Tạp chí Sông Hương -
Thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường"
08:24 | 09/07/2014

"Kết luận 48-KL/T.Ư Bộ Chính trị về "Xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020"; trong đó xác định, sớm xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Phóng viên (PV) Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí NGUYỄN NGỌC THIỆN (trong ảnh), Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Thừa Thiên - Huế về những thành tựu đạt được sau năm năm thực hiện Kết luận 48 và những giải pháp trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. 

Thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường"

PV: Xin đồng chí đánh giá khái quát những thành tựu đạt được của Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế sau năm năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị với không ít khó khăn, thử thách trên chặng đường xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư?

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Thiện: Sau năm năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của T.Ư Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành T.Ư, các địa phương trong cả nước; phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của vùng đất văn hiến, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2009 - 2013 đạt hơn 10,2%, cao hơn mức bình quân chung cả nước và tương đương với mức bình quân của vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 5.000 tỷ đồng/năm; GDP đầu người tăng gấp hơn 1,77 lần so với năm 2009; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 38,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: du lịch - dịch vụ chiếm 54%; công nghiệp chiếm 36%; nông nghiệp chiếm 10% trong GDP, tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng "tăng trưởng xanh" và kinh tế tri thức. Tỉnh cũng hoàn thành Chương trình xóa nhà ở tạm cho nhân dân hai huyện Nam Ðông, A Lưới và chương trình tái định cư dân vạn đò sông Hương, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với hơn 2.000 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn 6,5%.

Một trong những thành tựu cơ bản góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh là phát triển ngành du lịch, dịch vụ tập trung theo hướng khai thác các lợi thế của vùng đất văn hóa, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hơn 2,4 triệu lượt khách du lịch/năm, tăng gấp hai lần so với năm 2009; doanh thu du lịch tăng bình quân 19%/năm; trong đó tập trung khai thác thế mạnh về văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch để phát triển kinh tế, cùng với Ðà Nẵng trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung. Sản xuất công nghiệp ổn định, tăng trưởng bình quân 13,5%/năm. Nông nghiệp phát triển toàn diện và đa dạng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2009 - 2013 đạt gần 54.000 tỷ đồng (riêng năm 2013 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2009). Tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hệ thống giao thông đối ngoại, như: sân bay quốc tế Phú Bài, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 49A và 49B, các cửa khẩu quốc gia S3, S10, tạo động lực kết nối phát triển giữa Thừa Thiên - Huế với Ðà Nẵng, Quảng Trị và nước bạn Lào.

PV: Trong quá trình triển khai Kết luận 48, nhất là các chương trình, đề án của trung ương đã phê duyệt, Thừa Thiên - Huế đã gặp những khó khăn, hạn chế nào, thưa đồng chí?

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Thiện: Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu mang tính đột phá và có ý nghĩa trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; ngành du lịch - dịch vụ phát triển chưa ngang tầm tiềm năng, thế mạnh. Một số chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí nguồn lực hoặc bố trí chậm. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, bất cập so với vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa. Nguồn lực đầu tư các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch và phát triển Ðại học Huế còn hạn chế.

Nguyên nhân cơ bản thuộc về yếu tố khách quan là xuất phát điểm của kinh tế còn thấp, quy mô nhỏ; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiên tai thường xuyên gây ra hậu quả nặng nề. Về chủ quan, năng lực lãnh đạo của Ðảng bộ và quản lý, điều hành của chính quyền trong một số nội dung Kết luận 48-KL/T.Ư thiếu quyết liệt; chưa thường xuyên chủ động đề xuất với Bộ Chính trị, Chính phủ và phối hợp với các bộ, ban, ngành T.Ư giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong kết luận, cho nên một số đề án chưa được triển khai thực hiện hoặc đã triển khai nhưng tiến độ còn chậm.

PV: Năm 2014 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Vậy, xin đồng chí cho biết nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện thành công Kết luận 48 của Bộ Chính trị?

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Thiện: Mục tiêu cơ bản của tỉnh là xây dựng Thừa Thiên - Huế theo mô hình đô thị "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường"; phấn đấu đến năm 2020, xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước và khu vực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng được nâng cao rõ rệt, ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Nhiệm vụ và những giải pháp cơ bản của tỉnh là ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ gắn với xây dựng và chỉnh trang đô thị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức. Khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, thế mạnh của trung tâm văn hóa, du lịch. Xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN. Phát triển nhanh các dịch vụ có thế mạnh như: y tế, văn hóa - du lịch, giáo dục - đào tạo, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm. Xây dựng, phát triển Ðại học Huế thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của quốc gia và ngang tầm với các trường đại học trong khu vực; từng bước hình thành đại học quốc tế. Phát huy thế mạnh về y tế, xây dựng Bệnh viện T.Ư Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp, cùng với Trường đại học Y Dược Huế trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Gắn kết và phát huy vai trò của Ðại học Huế, Trung tâm Y tế chuyên sâu, các viện nghiên cứu trên địa bàn trong thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh, thành phố trong nước.

 

Nguồn Nhân dân

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng