Tạp chí Sông Hương -
Giữa chiều lạnh
09:12 | 08/07/2014

LGT: Chính thức xuất bản cuốn sách đầu tiên vào năm 1971 (tập “Những ngôi sao xa xôi”), sau hơn 40 năm, Lê Minh Khuê vẫn chứng tỏ bút lực dồi dào của một người viết giàu vốn sống và chịu khó quan sát, lắng nghe những biến động lớn lao của thời cuộc cũng như những “bi kịch nhỏ” trong mỗi gia đình và mỗi con người... Chị từng giành Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1987 cho tập truyện ngắn “Một chiều xa thành phố” và năm 2011 cho tập truyện “Trong làn gió heo may”, giải thưởng Byeong-ju Lee của Hàn Quốc năm 2008...

Giữa chiều lạnh
Nhà văn Lê Minh Khuê

LÊ MINH KHUÊ


Giữa chiều lạnh

                         Truyện ngắn  

Khi đến gần khu phố quen thuộc sau bao nhiêu năm Phụng sững người nhìn thấy ông Thứ đang lững thững đi như vô can vô định. Trên vỉa hè mà người ta dăng mắc không còn lối đặt chân mà xe máy còn len lỏi cả lên từng xăng ti đất đã lát gạch tróc lở từng mảng. Ông Thứ mặc kệ mọi thứ. Và người và xe và hàng hóa tự động tránh ông. Phụng tìm cách qua đường. Thấy ông Thứ lạ như vậy Phụng đánh mất ý định là tới nhà nhìn thẳng vào mắt ông để cho ông phải đờ người kinh ngạc khi thấy thằng Phụng này không phải là đồ giẻ rách. Như cái tên ông đặt cho Phụng - thường trực trên môi ông từ những năm Phụng hoàn toàn là số không.

Phụng cầm tay ông Thứ. Bác! Nhận ra cháu không? Phụng đây. Phụng ghẻ. Phụng giẻ rách mà bác đặt tên cho ấy! Phụng cảm thấy hân hoan đắc thắng khi nói tới những biệt danh của mình thấy giờ đây mình ở thế thượng phong. Ở thế thượng phong thì gọi mình là cục gì cũng chả thành vấn đề! Ông Thứ đờ đẫn khi Phụng lắc tay. Rồi đờ đẫn cười mắt ông nhìn Phụng mà không thấy phản ứng mắt ông như mắt cá chết làm Phụng kinh ngạc. Ông béo bụng béo tay chân nhưng đầu ông do không còn tóc trông nhỏ tí nếu không có ấn tượng sâu đậm về ông chắc Phụng không thể nhận ra. Phụng nhớ ông oai phong xách cái cặp da sang trọng của tầng lớp quan chức đi xe Lada. Khi xe dừng trước cổng người lái xe thường vòng sang mở cửa xe cho ông và ông không quên dặn sáng mai tới sớm mười lăm phút. Hôm nào Phụng cũng nghe ông dặn lái xe mãi sau này Phụng mới biết ông đến câu lạc bộ uống cà phê nơi chiều nào ông cũng tới bơi và đánh bóng bàn. Thể thao chiều xong ông về muộn dặn lái xe xong ông vào nhà lướt qua phòng bếp nơi cả nhà chờ cơm ông lên gác hai sập cửa thay bộ pi za ma sọc. Cả nhà kính cẩn sợ hãi khi ông lãnh đạm ngồi vào bàn.

Lúc này ông không nhận ra Phụng. Nhưng ông hồ hởi, vẻ hồ hởi của người lâu tưởng bị lạc bị vất vưởng ở đâu. Ông nhìn bên kia đường chỉ tay về phía hàng cây.

- Hôm qua đã nói là sang rồi mà không sang làm tôi cứ phải tìm. Cám ơn hỏi thăm, khỏe thôi. Tôi có mấy lần đến đó mà không gặp có tìm thấy gì đâu. Mấy hôm rồi chả tìm thấy gì bảo bà ấy thì bà ấy cũng bảo tìm cũng vô ích nhưng chả nhẽ không tìm. Tôi nhớ rồi cũng tìm cả đấy chỗ kia cũng tìm rồi nhưng ai cũng bảo ông lẩn thẩn tìm làm gì thế là không tìm nữa. Hôm nay đi ra phố cũng định tìm nhưng nghĩ lại có tìm thấy cũng chả làm gì mấy năm rồi cũng cố tìm...

Cứ như vậy ông Thứ quẩn quanh nhìn ngược nhìn xuôi lúc cười lúc đờ đẫn.

Từ đây đến nhà ông rất gần chắc chả ai trông nom để ông đi lơ ngơ. Phụng kéo tay bảo cháu đưa bác về cháu cũng đến thăm cả nhà đây. Vậy à? Ông Thứ nhìn Phụng một thoáng như sực tỉnh. Nhưng rồi ông cứ rời tay Phụng và bước xuống đường. Vài cái xe máy phanh kít. Một gã lầm bầm: Đồ điên!

Ngã tư phố có một lối về nhà ông Thứ có những cây xà cừ lớn Phụng quen từ nhỏ giờ đây vài cây bị cắm đinh tua tủa treo lốp treo rổ móc dây làm hàng cây có vẻ cau có già nua. Mười mấy năm rồi cây già cũng được nhưng ông Thứ đi xe Lada mua hàng Nhà Thờ luôn hách dịch trịnh thượng bây giờ không biết đi cả qua đường không nhận ra kẻ ông từng khinh rẻ... thì là sự lạ. Là một cách trời trả lại công bằng cho con người ta.

Thời đó Phụng chỉ còn biết âm thầm đứng ở chỗ bể nước chờ cô bé Vân con ông Sự. Lúc nào Vân cũng có gì trong túi vì biết Phụng đói. Ăn miếng bánh này đi, của em nhưng em ăn no rồi. Miếng bánh mì cặp một lát chả quế hiếm hoi. Hôm khác. Củ khoai này, hơi bị thiu vì em để trong đống báo nhưng ăn được đấy. Lúc đó Phụng học lớp năm. Vân lớp ba. Con bé có khuôn mặt tròn. Nhẹ nhàng âu yếm. Như một thiên thần. Phụng thì có nhiều thứ để khóc lắm... Thời đó mới qua chiến tranh thành phố bắt đầu nhộn nhạo nhưng không nhiều xe máy không nhiều quán xá mặt người rầu rĩ đói khát nhưng không có cái vẻ hung hãn bất chấp như bọn người ngồi trên xe máy bây giờ xem xe máy là thứ làm le oai phong lẫm liệt làm người ta có chút gì dưới bầu trời. Sau chiến tranh Phụng là trẻ mồ côi gọi vợ ông Thứ là bác trong họ xa. Họ xa nhưng chẳng còn ai thân hơn bà. Bà nhận nuôi Phụng có tiếng với họ hàng vì chồng ở hàng “thứ” hàng “cục” họ thèm khát chức danh to tướng xếp hạng ba, thèm khát các thứ phân phối mua ở cửa hàng Quốc tế Bờ Hồ có từ bao diêm đến các thứ đồ gia dụng viện trợ. Phụng là đứa trẻ được việc khi nhận vai đi xếp hàng mua thực phẩm ở cửa hàng Nhà Thờ. Dạo trước hàng hóa ê hề có hôm mậu dịch viên còn bày vài miếng thịt bạc nhạc ở cái bàn gần cửa sổ bán cho phiếu E. Phiếu mà nhà Vân có hàng mấy năm nay không bao giờ nhích lên được. Chiến tranh mới đi qua mọi thứ ít hơn thời còn bú sữa viện trợ nhiều hôm phải xếp hàng sớm mới mua được miếng ngon. Phụng còm nhom co ro trong chiếc vỏ áo bông Trung Quốc bà quầy thịt nhìn thấy quen vì bác gái đã gửi gắm. Mày lên đây cô bán cho các bác thông cảm nó bé mà trời thì rét quá... Không ai thông cảm được nhưng nhân viên cửa hàng là đệ nhất phu nhân quốc gia ai mà cãi. Người ta im lặng. Phụng xách giỏ thịt ra về giữa những cái ngấm nguýt. Thường bà bác tự tay pha chế lọc ra phần ngon nhất dành cho cái đĩa riêng nghi ngút khói trước mặt ông Thứ. Ông Thứ chả thèm xem cái cách cả nhà ưu tiên ông. Ông đọc báo. Lãnh đạm uy nghiêm ông đeo kính đọc báo. Để tờ báo đọc xong xuống ghế bên mới cầm đũa ăn thong thả nghiền ngẫm cái gì trong đầu chả biết không hề nhìn mặt vợ nhìn mặt bọn trẻ. Sau này Phụng mới biết thời ấy ông ăn uống từ tốn vì dạ dày ông không bao giờ lép như đám chúng sinh quanh ông. Thằng Tự con trai thứ hai của ông lớn hơn Phụng vài tuổi nhưng nhỏ con hơn. Thằng Tự gan góc thỉnh thoảng hỏi bố vài câu nhưng ông Thứ gườm gườm ăn nhanh lên còn học bài. Những lúc như thế Phụng thèm vị trí thằng Tự nhưng lại sợ hãi cúi đầu cho thấp cho khuất sau nồi cơm để đầu bàn. Nhiều lần Phụng thì thào bác gái cho cháu ăn dưới bếp bà gạt đi bác trai cán bộ cấp trên ai để cháu ăn trong bếp ai biết người ta phản ánh lên trên thì chết... Bà nhìn ra cửa sổ. Ai đây là gia đình ông Ngạc nhất thiết không phải là gia đình ông Sự bố Vân. Ông Ngạc trước là tài xế cho nhà ông chủ có cái biệt thự này. Ông chủ đã chạy vào Nam ông Ngạc xin ở lại cái ga ra cũ cải tạo thành thử nhà ông có năm người giờ vẩy thêm một chút ra phía cầu nước có vẻ ngon lành. Ông Ngạc làm công nhân nhà máy bên kia sông Phụng thấy tháng nào người ta cũng tập trung ở nhà ông họp chi bộ. Nhiều hôm thấy ông Thứ cũng họp nghe nói chi bộ mời. Mọi người tíu tít tìm ghế để ông ngồi chỗ tươm nhất. Ông hùng hồn ca ngợi cuộc sống ca ngợi thắng lợi. Ông cười cười nói nói bình dân có hôm mời mọi người thuốc lá bảo thuốc lá cũng là công nghiệp nặng ta vẫn ưu tiên phát triển công nghiệp nặng... Phụng rửa bát ở cầu nước chung càng nghe họp càng hãi. Bên kia cầu nước là cái phòng độ mươi mét vuông có hai cha con ông Sự. Ông Sự là cháu ruột ông chủ cái nhà này sau năm năm tư phải bỏ Hà Nội lên mạn ngược khai hoang vợ chết ngã nước hai đứa con trai chết tai nạn ông mang Vân về lại ngôi nhà xưa xin xỏ hết lời mới được dựng cót ép ở mấy năm nay. Ông là cái gai là chướng ngại của cả cái sân này. Phụng hay lủi thủi ngoài sân chuyện người lớn nói với nhau Phụng nghe hết. Trí óc non mấy thì cũng hiểu ra mọi điều. Chỉ thấy thương Vân đứa bé gần tuổi mình còn có cha để nương tựa nhưng cũng như mồ côi vì ông Sự đi suốt ngày, ông phải kiếm tiền nuôi con và tuần nào cũng phải đi trình diện. Chuyện này Phụng nghe qua Vân. Bố em đi trình diện về thì buồn lắm có hôm ngồi khóc. Trình diện cái gì? Em không biết... Thời đó có lúc Vân đã nắm tay Phụng tin cậy vì chẳng còn ai để nắm tay như nắm tay anh trai. Hai đứa thường đứng ở hông bể nước công cộng. Thấy mình bé trời đất thì mênh mông.

Phụng không bao giờ được ăn suất cơm của mình dưới bếp vì người ta sẽ “đánh giá” ông Thứ nhưng ngồi ăn cùng bàn với ông thì sợ đến nỗi đói thế mà miếng cơm cứ đắng ngắt. Ông Thứ cho Phụng đi học cũng chả mất gì, học phí không phải đóng lại được tiếng xóm giềng không phân biệt con đẻ cháu nuôi. Đi học về là đầu tắt mặt tối. Phụng đâu! Xách mấy xô nước đổ vào cái ang đi nước bể hết lại trơ mắt ra. Phụng! Sáng mai đi Nhà Thờ xong nhớ vào chợ mua cân cà chua. Phụng làm cái này! Phụng làm cái kia! Người sai việc không phải là bác. Bà ít nói. Đi làm về hay quanh quẩn trong bếp. Cũng không phải cô Từ chị thằng Tự. Người sai việc là thằng Tự. Nó mỏng dính cái gì cũng mỏng môi mỏng da mỏng xanh như đàn bà đẻ. Quần áo nó sạch sẽ nó sợ bụi sợ bẩn như phải bệnh nó đi lẩn thẩn trong nhà thấy cái gì cũng nhặt cũng xếp miệng nó lầm bầm rủa xả ai đó trong tưởng tượng. Nó nhặt từng cái giấy vụn từng sợi tóc rơi rồi nghiệt ngã thằng Phụng ăn cho lắm vào bụng to như cái trống nhà bẩn mà không biết lau đi đồ con hoang đồ không cha không mẹ! Em lau suốt ngày mà. Lau mà như thế này à đồ ăn hại đái khai... Thằng Tự nói mím môi cay nghiệt. Một lần Vân nhảy ra như con sói con tóc vểnh lên cái mũi xinh xắn trên khuôn mặt thiên thần nheo lại: Sao anh cứ bắt nạt anh Phụng?

- Tao bắt nạt đấy đồ con nhà chậm tiến.

- Anh là đồ hèn!

Những đứa trẻ cãi nhau dưới sân. Trên cửa sổ gác hai ông Thứ nhìn thấy nghe thấy. Ông nghiền ngẫm cái gì trong đầu mặc kệ cho thằng Tự tác oai tác quái. Nhiều hôm thằng Tự ôm mớ quần áo nó thay ra ném vào chậu to: Giặt cho tao! Nó bảo Phụng. Thằng này sạch một cách bệnh hoạn. Môi mỏng. Nó liếm môi liên tục như không thể kìm chế, đôi mắt nhiều lòng trắng như mắt cá chết của nó nhìn Phụng làm Phụng sợ thót tim cúi gằm đầu xát cục xà phòng Liên Xô vào cổ áo trắng tinh của nó. Cứ hai ngày giặt quần áo một lần. Giặt rồi là rồi gấp lại để đầu giường cho nó. Một thằng nhóc mà quần áo tinh tươm giữa thời đói kém sẽ là sự lạ nếu nó không phải con ông Thứ. Vân căm tức đứng ở sân thân cô thế cô vì ông Sự đã đi ra Đông Bắc đội than. Nó giận dữ ném mẩu gạch đỏ vào áo sơ mi trong chậu của thằng Tự thằng này giận cá chém thớt múc nước trong thùng nước gạo hắt vào mặt Phụng. Vân khóc òa lên thương xót lao vào che cho Phụng. Thằng Tự cười gằn đồ con nhà chậm tiến lại lây chậm tiến sang thằng Phụng để nó làm bẩn nhà tao! Nó tát Vân. Ba đứa trẻ xô xát ầm ĩ cả sân...

Thế mà khi lênh đênh xứ người Phụng đã ngồi phịch xuống không thể đứng lên hàng tiếng đồng hồ khi nghe tin Vân lấy chồng. Lấy thằng Tự. Không có gì đau hơn thế khi năm học lớp chín Phụng nghe ông Thứ nói lào thào vào máy điện thoại rất lâu. Nhà ông mới có điện thoại chứ cả khu phố này người ta vẫn còn chạy tới nhà nhau truyền thông tin. Cái tiếng lào thào làm Phụng đang đi nhẹ nhàng lên cầu thang phải đứng im. Anh cứ thế mà làm cho tôi. Nó không là cái gì chỉ là con số không nó phản động thế nào tôi biết anh để yên cho nó là phá hoại tổ chức phá hoại khu phố. Nó phải đi khỏi đây chứng cứ tôi đã nộp đủ ở phòng hồ sơ cứ thế mà làm.

Phụng không biết nó là ai ở đây... Khi lớn lên khi chuẩn bị đi khỏi nhà này người ta đồn thổi về ông Thứ là có tài tổ chức hồ sơ khống để vài người vào tù. Ông đã tống ông nhạc sĩ cùng phố đi đâu đó. Biến mất. Mà ông vô can. Lúc đó Phụng không biết cũng không thể biết ông đang nói về ai. Chỉ khi nghe ông Sự bố Vân đi đội than ngoài mỏ bị vào tù vì dính vào dây hoạt động chính trị ở biên giới Phụng ngờ ngợ. Nhưng là thằng bé học lớp chín đầu óc đâu đủ khôn ngoan... Một bà cô họ xa đến ở với Vân trong căn phòng thưng cót ép. Bà bán thuốc lá cuộn ở đầu phố lấy tiền đong gạo. Ông Thứ lại có cái cách thương hại con bé. Bác cho mấy đồng mà ăn sáng này! Thật rõ trời đi vắng!

Lớn lên Vân xinh đến nỗi có bọn sửa xe bên kia đường bày cho Phụng: Bảo nó sang đây chơi anh thưởng! Mấy thằng cao bồi khu phố có cái xe cúp đứng ngấp nghé ở cổng Vân ơi ra đây đi chơi với anh... Phụng lo lắng. Thằng Tự nổi khùng có hôm ném đá ra bọn đứng ở vỉa hè. Thằng Tự ve vẩy quanh Vân không như thời còn nhỏ nữa. Thằng Tự đã học lớp mười. Nó rít lên bảo Phụng: Nó của tao mày nghé mắt tao chém đứt tay! Chả hiểu sao lại chém đứt tay.

Nhưng Phụng đã tìm được người chú trong Nam. Phụng đứng bên Vân trong đêm trời tối mịt mưa phùn cả nhà đã ngủ. Hai đứa đã lớn hai thân thể vừa khít khi dựa vào nhau bên thành bể nước khổng lồ. Vân bảo Phụng: Anh đừng đi xa nhé nhớ về với em! Đêm đó lần đầu tiên trong đời Phụng hôn môi đứa con gái. Sượng sùng ngượng ngập chả phải thần tiên như người ta tả trong sách nhưng Phụng thương Vân cái tình cảm ấy thì có thật nó làm tim phổi đau như bị cứa ra như chảy máu.

Nhưng vì sao suốt bao nhiêu năm hết đoạn trên thuyền vượt biển đến đoạn lần mò trại tị nạn rồi định cư rồi việc làm rồi vợ con - như hàng triệu con người - Phụng chẳng hề viết cho Vân một chữ. Cho đến cái năm lâu lắm rồi nghe một người mới qua nói Vân đã lấy thằng Tự bố Vân đã mất trong một trại cải tạo nào đó. Phụng đau nhưng rồi nghĩ có lẽ mình sợ viết cho Vân vì mình sợ cái nhà đó những năm chịu đựng tủi nhục ăn nhờ ở đậu chịu đựng sự khệnh khạng của một gã quan chức hạng ba đi xe Lada mua hàng Nhà Thờ mà tưởng mình là kẻ xưng “trẫm” với chúng sinh.

Thằng Tự có ở nhà. Ngày nghỉ cuối năm mà. Ông Thứ vẫn ngơ ngáo tìm. Lải nhải tìm kiếm cái gì đó mà không tìm ra. Cái sân chật cứng xi măng vì nhà ông Ngạc lấn ra phá cái bể để nghễu nghện cái nhà ba tầng bề ngang ba mét bề dài ba mét rưỡi. Nhà ông Thứ trông lép vế vì cái nhà ba tầng. Căn phòng thưng cót ép của Vân cũng đã biến thành cái nhà hai tầng cho thuê. Mấy gã đàn ông gân guốc như cánh sơn tràng hút thuốc lào khạc nhổ rồi lấy xe máy phóng đi. Thằng Tự trên gác chạy xuống ra hành lang nhận ra Phụng ngay gật đầu chào Phụng rồi quát ông Thứ: Tìm tìm cái gì? Cứ lơ ngơ láo ngáo đi thế xe nó chẹt cho hộc máu ra!

Không lạ những lời như thế từ miệng thằng Tự. Bao năm rồi vẫn giọng đó chỉ lạ là nó chả thay đổi gì sất. Môi mỏng tay nổi gân xanh áo quần thẳng li dù ở nhà. Nó chả có râu ria gì mắt nhiều lòng trắng hơn nó cúi xuống chỗ Phụng đứng nhặt cái lạt rất mảnh cẩn thận cuộn cái lạt vào ngón tay rồi bỏ vào cái giỏ đựng rác chỗ giáp tường. Nó mất công làm từng ấy động tác chăm chỉ như chỉ còn có cái lạt mỏng là quan trọng là chuyện đại sự là không nhặt được cái lạt sinh mệnh nó bị đe dọa. Quan sát thằng Tự rồi Phụng kinh ngạc vì sao cả tuổi thơ của mình bị một thằng thế kia khống chế vì sao nó thản nhiên cướp người con gái bơ vơ khi người cha của nàng phải vào tù... Thằng Tự trở lại chỗ nó vừa đứng, nó chỉ ông Thứ: Ác quá mà. Cực kỳ ác nên bây giờ trời hành cho. Có biết gì nữa đâu cả ngày cứ mở mồm là tìm. Hai năm nay rồi tìm có ra gì đâu. Ngủ mơ cũng tìm, bác sĩ tâm thần phán là bị ám ảnh cái gì mất rồi ấy. Mất hết rồi còn chó gì mà tìm?

Nhà cửa khang trang hơn trước có cái ô tô màu đen không hiểu của hãng gì đậu ở góc sân chỗ duy nhất chưa biến thành xi măng. Thằng Tự hỏi han này kia bảo sao bây giờ mới về bà mất năm ngoái chị Từ cũng bị tai nạn mất cả hai vợ chồng giờ tôi phải nuôi con của chị nuôi hai đứa của mình nữa tôi với Vân cũng phải lăn lưng như trâu lại thêm ông lẩn thẩn chả hiểu bao giờ thì kết! Chữ kết thằng Tự nói nghiệt ngã với cái giọng không lẫn được của nó.

Phụng phải ngồi lại rất lâu uống hết ấm trà thằng Tự pha nghe những chuyện cay cú của nó với đời... để chờ Vân. Những đứa trẻ trong khu nhà đi học về có con thằng Tự con chị Từ con mấy nhà trong sân. Những đứa trẻ ngày hôm nay no đủ hơn ấm áp hơn hồn nhiên hơn chạy đuổi nhau quanh gốc cây sót lại của cái sân rộng ngày xưa. Tự có vẻ dễ tính nhìn bọn trẻ rồi bảo hồi bé chả bao giờ được cười như chúng nó nhỉ.

Đúng lúc ấy Vân về. Đi xe máy to đùng Vân bỏ kính bỏ khăn bịt mặt mở cốp xe lấy cái túi Vân chào Phụng rõ to như là quen sơ sơ giờ gặp lại. Thằng Tự nói thay tôi gọi điện mới về đấy mọi hôm còn đi đến tối! Bao nhiêu nhọc nhằn đổ lên đầu Vân. Ông Sự chết ở đâu đó, nghe nói trong trại giờ đây Phụng không muốn nói với Vân cái buổi nghe ông Thứ xúi bẩy ai đó làm hồ sơ khống đẩy một người đi. Người đó nhất định là ông Sự. Ông Thứ đã thành tàn tật đầu óc rồi nói ra cũng có được gì nữa? Vân đang nói chuyện gì đó với thằng Tự. Phụng chỉ nghe Vân buông ra chữ: Rác rưởi ấy mà! Câu sau cũng: Rác rưởi!

Rồi nhìn Phụng, rồi đi ra đi vào và: Rác rưởi! Rác rưởi ấy mà! Lạy trời. Khéo Vân cũng “đi tìm” như ông Thứ bố chồng. Cái gì mà rác rưởi!

Phụng không ở lại ăn cơm. Thằng Tự mời Vân mời. Phụng đưa mấy thứ mỹ phẩm mua từ Bắc Mỹ cho Vân, đưa thằng Tự cái cà vạt và mấy hộp sô cô la cho ông Thứ cho lũ trẻ. Vân bảo cám ơn anh, thản nhiên cất quà thản nhiên bảo lũ trẻ: Rác rưởi mà chạy hết ra kia điếc tai quá.

Vân vẫn xinh đẹp mọi nét hoàn hảo từ khuôn mặt đến chiếc áo len Vân khoác trên vai nhưng cái vẻ thờ ơ thì Phụng không bao giờ hình dung lại có ở một người như Vân. Lạnh như nước đá nhìn xuyên suốt cũng chẳng thấy cái gì ngoài độ lạnh. Thôi tôi xin phép, mọi người đang chờ ở khách sạn có lẽ mai, mai tôi sẽ về ăn bữa cơm còn thắp hương cho bác gái cho anh chị Từ. Ông Thứ đã xuống đứng nghe mọi người nói ông cũng cười hơ hơ: Được rồi tìm thì cứ đến đó mà tìm bác cũng tìm đấy chả thấy thế có chán không?

Rác rưởi! Vân đứng lên như muốn chấm dứt mọi chuyện. Thằng Tự bảo để lấy xe đưa đi, đến khách sạn đó hơi xa! Thôi thôi tôi muốn đi bộ một chút. Hẹn mai nhé!

Phụng như chạy khỏi đám người quen thời thơ ấu thời chỉ có nước mắt hận thù. Nếu không có Vân ngày đó có lẽ không bao giờ Phụng quay lại. Phụng đi trong cái náo nhiệt buổi chiều mùa đông với tiếng xe máy với tiếng cười nói tiếng chao chát như báo hiệu kết thúc một cái gì. Khi chuẩn bị băng qua một ngã tư Phụng bị kéo giật phía sau lưng. Vân! Mới có độ hai mươi phút trước mặt Phụng bây giờ là một Vân khác cũng không phải Vân của thời đương bên nhau cạnh bể nước không phải Vân lạnh như băng với “rác rưởi” thường trực trên môi. Nhìn Vân lúc này Phụng chỉ muốn ào tới ôm siết vào lòng. Bé nhỏ, cô đơn với mắt nhòe nhoẹt nước, chắc là khóc từ ở nhà, Vân giơ tay chới với bảo anh quên bật lửa này! Tự bảo em mang ra cho anh. Chả hiểu sao cứ bắt em đem ra cho anh! Vân đưa bật lửa cho Phụng rồi như không thể gan góc được nữa òa lên khóc. Giữa phố đông giữa mắt nhìn tò mò giữa chiều lạnh giữa những gì như không còn cứu vớt được... Vân nức nở. Thổn thức chùi nước mắt nước mũi vào tay áo rồi nhìn ra ngã tư nơi người ta đi mà chả có ai liên quan đến mình. Phụng nhìn Vân khóc rồi thấy lại mẹ Vân chết trên rừng cha Vân suốt ngày không nói một tiếng vì sợ rồi cũng chết ở đâu đó thúng than ông đội kiếm tiền cũng bị đời cướp mất. Vân bơ vơ không thể dựa vào ai. Thôi, mình vào quán kia nói chuyện một chút đi!

- Không, em phải về. Thậm chí là về ngay!

- Thôi, Vân! Rủi ro ai cũng phải chịu mà. Anh xin lỗi!

- Em biết anh cũng chả làm gì được... Anh này! Cho em đi với anh. Tìm cách cho em đi với anh. Xa cũng được gần cũng được. Cho em đi với anh. Nhé! Đừng bỏ em nữa!

Phụng biết thừa là Vân nói vậy thôi. Đau quá thì nói vậy chứ đi sao được. Vân cũng có vẻ nói như vậy. Nói thế thôi. Nhưng nói ra thì nhẹ lòng còn hơn là câm lặng suốt bao năm...

L.M.K
Nguồn: laodong.com.vn







 

Các bài mới
Các bài đã đăng