Tạp chí Sông Hương -
Đi tìm hình ảnh Hà Nội đương đại
09:12 | 15/07/2014

Đi tìm hình ảnh người Hà Nội đương đại là mục tiêu của dự án văn hóa Humans of Hanoi (Người Hà Nội) của nhóm Freely, dựa trên ý tưởng từ Humans of New York. Trong khuôn khổ dự án này, buổi trò chuyện Hà Nội là Hà Nội đã diễn ra tối 12/3 tại phòng trưng bày thời trang Chula, Hà Nội.

Đi tìm hình ảnh Hà Nội đương đại
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến và nhà văn Nguyễn Trương Quý sau buổi nói chuyện

Hà Nội có bún mắng cháo chửi, cướp hoa, chụp ảnh bán nude ở hồ sen... nếu chỉ nhìn vào những chủ đề nóng và tiêu cực trong đời sống và trên truyền thông. Nhưng tại sao vùng đất này vẫn hấp dẫn người tài?

Khách mời của buổi trò chuyện là nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - chủ quán ăn mô phỏng thời bao cấp nổi tiếng tại Hà Nội và nhà văn Nguyễn Trương Quý - tác giả của nhiều cuốn sách viết về văn hóa Hà Nội, trong đó có cuốn Hà Nội là Hà Nội. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến từng được trao giải Bùi Xuân Phái của báo Thể thao & Văn hóa năm 2012.

Quyến rũ và khó nắm bắt

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nhắc lại những quan niệm cũ khi đi tìm tính cách tiêu biểu của người Hà Nội đương đại (hiểu theo nghĩa rộng là người sống ở Hà Nội chứ không chỉ là người Hà Nội gốc). “GS Trần Quốc Vượng từng nói 4 ý tổng quát: người Hà Nội ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch. Nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng cốt lõi văn hóa của Hà Nội là văn hóa đô thị, có phần đúng, có phần chưa đúng”.

Còn một ý khác mà các nhà báo chưa nhắc đến, đó là ý của nhà văn Tô Hoài: “Hà Nội do dân tứ phương lập lên... Muốn hiểu tính cách người Hà Nội, ta phải tìm hiểu tính cách người Việt Nam và tính cách người thành thị thì mới rút ra được tính cách người Hà Nội” (theo lời kể của nhà thơ Trần Đăng Khoa).

Tại sao Hà Nội thường là chủ đề trung tâm về văn hóa trên mặt báo? Câu trả lời nằm ở tính “tứ phương” đó. Nơi đây là ngã tư văn hóa, mang đặc trưng của nhiều vùng miền. Các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong đó có những talkshow (các buổi trò chuyện) như Hà Nội là Hà Nội được tổ chức dày đặc tạo nên đời sống văn hóa sôi động.

Như nhà văn Nguyễn Trương Quý nói: “Hà Nội là nơi khơi dậy tiềm năng nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ chỉ là hạng 2, hạng 3 ở địa phương của họ nhưng khi đến Hà Nội, tài năng thăng hoa như cá gặp nước. Không thể phủ nhận được người Hà Nội có gu thẩm mỹ, gu thưởng thức nghệ thuật và chất huê tình quyến rũ”.

Thêm vào đó, Hà Nội có thể tự hào khi là chủ đề nghiên cứu hấp dẫn. “Người Pháp viết về Hà Nội còn nhiều hơn người Hà Nội tự viết về thành phố của mình” - Nguyễn Ngọc Tiến nói. Anh nêu tên cuốn sách tiêu biểuLịch sử Hà Nội của nhà sử học người Pháp Philippe Papin - tài liệu mà giới trẻ nên tìm đọc nếu muốn biết Hà Nội ngày nay có đánh mất vẻ đẹp xưa hay không?”.

Luôn đầy ắp “giai thoại vỉa hè”

Buổi trò chuyện nhắc lại Hà Nội trong nhạc Trịnh Công Sơn với “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”. Điều đó khiến cả diễn giả lẫn khán giả chìm trong không khí hoài cổ. Nhưng một vùng đất luôn luôn biến chuyển như thủ đô, nó cần những đặc trưng mới mẻ hơn, thậm chí là thay da đổi thịt.

Nói cách khác là những đặc trưng của Hà Nội đương đại - thứ mà dự ánHumans of Hanoi đang cố gắng dựng lên. Ngày nay, những thông tin về Hà Nội được báo chí và mạng xã hội chia sẻ - chuyện bún mắng cháo chửi, chuyện cướp hoa xấu xí mỗi lần lễ hội, chuyện giới trẻ đua nhau chụp bán khỏa thân bên hoa sen Hồ Tây...

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng: “Bún mắng, cháo chửi theo tôi biết là có mỗi một nhà hàng ở Hà Nội làm như vậy. Trong khi đó, những bức ảnh chụp hoa sen theo tôi là không có gì đáng chê trách, trong khi những tờ báo chỉ trích lại thường xuyên đăng những hình ảnh phản cảm hơn rất nhiều. Về văn hóa của người Hà Nội mới, tôi lạc quan hơn nhiều so với hiện trạng mà báo chí phản ánh”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý gọi đó là các “giai thoại vỉa hè, thứ thời nào cũng có”, nhưng “nếu có kiến thức thì hoàn toàn có thể tỉnh táo suy xét chứ không hùa theo đám đông chỉ trích”.

Buổi trò chuyện chưa gọi tên được những đặc trưng mới của Hà Nội đương đại, nhưng cũng như dự án Humans of Hanoi, những đặc trưng đó vẫn đang thành hình. Đúng như lời nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, đó là một đề tài “có thể làm luận án tiến sĩ”, chứ không phải một câu hỏi nhỏ cho một cuộc giao lưu thân mật.

Theo Mi Ly - Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng