Tạp chí Sông Hương -
Ngày dân số thế giới 11/7: Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
08:47 | 11/07/2014

Hôm nay là Ngày Dân số Thế giới - ngày để chúng ta nhìn nhận những vấn đề liên quan tới dân số toàn cầu. Trong vô vàn những vấn đề trọng đại, nghèo đói là một vấn đề gây nhức nhối nhất.

Ngày dân số thế giới 11/7: Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
Lời tựa của cuốn sách ảnh: “Sự bất công trong điều kiện sống của con người chỉ có thể được sửa chữa, khi con người ở khắp mọi nơi đều quan tâm đến nó”.

Hơn một tỉ người trên khắp thế giới, nghĩa là cứ khoảng 6 người thì có 1 người trên trái đất này, chỉ kiếm được chưa tới 1 đô la/ngày (tức khoảng 20.000 đồng).

Thống kê gây sửng sốt này đã đưa tới một chiến dịch toàn cầu có tên gọi Forgotten International (tạm dịch: Thế giới bị lãng quên), trong đó, sự cách biệt giàu nghèo được khắc họa rõ nét. Đây là một chiến dịch từ thiện nhằm hy vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với sự nghèo đói, để từ đó giảm bớt phần nào sự nghèo khổ còn đang hiện hữu trên hành tinh này.

Chiến dịch đã cho ra đời cuốn sách ảnh mang tiêu đề “Living on a Dollar a Day: The Lives and Faces of the World's Poor” (Sống bằng một đô la mỗi ngày: Những cuộc đời và chân dung nghèo khó). Nhân vật chính xuất hiện trong các bức ảnh này là những người nghèo, cuộc sống của họ có thể được miêu tả là “ăn bữa nay, lo bữa mai”, “giật gấu vá vai”…

Những người tình nguyện tham gia vào chiến dịch “Thế giới bị quên lãng” đã đi đến khắp các lục địa để thực hiện hàng ngàn bức ảnh ghi lại thực trạng cuộc sống nghèo khổ của 1/6 dân số thế giới.

Chiến dịch phi lợi nhuận này cũng đồng thời gây quỹ để có thêm kinh phí thực hiện một bộ phim tài liệu cùng tên, nhằm khắc họa chân dung sự nghèo đói đang hiện diện trên thế giới này.
 

Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
 

Em Alvaro Kalancha Quispe, 9 tuổi, hàng ngày đưa đàn gia súc của gia đình ra cánh đồng cỏ gần nhà để chúng không bị đói trong suốt cả ngày. Sau đó, em chạy một mạch tới trường học. Đến tối, em lại ra đồng cỏ lùa đàn gia súc về.

Nhà em ở dãy núi Akamani thuộc đất nước Bolivia. Ở vùng cao nguyên này, người ta sống khá cô lập, không có điện, nước lấy từ suối, đời sống rất khó khăn, thu nhập dựa vào đàn gia súc. Mỗi năm, trung bình mỗi hộ gia đình kiếm được khoảng 200 đô la.

Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
 

Ở thành phố Bucharest, Romania, có những người nghèo chuyên sống dưới lòng đất, nơi có những đường ống dẫn khí đốt được đặt ngầm dưới đó. Họ sống, sinh hoạt trong ánh nến tù mù.

Trong ảnh là anh Hora Florin, 28 tuổi, một thanh niên sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không nhà cửa, không người thân thích, anh sống trong một “căn hộ” ngầm, nơi có đường ống dẫn khí đốt chạy qua, để có thể hưởng phần nào hơi ấm tỏa ra từ đường ống dẫn mỗi khi đêm xuống.

Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
 

Cô bé 4 tuổi Ana-Maria Tudor ở thành phố Bucharest, Romania có lẽ chưa thể hiểu được hoàn cảnh khốn cùng mà gia đình em đang gặp phải. Cả nhà em sắp bị đuổi ra khỏi căn hộ đi thuê, sau nhiều tháng không thể chi trả nổi tiền thuê.

Cha em - trụ cột chính trong nhà - sau khi thực hiện một ca phẫu thuật, đã bị nhiễm trùng, sức khỏe suy yếu, không còn khả năng lao động. Gia đình em thuê một căn phòng không có phòng tắm, không có nước, nhưng ngay cả căn phòng này, họ cũng sắp không đủ khả năng thuê nữa.

Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
 

Tại một bãi rác thải điện tử độc hại ở Châu Phi. Cô bé Fati, 8 tuổi, đang làm việc cùng với những đứa trẻ khác để tìm kiếm những gì có thể nhặt nhạnh từ bãi rác chết người này. Công việc vất vả này mỗi ngày chỉ đem lại một số tiền ít ỏi để các em phụ giúp thêm cho gia đình.

Những bãi rác thải điện tử như thế này rất có hại đối với sức khỏe con người. Cô bé Fati trong ảnh hiện vẫn chưa thể phục hồi sức khỏe sau trận sốt rét mà em đã trải qua cách đây vài năm. Di chứng của nó còn lại tới tận hôm nay. Tuy vậy, dù ốm mệt thế nào, ngày nào em cũng phải ra bãi rác để nhặt nhạnh kiếm sống.

Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
 

Cậu bé Vishal Singh, 6 tuổi, chịu trách nhiệm trông nom cô em gái trong khi cha mẹ đi làm xa. Em sống trong khu ổ chuột Kussum Pahari ở thành phố Delhi, Ấn Độ. Thường Vishal cũng phải đi làm kiếm thêm, trong những giờ rảnh rỗi, em cùng các bạn tham gia vào một lớp học xóa mù chữ dành cho trẻ em nghèo.

Lớp học được mở ra trong khoảnh sân chung của khu ổ chuột. Lớp nghèo tới mức không có sách vở, thầy trò phải học và làm bài bằng phấn và bảng. Lớp học ngoài trời này có tới gần 600 em nhỏ tham gia.

Cuộc sống của những con người không kiếm nổi 1 đô la mỗi ngày
 

Trẻ em sinh ra trong những gia đình nghèo khó thường phải lao động từ sớm để phụ giúp thêm gia đình. Nhiều khi, vì hoàn cảnh, các em buộc phải bỏ học giữa chừng để có thể góp sức vào công cuộc mưu sinh của cả nhà.

Cậu bé Ninankor Gmafu, 6 tuổi, ở Ghana đã phải bỏ học để giúp cha chăm nom đàn bò. Em vẫn ao ước được đi học trở lại nhưng thời gian cứ trôi đi mà vẫn chưa có điều kỳ diệu nào xảy ra để em có thể quay trở lại trường học.

Những hình ảnh trên đây thật đáng buồn. Khi nhìn thấy những hình ảnh này, có lẽ đa số chúng ta sẽ thầm cảm thấy biết ơn vì cuộc sống của mình khá khác biệt so với những gì vừa thấy. Những cuộc đời này, những con người này, khác chúng ta khá nhiều. Đúng thế và cũng không phải thế!

Chúng ta biết rằng con người sống đều có mưu cầu đối với những thứ cơ bản giống nhau: cái căn, cái mặc, nhà ở, giáo dục, y tế… Nhưng làm sao có thể có được những điều đó, nếu tất cả những gì ta có chỉ là…1 đô la mỗi ngày?

Thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, điều mà chúng ta thu được, sẽ là: cứ 6 người trên thế giới này sẽ có 1 người kiếm được chưa tới 1 đô la/ngày. Đó chính là sự đói nghèo - một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng nghèo đói cũng là một vấn đề mang tính cá nhân… Giúp đỡ để thay đổi cuộc sống của một con người, một gia đình, hay một ngôi làng… là điều hoàn toàn có thể.

Không có gì khiến bạn hạnh phúc hơn khi được giúp đỡ người khác! Đó là câu chuyện xúc động nhất, cùng nhau, chúng ta hãy kể tiếp câu chuyện đó…

Nguồn: Bích Ngọc (Theo Huff Post) - Dân Trí

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng