Tạp chí Sông Hương -
Chữ hiếu Việt Nam - những điều suy ngẫm
15:24 | 08/08/2014

Lòng hiếu thảo hay lòng từ bi ở cấp độ cá nhân và gia đình giúp chúng ta tăng cường sức đề kháng với cái xấu, cái ác bên ngoài. Một người con hiếu thảo sẽ khó bị cám dỗ bởi những tệ đoan xã hội.

Chữ hiếu Việt Nam - những điều suy ngẫm
Nước mắt hiếu hạnh - Ảnh minh họa

Mỗi công dân trong một quốc gia biết sống hiếu thuận sẽ xây dựng nên một xã hội bình yên, một quốc gia hưng thịnh, có nền kinh tế vững mạnh, văn hóa hài hòa, và một cộng đồng đáng sống. Đó cũng là những chiều kích mới của lòng hiếu thảo hôm nay.

Trọng án bất hiếu

Có bi quan lắm không khi năm nào cứ đến mùa Vu lan, bàn chuyện hiếu thảo của con cái ngày nay, chúng ta lại đọc thấy những tin tức đáng buồn. Một đất nước hơn bốn ngàn năm văn hiến như ta, tự hào không cần “luật hóa” chữ hiếu (như Singapore), bởi con cái từ thuở còn thơ đã được dạy dỗ phải tôn kính ông bà cha mẹ. Thế thì tại sao bây giờ lại có những chuyện như (lấy một chuyện gần nhất làm ví dụ): “Quảng Nam: Nghịch tử dùng búa, mỏ-lết đánh chết mẹ và bà ngoại… Chiều 10-7, tại thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ án mạng kinh hoàng. Hung thủ là Lê Quang Lập (20 tuổi, là người địa phương). Nạn nhân là bà ngoại và mẹ của Lập. Theo đó, vào khoảng 15g45 cùng ngày, do mâu thuẫn, Lập dùng búa đinh đánh chết bà ngoại mình là cụ Nguyễn Thị Kha (86 tuổi). Phát hiện sự việc, mẹ Lập là bà Trần Thị Thi (46 tuổi) kêu cứu rồi đi báo công an. Chạy được một đoạn thì bà Thi bị Lập đuổi theo dùng mỏ-lết đánh chết tại chỗ.

Sự việc thương tâm này không phải lần đầu xảy ra. Cách đây không lâu, khoảng 16g ngày 1-4, tại Nhà máy sản xuất các nguyên vật liệu tái sinh và xử lý chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Ánh Dương (Công ty Ánh Dương, đóng ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, Nguyễn Phước Linh (tên thường gọi là Chương, 23 tuổi, trú tổ 155, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đến nơi làm việc của cha ruột là ông Nguyễn Đức Thương (51 tuổi, ông Thương làm bảo vệ tại nhà máy này). Sau khi hai cha con nói chuyện một lúc thì Linh cầm mấy cục gạch ném về phía ông Thương. Ném xong, Linh cầm con dao đâm liên tiếp vào người cha khiến ông Thương gục chết tại chỗ (theo Thùy Dung - báo Đất Việt).

Nào chỉ có ở xứ Quảng, quê hương của bao người con trung hiếu như Trần Cao Vân, Phan Bội Châu... mà ở đâu cũng thế, gần nhất là chuyện con giết cha ở Thái Nguyên. “Đã một tuần trôi qua, người dân Đồng Hỷ (Thái Nguyên) vẫn còn rúng động bởi một vụ án mạng đau lòng. Hung thủ là Nguyễn Phi Hùng (SN 1965) một con bạc khét tiếng trong vùng, và nạn nhân chính là bố đẻ của y. Vụ án mạng xảy ra vào khoảng 14g ngày 1-7, Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 1965, xóm Cây Sơn, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã nhẫn tâm cầm khúc gỗ bạch đàn đập nhiều nhát vào đầu bố đẻ là ông Nguyễn Thanh Minh - ngụ cùng địa chỉ trên (báo Pháp Luật & Đời Sống).

... Còn ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội thì khỏi phải nói, bao nhiêu chuyện tương tự… Trong nhà đã vậy, xã hội thì sao? Đạo lý đi vắng cả rồi chăng? Mà nếu có mặt thì đang ở đâu? Có bao chuyện không đăng báo thì sao? Tôi có một anh bạn chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, một đêm anh lái xe đi chợ đầu mối Bình Điền, trên đường, anh dù hoa mắt, vẫn nhìn thấy một chiếc bao tải vất giữa đường. Giật mình, anh lách xe hết cỡ, dừng xe lại, bước xuống xem bao gì. Anh thấy bao nhúc nhích. Đến gần, anh nghe có tiếng ú ớ trong bao. Anh tưởng ai đó bỏ con chó trong bao, toát mồ hôi, không còn buồn ngủ tí nào. Mở bao ra, anh lại kinh ngạc bàng hoàng khi trong đó là một bà cụ. Anh hỏi: “Trời ơi, sao cụ ở trong này?”. Bà cụ kể rằng bà đi bán vé số. Mỗi ngày phải đưa cho con 100 ngàn, nó mới nuôi. Mấy ngày gần đây ế quá, không bán được bao nhiêu. Tối nay, nó say rượu về, nói cụ giấu bớt tiền. Nó bỏ đói, trói cụ lại, bỏ vào bao, nửa đêm vứt ra giữa đường. Tàn nhẫn quá! May mà miệng bao còn hở, cụ mới thở được! Anh chỉ biết cho cụ vài trăm ngàn và nói cụ sáng mai đón xe lên Nhà dưỡng lão chứ không biết làm sao. Khi anh kể cho tôi nghe, anh còn chưa hết thảng thốt trước sự nhẫn tâm của đứa con nào đó (!) trong hàng triệu đứa ở thành phố này.

Những góc nhìn chữ hiếu

Nhìn chữ hiếu thuần túy dù dưới lăng kính nào, cổ đại hay hiện đại, đồng đại hay lịch đại, thì nguồn gốc của đức hạnh ấy chẳng ở đâu xa, chính là lòng từ bi, hay nói cách khác là tình yêu thương không điều kiện. Ở đâu và bao giờ, cha mẹ vẫn luôn dành cho con cái những tình yêu vĩ đại và ngược lại, đứa con biết hiếu thảo luôn thấy hình bóng cha mẹ hiện diện trong tâm hồn mình, trên thân thể mình. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh: Khi xa nhà, nếu nhớ cha nhớ mẹ hãy nhìn bàn tay mình. “Vì sao? Nói theo khoa học thì trong ấy có ADN của cha của mẹ. Thế nên, người con khi đã trưởng thành vẫn dành cho cha mẹ nỗi nhớ”.

 “… Tình yêu con dành cho mẹ sẽ sống mãi trong trái tim con
Cho đến muôn đời sau
Con vẫn thấy nụ cười của mẹ trong mắt của con
Và con vẫn luôn là con. Mẹ ơi, cảm ơn mẹ…”
“My love for you will live in my heart
Until eternity's through....
I see your smile in the eyes of my child
I am who I am, Mama, Thanks to you…”
                       (Bài hát Thanks to You - Richard Marx)

Chữ hiếu của người Việt đơn giản, gần gũi hơn:

Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Vì như Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, có hai hạng người, không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Mẹ và Cha” (Tăng chi I, 75).

anh minh hoa 2.jpg

Trong kinh Địa Tạng, tám chữ: “Hiếu đạo, Độ sanh, Bạt khổ, Báo ân” nói lên đạo lý hiếu thảo sẽ làm trời đất rạng rỡ. Xưa nay, việc quan trọng đầu tiên là phải học làm người. Làm người nghĩa là phải biết hiếu thảo. Bởi vì theo giáo lý nhà Phật, cha mẹ chính là trời đất, cha mẹ là sư trưởng, cha mẹ cũng là chư Phật. Vì không có cha mẹ thì làm sao có được thân thể này, mà không có thân thể này thì lấy ai thành Phật. Điều thứ nhất chính là Hiếu đạo. Nếu không làm được điều thứ nhất, thì không thể làm điều thứ hai - “Độ sinh”. Theo HT.Tuyên Hóa: “Nói độ sinh chính là độ chúng sinh. Độ chúng sinh không phải nói độ một người, hai người, cũng không phải độ ba người, năm người mà gọi là độ chúng sinh. Độ chúng sinh là độ tất cả mười hai loài chúng sinh, giáo hóa, khiến họ đều phát tâm Bồ-đề, sớm thành Phật quả. Đây mới gọi là độ chúng sinh” (theo Tạng thư Phật học). Làm được như thế, chúng ta mới có thể “Bạt khổ", đẩy lùi cái khổ của chúng sinh. Cuối cùng là “Báo ân”, nghĩa là đền đáp ân cha mẹ.

Giáo dục lòng hiếu thảo từ đâu?

Xin thưa rằng, phải giáo dục từ đầu, từ thuở còn thơ, và cha mẹ phải là tấm gương như đã nói ở trên. Ngoài ra, trong chương trình giáo dục, thầy cô và nhà trường nên có những ngày những buổi cho các em viết bài hay kể chuyện về lòng hiếu thảo. Tại sao lại chú ý quá nhiều vào“Ngày lễ Tình yêu” (Valentine 14-2); Ngày Ma quỷ (Halloween 31-10) mà không kỷ niệm những Ngày của Mẹ (11-5), Ngày của Cha (15-6). Cho dù chúng ta hay nói mình có nguyên một mùa Báo hiếu, nhưng bao nhiêu người đến chùa rằm tháng 7 để được cài hoa đỏ hay hoa trắng, hay người ta chỉ chăm chăm lo “cúng cô hồn” mà quên ý nghĩa chính của “Vu lan bồn”.

Giáo dục những gì? Quan trọng nhất phải dạy về lý nhân quả. Cổ đức dạy: “Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử” - (Cha mẹ biết hiếu thảo thì sẽ sinh con hiếu thảo). Đây là lý do tại sao phải dạy con trẻ lý nhân quả. Nếu như mình hiếu thảo với cha mẹ mình, thì sau này con cái sẽ hiếu thảo với mình, vì chúng ta chính là tấm gương cho con cái noi theo. Chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện chiếc xe. Khi người nông dân đóng chiếc xe, đứa con hỏi bố đóng làm gì. Người cha trả lời, để đưa ông nội lên vùng tuyết phủ cho gấu trắng ăn thịt. Đứa con dặn bố đưa ông nội đi rồi nhớ đem chiếc xe về để mai mốt khi cha già, con cũng đưa bố lên trên ấy.

Hãy dạy những bài đọc về chữ hiếu, cả tác phẩm Nhị thập tứ hiếu, phân tích cả cái hay và cái không hay của nó như “cắt thịt”, “nằm cho muỗi cắn”. Có những chuyện hay như Chuyện Đổng Vĩnh (truyện thứ VIII). HT.Tuyên Hóa kể thêm:

Đổng Vĩnh còn gọi là Đổng Ảm. Đổng Vĩnh rất hiếu thảo với cha mẹ. Hàng xóm của anh ta có một người họ Vương, gọi là Vương Kỳ. Đổng Vĩnh là người nghèo, không có tiền, Vương Kỳ là người giàu có. Nhưng mẹ của Đổng Vĩnh, vì nhờ có người con hiếu thảo nên được khỏe mạnh mập mạp. Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng từ sáng đến tối bà luôn cảm thấy vui vẻ. Còn bà mẹ của Vương Kỳ mặc dù tiền bạc sung túc, ăn thì có thịt heo, thịt gà, cá, vịt, toàn thứ ngon vật lạ, nhưng lại ốm yếu bệnh hoạn. Bà ta không có một chút vui vẻ, luôn đau buồn.

Có một hôm Đổng Vĩnh không có ở nhà, Vương Kỳ cũng không có ở nhà, bà ốm mới hỏi bà mập: “Nhà bà nghèo như thế, cũng không có gì ngon để ăn. Vậy tại sao bà mập như vậy? Bà lớn tuổi như thế, mà mập như vậy là lý do gì?”. Mẹ của Đổng Vĩnh mới nói với mẹ của Vương Kỳ rằng: “Bởi vì con của tôi rất hiếu thảo, nó không dám làm một việc gì xấu cả, lại rất thật thà đúng đắn, cần cù làm việc. Tôi không có điều chi đau buồn về nó, lại rất hài lòng. Tâm hồn thoải mái, thân thể khỏe mạnh, tôi thích như vậy, nên tôi mập được”. Sau đó mẹ của Đổng Vĩnh tức là bà mập hỏi lại bà ốm: “Bà có tiền như thế, ăn toàn là thứ ngon vật lạ, tại sao lại ốm như vậy? Bà ốm như cây sậy, có phải là bệnh gì không?”. Bà ốm này liền trả lời: “Tôi hả! Tuy có tiền, tuy có đồ ăn ngon, nhưng đứa con của tôi, tánh nó không thật thà, không đúng đắn, thường làm những hành vi phi pháp; hôm nay phạm pháp, ngày mai cũng phạm pháp. Ba hôm nay bị sai nha bắt tra hỏi, mai lại có lệnh gọi của phủ đường gửi đến. Tôi từ sáng đến tối, chỉ lo lắng cho đứa con này, ăn dù ngon cách mấy cũng cảm thấy không vui, từ sáng đến tối lúc nào cũng ưu sầu, lo buồn. Cho nên tôi càng ngày càng ốm đi, mập không nổi, đều là vì buồn bực chuyện này”... (HT.Tuyên Hóa - Tạng thư Phật học).

anh minh hoa 1.jpg


Nói cách khác, hiếu kính nuôi dưỡng cha mẹ chưa đủ mà phải làm những điều đúng đắn với pháp luật, kỷ cương, không gây phiền muộn cho cha mẹ. Lòng hiếu thảo chính là tiền đề cho một con người trung thành với Tổ quốc. Đất nước không có những người con hiếu thảo thì lấy đâu ra một đạo quân trung thành? Đó cũng là tiền đề cho đức tính liêm chính, nhân nghĩa. Điều đó không chỉ mang lại niềm hạnh phúc vô biên cho cá nhân những con người trong gia đình, mà còn mang đến sự bình an cho cộng đồng, xã hội. Lòng hiếu thảo hay lòng từ bi ở cấp độ cá nhân và gia đình giúp chúng ta tăng cường sức đề kháng với cái xấu, cái ác bên ngoài. Một người con hiếu thảo sẽ khó bị cám dỗ bởi những tệ đoan xã hội. Mỗi công dân trong một quốc gia biết sống hiếu thuận sẽ xây dựng nên một xã hội bình yên, một quốc gia hưng thịnh, có nền kinh tế vững mạnh, văn hóa hài hòa, và một cộng đồng đáng sống. Đó cũng là những chiều kích mới của lòng hiếu thảo hôm nay.

Nguồn: Nguyên Cẩn - GNO
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng