Tạp chí Sông Hương -
Vì sao ngựa sắt vẫn ngự ở đền Phù Đổng?
09:19 | 22/07/2014

Gần một năm sau khi ngựa sắt đi kèm bộ áo giáp, roi sắt được cung tiến và tự ý đưa vào đền Phù Đổng, đến nay số hiện vật này vẫn ngự tại đền Phù Đổng (Gia Lâm).

Vì sao ngựa sắt vẫn ngự ở đền Phù Đổng?
Ngựa nặng hơn hai tấn vẫn ở trong khu vực 1 của di tích đền Phù Đổng. Ảnh: T.Toan
“Khát” hiện vật

Ba năm sau khi UNESCO công nhận lễ hội Gióng ở đền Phủ Đổng và đền Sóc là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, khu di tích đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Khu đền nằm bên trong đê sông Đuống, được xây dựng từ thời Lý, qua nhiều lần trùng tu, vẫn giữ được nét cổ kính với phong cách kiến trúc thời Lê.

Chúng tôi về đền Phù Đổng, thấy ngựa chiến cao lớn ngự phía sau khu nhà ba gian, nằm bên phải từ cổng đền vào. Đây là ngựa đồng, có pha sắt, nặng khoảng hơn hai tấn, có phần lạc lõng so với khung cảnh rêu phong của khu di tích. Bộ giáp, roi sắt được thờ trong Cung Đức Thánh Gióng.

Theo Luật Di sản, muốn đưa hiện vật vào di tích phải có sự đồng thuận của cơ quan quản lí văn hóa. Tuy nhiên, sự tiếp nhận được thực hiện một cách hồn nhiên. Ông Đinh Minh Tỉnh, Phó BQL khu di tích đền Phù Đổng nói: “Người ta cung tiến, nếu không nhận, hoặc chờ xin phép thì họ mang đi nơi khác. Xin ý kiến các cụ, các cụ bảo đưa ngựa về Phù Đổng là chính gốc rồi. Cái này còn phải trách trung ương, từ các triều đại phong kiến đến nay chưa mang ngựa sắt về đây là thiếu sót”.

Được biết, khi đưa ngựa vào đền, phía cung tiến phải dùng cẩu cao 15m, đưa qua tường, qua cây đại để vào sân trước. Sau khi nhiều ý kiến phản ứng, BQL dịch chuyển ngựa về vị trí hiện tại, có hương án ngoài trời. “Chúng tôi thừa nhận, lúc tiếp nhận (22/10/2013) chỉ báo cáo miệng, chưa báo cáo bằng văn bản. Đó là thiếu sót”, ông Tỉnh phân trần. Trưởng BQL di tích này là lãnh đạo xã Phù Đổng.

Ông Tỉnh nói thêm, hiện vật ở đền Phù Đổng trước nay ít, thậm chí thất thoát do chiến tranh, trộm cắp. Đôi chum do bà Đặng Thị Huệ (vợ chúa Trịnh Sâm) cung tiến, dùng trong dịp hội cũng mất dần từng chiếc. Gần đây lại mất một chiếc đỉnh nhỏ. 

“Chúng tôi cho rằng ngựa sắt đưa về Phù Đổng không thể coi là vật lạ được. Mang ngựa sắt về Phù Đổng là hợp lí, đúng truyền thuyết. Bảo tồn không phải bảo thủ, phải phát huy chứ. Đây là vật quý, chứ sao gọi vật lạ”, ông nói.

Hà Nội không vội được đâu?

Từ đền Phù Đổng, chúng tôi ngược về Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) huyện Gia Lâm. Vài tháng trôi qua, ngựa sắt vẫn chưa được di chuyển khỏi đền Phù Đổng?

Trưởng phòng VHTT Vũ Thị Hải Yến cho biết: “Phòng tham mưu cho UBND huyện, kịp thời có công văn gửi Sở VHTT&DL Hà Nội từ tháng 3, gần đây là tháng 6 về việc tiếp nhận hiện vật ở đền Phù Đổng. Sở cũng có ý kiến tại công văn ngày 2/7.

Sở đề nghị UBND huyện lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn di tích về việc trên. Chúng tôi làm bài bản, từng bước, chứ không thể chuyển ra ngoài ngay”. “Hà Nội không vội được đâu”, một vị quản lí của Gia Lâm nói.

Bà Yến phân trần, người dân Phù Đổng quá mong muốn có ngựa thiêng theo đúng truyền thuyết, nên khi có người cung tiến vật trị giá cả tỷ đồng, họ chấp nhận ngay. “Nếu huyện, xã có tiền thì chúng tôi làm từ đầu đến cuối, chứ không đến nỗi đặt các nhà quản lí trước sự đã rồi. 

Người dân Phù Đổng nghèo, khu di tích đền Phù Đổng lâu nay ít được quan tâm. Người ta chỉ biết nhiều đến đền Sóc”, bà nói. Suốt buổi sáng có mặt tại đền Phù Đổng, chúng tôi thấy chỉ vài người dân ra đền. Mấy cụ trong ban khánh tiết cho biết, khách du lịch thưa vắng, đông nhất dịp hội Gióng tháng tư âm lịch.

Mới đây trong cuộc họp sơ kết 6 tháng ở Bộ VHTT&DL, đại diện Thanh tra nêu hiện tượng nhiều BQL di tích tự ý đưa hiện vật lạ vào, khiến các nhà quản lí đau đầu. Thanh tra Bộ cũng xem việc xử lí hiện vật lạ tại di tích là nhiệm vụ quan trọng.

“Theo tôi, mỗi cá nhân khi đưa hiện vật vào di tích nên hỏi ý kiến của cơ quan quản lý văn hóa, để biết cái gì thiếu và bổ sung cái gì”, GS. Trần Lâm Biền nói. Ông cho biết, Sở mời sang để đánh giá xem có “chữa” ngựa này thành ngựa thiêng được không. “Theo tôi, không có cách nào ngoài chuyển hiện vật ra khỏi di tích. Về mỹ thuật của con ngựa, không đủ tư cách làm ngựa thiêng”, ông nói.

Không riêng GS. Trần Lâm Biền, nhiều chuyên gia văn hóa khác, như PGS.TS Nguyễn Văn Huy từng phản ứng. Bởi lịch sử, di tích luôn có giá trị biểu tượng, chứ không phải làm ngựa to đùng, nặng hơn hai tấn đem đặt ở đó là trở thành ngựa thiêng.

“Ngựa của đền Phù Đổng phải là biểu tượng của mặt trời, cõng ánh sáng linh thiêng của trời đất. Nhưng con ngựa đem cung tiến vừa qua được coi như con ngựa cưỡi tầm thường. Cá nhân cung tiến con ngựa cho rằng tham khảo ngựa ở đền Bạch Mã. Tôi khẳng định con ngựa đền Bạch Mã cũng sai ý nghĩa của truyền thuyết. Ngựa của đền Bạch Mã là biểu tượng của mặt trời nhưng khi làm thì lại không ra ý nghĩa ấy. Bộ áo giáp là nghệ thuật thời gian gần đây”, GS. Trần Lâm Biền nói.
 

Ông Trương Minh Tiến, Phó GĐ Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, hiện Sở nhận được báo cáo của huyện, sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội.

Sở tổ chức cuộc hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa? “Chúng tôi đang tham khảo ý kiến của Cục Di sản Văn hóa, xem hướng xử lí sao cho đảm bảo. Không phải là hợp thức hiện vật tại đền Phù Đổng, nhưng nếu xét thấy phù hợp, theo quan điểm của Cục Di sản, chúng tôi sẽ xử lí”, ông Tiến nói.

Nếu chấp nhận để hiện vật lại đền Phù Đổng, sẽ tạo tiền lệ cho di tích khác.

Ông Tiến cho biết, sắp tới thành phố sẽ ban hành quy chế quản lí, tiếp nhận đồ thờ, tu bổ di tích tránh những trường hợp tương tự.


Nguồn: Toan Toan - TPO
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng