lên vết chân của nhà văn Tô Hoài những năm 50, 60 ấy có cảm giác làm ông lão cựa quậy lên một chút cái tình đồng rừng lâu nay do hoàn cảnh phải nín thít đi thì phải?

Càng nghe cụ rủ rỉ những thứ này thứ khác, tôi bừng thêm cảm giác tiếc nuối lẫn ân hận bởi biết cái lứa lười biếng bất tài như chúng tôi thì trời có cho đến cả tuổi trăm thì riêng mảng Tây Bắc cũng chả bao giờ đạt đến cái tài cùng cái tình rừng một thuở một thời như tác giả Truyện Tây Bắc với Vợ chồng A Phủ đây! Mường Giơn giải phóng... Hóa ra là Mường Giôn. Mường Giôn của châu Quỳnh Nhai. Cụ không nhầm mà trong truyện Tây Bắc Mường Giôn thành Mường Giơn đơn giản vậy!

Bữa Quốc hội quyết định bỏ phiếu gộp xứ Đoài vào Hà Nội, chúng tôi ngồi lâu hơn với cụ Tô Hoài để nghe cụ nói kỹ hơn về nhà thơ Quang Dũng và những trữ năng về một xứ Đoài linh thiêng. Có cảm giác nhà văn là thủ lĩnh tinh thần đương lên dây cót cho các chiến binh mà mắt chưa quen với tinh kỳ, tai chưa quen nghe trống trận! Người ta nói nhiều đến tam thập nhi lập tứ thập nhi bất hoặc nhưng ít nhắc đến thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ. Tạm hiểu là đến năm 70 tuổi, con người đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử sự và xử thế.

Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình. Nghĩa là muốn sao được vậy, không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý hay lẽ thường. Có phải là độ chín mà là chín nẫu của con người ở vào tuổi từ 70 trở lên nếu trước đó họ được giáo dục đúng cách, tự tìm tòi học hỏi, có kiến văn quảng bác, có tu tâm dưỡng tánh, đã từng trải cũng như rút được ưu khuyết điểm trong các kinh nghiệm về nỗi ê chề đớn đau của cuộc đời. Chất giọng rủ rỉ cùng với vẻ lặng lẽ kia của cụ tiên chỉ Tô Hoài ở độ cửu tuần, hình như là thứ ngôn ngữ, là cung cách trả lời, là một dạng một thứ bất du củ?

Có lẽ phải ám lâu hơn hình ảnh bữa cụ đã yếu lắm trong căn phòng 14 tầng 4 nhà 10 bệnh viện Hữu Nghị nhưng do cái ống xông luồn vô đường mũi nên cụ phát âm hơi khó... Nhưng cụ vẫn tỉnh táo trao đổi... Có một chốc, mãi đến lần thứ 3 chúng tôi mới nghe thủng cụ thều thào này cái bô-xít thế nào? Trời đất ơi, ai bảo đấy là ngôn ngữ bột phát của một cửu tuần đang cạn kiệt dần trữ lượng? Lại nhớ thêm khi hỏi thăm đến chỗ cụ do nhầm nên một bác sĩ ở tầng 3 thông báo cho chúng tôi biết ở đây không có ông Tô Hoài nào cả! Sau một cô trong đoàn thăm gạ mãi rằng nhà văn Tô Hoài ấy mà... Vị bác sĩ nọ đã phát cáu cái nhà chị này nhà văn Tô Hoài mà ai chả biết!

Nhà văn Tô Hoài mà ai chả biết…
Mà bữa nay hình như cụ đương nhung nhăng đâu đó?
Đêm 6/7/2014.

Nguồn: Xuân Ba - TPO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng