Tạp chí Sông Hương -
Tô Hoài - Giữa sự viết và hư vô
08:27 | 21/07/2014

Người ta vẫn nói Tô Hoài là “nhà văn của thiếu nhi”. Hình như chưa ai gọi ông là “nhà văn của tuổi già”. Cho dù giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông – cũng là giai đoạn khiến Tô Hoài trở thành “sự kiện” của đời sống văn học đương đại chứ không chỉ là sự nối dài những gì đã định hình tên tuổi ông từ quá khứ - sáng tác của ông thường xoay quanh một hình tượng người kể chuyện từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều thăng trầm của đời sống, giờ đây ngồi nhớ lại, ngẫm lại, viết lại quá khứ, không phải nhằm dạy dỗ, khuyên nhủ gì ai, mà chỉ vì muốn lưu giữ và thú nhận.

Tô Hoài - Giữa sự viết và hư vô
Tôi muốn nói về Tô Hoài bắt đầu từ một truyện ngắn ít được biết đến của ông – truyện ngắn “Tình buồn” được ông viết năm 1993. Với tôi, đây là một truyện ngắn cảm động. Nhân vật chính của câu chuyện là bà cụ Tứ, già sinh lẫn, nói trước quên sau, đám con cháu trong nhà phải cố gắng nhẫn nhịn chịu đựng. Thế nhưng trong mấy ngày cuối đời, bà lão lẩn thẩn trước đó còn khiến mấy đứa cháu trêu cười vì dở chứng hay ăn vụng trong bếp bỗng nhiên trở nên tỉnh táo, minh mẫn lạ thường. Bà lão sai con trai cả sang làng bên kia sông tìm một ông lão mà chỉ đến khi ấy, anh con trai mới biết ông lão kia từng là người yêu của mẹ mình. Chỉ đến khi ấy, đám con cháu trong nhà mới biết mẹ mình có một quá khứ gai góc thế nào. Thời còn con gái, bà cụ Tứ từng bất chấp sự can ngăn, thậm chí đòn đánh của cha mẹ, yêu một người con trai có địa vị thấp hơn, đến mức muốn hai người cùng nhảy xuống sông mà chết nếu không đến được với nhau. Người con trai bà yêu có nhiều lý do để không quyết định như thế. Trước ngày bị ép gả cho người khác, bà cụ Tứ bỏ làng đi. Rồi lấy một người khác, sống đời âm thầm, tránh tiếp xúc tối đa với thiên hạ, chỉ quanh quẩn làm lụng nơi ruộng vườn. Rồi già cả, khó tính, lẩm cẩm, mất trí nhớ. Chỉ riêng một điều duy nhất đã không tuột khỏi trí nhớ của bà: bà muốn gặp lại người đàn ông mình đã từng yêu năm nào chỉ để nói một lời xin lỗi. Xin lỗi vì đã chẳng hiểu nổi những éo le của ông khi ấy, khi quyết bỏ đi biệt chẳng để lại lời nào cho ông. Chỉ khi nói xong lời xin lỗi ấy, bà mới có thể nhắm mắt.

Nhân vật trong truyện ngắn ấy của Tô Hoài vừa đáng thương, vừa đáng trách nhưng đồng thời cũng vừa rất đáng trọng. Sự thấu đáo trong cái nhìn của Tô Hoài về con người có lẽ cũng là ở chỗ đó: ông thấy mình, thấy nhân vật của mình loay hoay một cách khốn khổ mà cũng buồn cười trong cõi đời lắm mối nhùng nhằng. Tôi thuộc lứa hậu sinh, tôi biết Tô Hoài trước tiên ở cái phần hồn hậu, trong sáng trong những truyện đồng thoại viết cho trẻ thơ, tôi không trải nghiệm một giai đoạn lịch sử văn học phức tạp với nhiều phép thử rất nghiệt ngã đối với nhân cách và văn cách của các nghệ sĩ để có thể xác nhận Tô Hoài là một người khôn ngoan, khéo léo, do đó, giữ được cho mình một vị thế yên ổn, vững vàng. Khi đọc truyện ngắn “Tình buồn”, tôi thấy ở ông một cái nhìn độ lượng, chân tình về con người. Sự độ lượng, chân tình ấy cũng là cảm giác tôi có được khi đọc những Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác – những dấu mốc văn chương quan trọng cuối đời của ông. Đó là sự độ lượng, chân tình mà văn chương nên có, cần phải có để hiểu được con người thay vì chỉ chăm chắm phán xét, kết luận về nó. Văn chương khác với đạo đức và cũng mạnh hơn đạo đức cũng chỉ là ở khi nó thoái thác phán xét mà thay vào đó, cố gắng ghi lại, cố gắng lắng nghe những nỗi cắc cớ, oái oăm của những tình thế nhân sinh.

Bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Tình buồn” vào lúc cận kề với cái chết hơn bao giờ hết bỗng trở nên quyết liệt như chính mình thời con gái, khi phải nói bằng được lời xin lỗi với người đàn ông mình đã từng yêu vì hồi đó đã chưa biết thông cảm hết cho ông, chưa thấu hiểu được ông. Tôi cứ muốn nghĩ nỗi day dứt, nỗi khẩn thiết cần phải thành thật của nhân vật trong câu chuyện như là ẩn dụ về động cơ sáng tác của chính Tô Hoài ở giai đoạn cuối đời văn. Tuổi già khiến con người có một cảm nhận rõ rệt về sức mạnh của hư vô. Nó im lặng và lạnh lùng, nó gặm nhấm ký ức cá nhân, làm rơi rụng ngôn ngữ, nó từ từ đồng hóa những tự sự nhỏ, những lịch sử nhỏ vào một lịch sử lớn duy nhất, đông đặc. Chính trong điều kiện giáp mặt với hư vô ấy, sự viết thực sự trở thành sức mạnh bởi viết tức là làm hiện hữu, viết là phá bỏ một lịch sử đơn nhất và đơn trị. Một bộ phận đáng kể của văn chương Việt Nam đương đại chính là những tự thuật, tự thú cuối đời của các nhà văn như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Bùi Ngọc Tấn..., đương nhiên trong đó có Tô Hoài. Có lẽ không nên quá nghiệt ngã khi chất vấn: tại sao chỉ đến lúc đó, lúc tiệm cận với hư vô, những câu chuyện như thế, những tự thú như thế mới được viết ra? Sự thật, nhất là từ những trải nghiệm cá nhân, khi được nói lên luôn đáng trân trọng và có lẽ không bao giờ là quá muộn. Đối mặt với hư vô – cái thứ câm lặng vô hình mênh mông ấy – thực ra cần nhiều can đảm để viết hơn người ta nghĩ. Lời của con người sẽ còn lại, độc lập với tiếng nói của thứ lịch sử luôn muốn lợi dụng khả năng hư vô hóa của thời gian để bảo tồn tính đơn nhất của nó. Chúng ta sẽ biết được gì ngoài thứ lịch sử đơn nhất ấy nếu như không có những lời tự thú, tự thuật kia?

Trong nhiều bài viết nói về kinh nghiệm viết văn, Tô Hoài hay nhắc đến tầm quan trọng của việc ghi nhớ, quan sát và bản thân ông cũng thường được nhắc đến như một mẫu mực của tài ghi nhớ và quan sát trong các tài liệu bàn về quá trình sáng tạo của nhà văn. Sự phong phú của kho ký ức vừa là ưu thế nhưng cũng vừa là trách nhiệm đối với nhà văn, nhất là khi hư vô mỗi lúc lại lừng lững hiện lên muốn phủ trùm lên ký ức. Bản thân nhan đề những tác phẩm của ông như Chuyện để quên, Chiều chiều, Cát bụi chân ai... đã bàng bạc một nỗi ám ảnh về hư vô. Kho ký ức của Tô Hoài chất chồng những mẩu chuyện nhỏ, những chi tiết có vẻ như lặt vặt, những quan sát tinh quái mà thật may ông đã không để lịch sử lớn quét chúng đi, để hư vô kịp khỏa lấp chúng. Những lịch sử nhỏ được Tô Hoài kể lại bằng một phong cách mang hơi hướng giai thoại và cái duyên trong cách kể chuyện của Tô Hoài, một phần quan trọng, nằm ở lối giai thoại này. Lối kể chuyện giai thoại tự nó đã gợi ra tính phi đơn nhất của lịch sử, nó cho thấy có thể có những sự thật khác nằm ở phía ngoài lề, ngoài dòng chính. Viết những lịch sử nhỏ ấy, Tô Hoài biến ký ức cá nhân của mình thành một ký ức công cộng, nơi đó, hư vô có thể phải dừng lại.

Giai đoạn cuối trong đời văn, Tô Hoài chủ yếu chỉ viết về “chuyện cũ”. Điều đó thiết tưởng không khó hiểu vì đối với người già, ký ức nhiều khi là phần giàu có nhất. Những chuyện cũ được làm sống dậy với những lớp ngôn từ mang đầy chứng tích, dấu vết của thời đại. Trên phương diện này, văn của Tô Hoài có thể xem như một bảo tàng lịch sử của chữ, nơi đó, ngay cả những chữ thô tháp, dân dã nhất của đời thường cũng được lưu giữ. Đọc Ba người khác, những lứa hậu sinh như chúng tôi có thể thấy được ngôn ngữ một thời bày ra trò chơi làm người ta khốn đốn như thế nào. Đọc Chuyện cũ Hà Nội, chúng tôi, những kẻ hậu sinh, biết được một đời sống ngôn ngữ sống động của người dân ngoại ô với những tiếng lóng, tiếng bồi, từ chỉ nghề nghiệp, từ chỉ bánh trái, thức ăn, trang phục... Ngôn ngữ Tô Hoài không hướng đến sự cầu kỳ, sang trọng với những phép tu từ duy mỹ kiểu Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Ông nghiêng về chăm chú lắng nghe, nâng niu lời ăn tiếng nói của những con người bình dân trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hà Nội trong văn Tô Hoài không lấp lánh ánh sáng kinh kỳ, cũng không “nghèo mà sang”. Đó là một Hà Nội lầm than, lấm láp, chịu thương chịu khó với những con người ven đô bụi bặm, chân chất. Nhưng chính ở họ, từ quan sát của Tô Hoài, ta lại thấy được những tình cảm đạo đức rất tự nhiên hình thành giữa con người với con người. Đấy cũng là điều cần phải bảo lưu, không phải chỉ trên trang sách.

Tô Hoài viết để làm chúng ta nhớ. Khi sự hư vô xâm lấn mạnh mẽ vào đời sống ở mọi phương diện, chẳng đợi đến tuổi già người ta mới thấm thía, nhớ có lẽ cũng là một cách kháng cự.

Nguồn: Trần Ngọc Hiếu - Tia Sáng
 
 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng