Tạp chí Sông Hương -
Về miền "ăn cay, nói nặng"
14:54 | 28/07/2014

Cố đô Huế trong tôi như một giấc mơ về quê hương, một miền đất mộng mơ, "ăn cay, nói nặng" giữa miền trung nhiều phong ba, bão táp; giàu tình, giàu nghĩa. Cuộc sống, con người nơi đây khắc nghiệt mà vẫn giữ vẹn nguyên nét thơ trữ tình, hút hồn lữ khách như thi sĩ Hàn Mặc Tử từng phải ngẩn ngơ: Sao anh không về chơi Thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...

Về miền "ăn cay, nói nặng"

"Ðặc sản" đất cố đô

 Người ta vẫn dùng nhiều ngôn từ để nói về Huế, nhưng có lẽ cái tên "miền mộng mơ ăn cay, nói nặng" (tên một tập tản văn) vẫn đem lại cách nhìn trọn vẹn hơn cả về Huế và "chất Huế". Nguyễn Minh Lan, cô sinh viên đang tuổi đôi mươi, chào đời ở cố đô nhưng lớn lên tại Hà Nội vẫn nhớ mãi những câu chuyện lắng đọng nỗi nhớ quê hương: "Huế rất lạ, khác xa với những miền quê khác trong ký ức tôi. Bà nội lúc còn sống vẫn nói dân xứ tôi ăn cay nên nói cũng "cay", cũng "nặng" - không phải nặng ở cái giọng mang ngữ điệu địa phương mà nặng về nghĩa, về tình". Khách vãng lai đến Huế vẫn thường rỉ tai nhau một câu chuyện vui về giọng Huế - thứ ngôn ngữ "như một tiếng nước ngoài nào đó": Một bà hàng xóm báo tin dữ với người khách đến thăm nhà: "Cấy dôn nó mới đánh chắc ngoài cươi" - người nọ ngớ người không hiểu gì. Mãi sau mới biết: hai vợ chồng nhà nọ cãi nhau và va chạm ngoài sân, thế là khách đành ngậm ngùi đi về. Tản văn của Trần Tuyết Hoa cũng từng viết: Giọng Huế là một thứ giọng đặc biệt, khó nghe nhưng khi nghe được có người lại thích. Thậm chí còn hơn cả thích. Các cô gái Huế khi thỏ thẻ thì ngọt ngào đến nỗi "Học trò trong Quảng ra thi, nghe cô gái Huế chân đi không rời!". Nhiều người còn hay tếu táo đùa nhau: "Chọc các cô gái Huế mắng nghe sướng tai, vì họ mắng mà cứ như là hát".

Nhưng khác xa với vẻ dân dã của giọng Huế, cách người Huế "ăn cay" không phải đơn giản. Ðến thăm nhà người họ hàng ở khu phố An Cựu, Minh Lan mới được dịp chứng kiến những bữa ăn thật sự của một gia đình người Huế truyền thống: Nhiều món ăn nhưng mỗi món đều khá ít và được trình bày cầu kỳ về hình thức. Và hầu hết các món đều cay. Ông Nguyễn Ðông, chủ nhà kể cho chúng tôi: "Người Huế không ăn theo cái nghĩa sinh học đơn giản. Chúng tôi từ thời cụ kỵ đã được dạy phải ăn bằng khứu giác, thị giác và cả... thính giác". Nói như nhà văn Nguyễn Tuân: "Người Huế thích ăn bằng mắt" quả không hề sai. Và dù có huy động toàn bộ giác quan trên cơ thể thì người Huế cũng cốt chỉ ăn "lấy hương, lấy hoa". Chị Hòa, một người giúp việc nấu ăn cho một gia đình ở Huế nói: "Nhiều người ở Huế dù lớn lên trong nghèo khó, nhưng luôn thấm thía điều được ông bà dạy lại: Món ăn là cách để thể hiện sự tôn trọng khách và cũng là thể hiện bộ mặt của gia chủ. Thế nên, dù có thế nào, bữa ăn phải luôn đàng hoàng". Thật vậy, giờ đây, thương hiệu ẩm thực Huế đã lan xa khắp Việt Nam và trên thế giới. Hiện có khoảng 1.300 món ăn nấu theo kiểu Huế, với hai trường phái rõ ràng: Cung đình và dân dã. Và cho dù là món ăn cung đình hay dân dã thì triết lý ẩm thực Huế luôn không thay đổi: Ăn uống phải là nghệ thuật của sự thưởng thức.

 Người Huế đâu phải ngẫu nhiên lại thích "ăn cay, nói nặng", hay có chăng là để sưởi ấm trong những cơn mưa triền miên ở xứ này... Chúng tôi tới Huế dưới tiết trời lâm thâm mà người ta vẫn thường ví như một cô gái buồn duyên dáng cứ khóc mãi chưa nguôi về một mối tình không trọn vẹn. Lắm lúc, nó là "đặc sản" của Huế, mà lắm lúc, nó cũng như một nỗi niềm: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua/Trên bước chân em âm thầm lá đổ/Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa. Nghe những giai điệu này mới ngẫm rằng lắm kẻ yêu Huế bị "ám ảnh" bởi Trịnh Công Sơn và những khúc ca như Diễm xưa cũng là có lý lẽ riêng của họ. Nhưng nếu không có mưa thì đã không có Huế. Ðó là một nghịch lý mà dường như quen thuộc quá với xứ sở này. Mưa lớn ở Huế rơi vào khoảng tháng chín đến tháng mười hai, mưa phùn còn tiếp diễn đến tháng tư cho đến khi bắt đầu xuất hiện những cơn mưa dông và mưa rào mùa hạ. Mưa trùm lên các mùa trong năm với những khoảnh khắc "đường phượng bay mù không lối về" tạo nên vẻ đẹp đầy chất trữ tình, thơ ca thấm đẫm trong trái tim và tâm hồn của con người xứ Huế. Mưa tạo ra Huế như để tâm hồn con người không còn biên giới, thả sức bay bổng và lãng mạn đến tận cùng với đất trời. Vậy nên, người Huế dường như luôn biết hưởng thụ thay vì cứ ngồi ca thán về mưa. Chị Thái Bảo, chủ tiệm cà-phê bên bờ sông Hương nói: "Người lạ đến Huế thấy mưa cứ trú trong khách sạn. Nhưng họ không biết rằng mưa Huế đặc biệt ra sao? Mưa sẽ cuốn hút và cho bất kỳ ai trong số họ một nỗi nhớ da diết khi phải rời khỏi thành phố cổ kính này"...

 Sức hấp dẫn của du lịch

Kinh thành Huế ngày nay ngoài những nét đẹp nên thơ vẫn nổi bật với tiềm năng phát triển du lịch không hề thua kém bất cứ địa danh nổi tiếng nào khác. Tạo hóa đã ban tặng cho Thừa Thiên - Huế một địa hình khá độc đáo: Về tổng thể, toàn tỉnh có kiến trúc giống như một công viên, với khung cảnh thiên nhiên đa dạng. Ðây là nơi hội tụ của núi đồi và đồng bằng, là chỗ gặp nhau của sông, đầm phá và biển. Từ hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến sông Hương, núi Ngự, Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Ðiền, tất cả đều cho thấy đây là vùng đất của sự cộng sinh và hội tụ của vũ trụ. Chính vì thế, thế mạnh du lịch của Huế không chỉ là sức hấp dẫn của một cố đô với những không gian cổ kính, lắng đọng mà còn nổi bật như một thành phố xanh của Việt Nam.

Ngay giữa thành phố cổ vẫn có thể bắt gặp những bãi cỏ xanh trải dài hai bên bờ sông Hương. Quan niệm và thói quen sống trong một môi trường tự nhiên, gắn bó hài hòa với cỏ cây, sông nước và coi thiên nhiên như là một phần cuộc sống đã in sâu trong tâm thức người dân Huế cho đến ngày nay.

 Hơn nữa, Huế được mệnh danh là "Kinh đô vườn" cũng chẳng hề sai bởi đơn vị kiến trúc hình thành cơ bản nên phố là nhà vườn và vườn. Ðâu đâu cũng thấy một mầu xanh êm đềm của cỏ cây, đồi núi, sông, hồ mà nhà vườn là mảng xanh nhất do con người nơi đây tạo ra suốt hàng trăm năm nay. Những khu nhà vườn nổi tiếng của Huế nằm ở Long Hồ, Hương Long, Nguyệt Biểu, Lương Quán, Vĩ Dạ, Bao Vinh,... Nhà vườn Huế như một cây cầu nối giữa con người với tự nhiên: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc chen ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử). Người ta thường bị cuốn hút không chỉ bởi dáng vẻ cổ xưa của nhà vườn mà đó còn là những tài sản vô giá thể hiện những ứng dụng khoa học cổ xưa trong việc xây dựng nên một cách ẩn mình vào thiên nhiên của kiến trúc. Trong khu vườn Huế, người ta còn trồng nhiều cây lưu niên để cho bóng mát. Vì lẽ đó, nếu đến thăm và lưu trú lại trong những ngôi nhà vườn Huế, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thanh bình và riêng tư như đang sống trong một vũ trụ thu nhỏ, một thế giới yên bình và quyến rũ.

 Tuy nhiên, nếu nhắc đến cố đô du lịch thì không thể bỏ qua những di sản, di tích văn hóa hàng trăm năm tuổi của thành phố cổ bên bờ sông Hương. Tính đến nay, Huế là địa phương duy nhất trong cả nước được vinh dự bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản quý báu của nhân loại là Quần thể Di tích Cố đô Huế (UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993) và Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn (UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2003). Bên cạnh đó còn rất nhiều những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác có giá trị cùng hệ thống lăng tẩm, chùa chiền vô giá. Ðây được coi là lợi thế sẵn có để đưa du lịch di sản Huế nổi bật và khác biệt cũng như tạo đà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong hơn hai mươi năm qua, vừa thúc đẩy du lịch di sản, vừa kết hợp với bảo tồn và trùng tu các công trình lịch sử, Huế dù đã có thành tựu nhưng vẫn đang gặp phải những tồn tại cản trở như khô khan về sản phẩm, người dân chưa quan tâm đến du lịch... Vì vậy có lẽ, du lịch di sản nói riêng, du lịch Huế nói chung đang cần một "cú hích", một kế hoạch mới, đồng bộ và có chiều sâu cũng như tầm nhìn để tạo ra một diện mạo du lịch phát triển bền vững trong tương lai.

Dù sao chăng nữa, sức cuốn hút của Huế vẫn luôn là một bí ẩn đối với mọi du khách, như một cuốn sách hay còn dang dở... Nếu đã đặt chân đến nơi đây thật sự sẽ là trải nghiệm thật khó để quên: Xin chào Huế một lần anh đến/ Ðể ngàn lần anh nhớ hư vô. Huế dù đôi lúc phảng phất buồn nhưng luôn biết mở rộng tấm lòng để yêu thương, để say đắm tình người.

Theo Nhân Dân

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng