Tạp chí Sông Hương -
Thức dậy làng nghề dệt thổ cẩm
14:24 | 21/07/2014

A Lưới là huyện miền núi phía tây dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở đây, gần 75% số dân là đồng bào dân tộc Tà Ôi, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Khi con đường lên A Lưới được đầu tư xây dựng giúp bà con đi lại thuận tiện, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở đây có cơ hội phát triển, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Thức dậy làng nghề dệt thổ cẩm
Phụ nữ Tà Ôi gắn bó và phát huy nghề dệt truyền thống.

Ðối với người Tà Ôi, vải thổ cẩm (gọi là zèng) được xem là sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Có một thời, nghề truyền thống này bị xem là phương thức sản xuất lạc hậu, chỉ phục vụ cho nhu cầu may mặc của người dân địa phương, không được khuyến khích và chú ý bảo tồn. Một bộ phận người dân A Lưới vẫn giữ phong tục sử dụng sản phẩm dệt zèng như áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... nhưng chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình.Từ ngày tuyến đường lên A Lưới được đầu tư mở rộng, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa, người dân Tà Ôi tìm cách tiêu thụ sản phẩm từ nghề dệt zèng đưa ra các tỉnh lân cận. Huyện xây dựng chương trình lập dự án khôi phục nghề dệt zèng ở các xã Hương Lâm, A Ðớt, Nhâm, thị trấn A Lưới và A Roàng. Ngoài ra, dự án phát triển du lịch Mê Công tại Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Công ty Ella Viet tiến hành các hoạt động tư vấn thiết kế mẫu theo nhu cầu thị trường, hướng dẫn thợ dệt tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm. Kể từ đó, hầu như nhà nào ở các xã này cũng trở lại với nghề dệt zèng.

Chị Kăn Tranh ở xã A Roàng cho biết: "Mỗi tháng gia đình mình làm được 20 tấm vải zèng, trung bình một tấm bán 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng. Mình quyết tâm làm giàu từ zèng đến độ thế chấp cả ngôi nhà để vay được tiền mua nguyên liệu dự trữ. Một năm hai lần, chồng mình lại gùi zèng vào Quảng Nam, Ðà Nẵng bán, một chuyến thu về cả chục triệu đồng. Rất nhiều gia đình ở đây nhờ dệt zèng nên không còn đói nghèo, làm được nhà, nuôi các con ăn học đàng hoàng". Nhờ có nhu cầu của thị trường cho nên các sản phẩm làm từ zèng trở thành hàng hóa "bán chạy", đáp ứng cuộc sống bà con.

Hiện ở huyện miền núi A Lưới đã có ba tổ hợp dệt zèng được thành lập ở các xã Phú Vinh, A Ðớt và thị trấn A Lưới, với gần 100 phụ nữ tham gia. Ðồng bào các dân tộc Cà Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy trên địa bàn A Lưới cũng đang học hỏi, phát triển nghề dệt zèng. Ngoài bán cho các địa phương truyền thống như Nam Ðông (Thừa Thiên - Huế), Ðông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Hướng Hóa, Ðakrông (Quảng Trị)..., sản phẩm zèng của A Lưới đã và đang được xuất khẩu thường xuyên ra nước ngoài theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm mà khách du lịch trong và ngoài nước muốn dừng chân để tham quan, mua sản phẩm khi đến A Lưới. Anh Nguyễn Văn Bình, du khách ở TP Hồ Chí Minh thích sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi, bởi lẽ, "các công đoạn sản xuất thủ công truyền thống kết hợp yếu tố hiện đại, bắt mắt nhưng đậm nét văn hóa của dân tộc. Mỗi tấm zèng là một tác phẩm văn hóa, nghệ thuật hoàn chỉnh với những hoa văn trang nhã, phong phú và tinh xảo", anh Bình bày tỏ.

Sở dĩ zèng của A Lưới được tiêu thụ mạnh là nhờ chất lượng tốt và mang tính sáng tạo rất cao. Thổ cẩm gắn các họa tiết gam mầu đỏ, trắng, vàng, đen, xanh lá cây. Ðể dệt được những chiếc zèng vừa dài, vừa đẹp, rực rỡ hoa văn, thổ cẩm đòi hỏi người dệt phải yêu nghề, cẩn thận, tỉ mỉ theo từng sợi vải, hạt cườm.

Nét độc đáo và riêng biệt của dệt zèng là người dệt sẽ đưa cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì đính kết lên. Ðây là cách tạo hoa văn duy nhất bằng cườm, không tạo hoa văn bằng chỉ màu như dệt thổ cẩm ở các nơi khác. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, tư vấn thiết kế zèng cho biết: "Chúng tôi cố gắng giữ lại màu sắc, hoa văn để các sản phẩm giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm được dùng sợi làm bằng tre và nhuộm gần như thủ công để tạo mầu sắc đỏ chu, đen chàm ngày xưa và hoàn toàn không dùng màu công nghiệp".

Mục tiêu của huyện A Lưới là xây dựng các dự án duy trì nghề thổ cẩm, phát huy giá trị văn hóa và phát triển kinh tế hộ gia đình. Ðây cũng là một trong những cách đáp ứng được nguyện vọng của nhiều phụ nữ muốn thoát nghèo bằng chính nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi. A Lưới cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường hàng hóa cho những người làm nghề dệt zèng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của đời sống xã hội, nghề dệt zèng của người Tà Ôi vẫn tồn tại đến ngày nay, góp phần đưa nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng phát triển.

Theo NDO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng