Tạp chí Sông Hương -
Dự Vu Lan và khóc
15:25 | 11/08/2014

Người ta hay quan niệm tháng bảy âm lịch là tháng “cô hồn”, rằm tháng bảy là để “xá tội vong nhân”, toàn khái niệm thuộc về “thế giới khác”. Ai đi chùa thì được biết tháng bảy còn gọi là mùa Vu Lan.

Dự Vu Lan và khóc
Hoa hồng và nước mắt. Ảnh: N.M.Hà

Những ngày Vu Lan tổ chức ở chùa luôn là dịp đánh thức lòng từ hiếu trong mỗi người.

Tết khất thực

Mãi tới năm kia, tôi mới được trải nghiệm điều này tại nền chùa cổ Phù Nghì, lưng chừng núi Tây Thiên- Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Quả thực tôi không ngờ, mình lại “sến” đến thế. Lý do để tôi bật khóc ngoài chuyện còn nhiều khiếm khuyết trong việc báo hiếu cha mẹ, còn vì ảnh hưởng của bầu không khí xung quanh. Rất nhiều người khóc. Thầy T. - bậc ni trưởng nghiêm cẩn là thế vậy mà cũng vừa hát một bài như Tình cha vừa khóc. 

Năm nay, lễ Vu Lan được ni chúng tổ chức nhằm ngày mười tư tại tịnh thất Tây Thiên - nơi tu tập của hơn trăm vị ni. Tuy thấp hơn chùa Phù Nghì một chút, nhưng muốn leo lên tới đây, cũng phải vượt qua 6-7 cây số đường rừng. Vì thế cho nên chỉ có khoảng… hai nghìn phật tử về dự lễ. 

Buổi lễ bắt đầu bằng việc tái hiện tích chàng chăn bò Sotthiya dâng tám bó cỏ cát tường cho Đức Thích Ca để Ngài kết làm bồ đoàn ngồi thiền định, từ đó đạt thành chính giác. Các bó cỏ xanh cũng được các phật tử dâng lên để ni chúng làm tòa ngồi.

Tiếp theo các ni được phát mỗi người một cái bát để đi khất thực một cách tượng trưng. Phật tử rẽ ra lấy đường cho ni chúng. Những người đi đầu thường được dâng rất nhiều bánh trái, hoa quả, tràn cả ra ngoài bát. Hết tăng đoàn, đến lượt các phật tử theo gót Đức Như Lai khi xưa đi xin ăn để tiêu trừ bản ngã, dứt bỏ sân si. Thực ra cái đích của phật tử khất thực chính là nhà ăn - chỗ mà ê hề đồ chay đã được chuẩn bị sẵn.

Một bữa ăn chay giữa thiên nhiên sau khi leo núi, thọ pháp, dự lễ… là trải nghiệm thích thú không chỉ cho vị giác. Tới giờ, tôi vẫn còn lưu vị chè sen ngọt mát trên đầu lưỡi. Nếu trở lại, chắc tôi sẽ ăn nhiều hơn chút nữa(!).

Lễ Vu Lan trùng với lễ Tự tứ, tức là buổi tổng kết hoạt động tu tập sau ba tháng “an cư kiết hạ” của chư tăng. Tôi đọc ở đâu đó rằng ba tháng mùa hè là thời gian các loài sâu bọ côn trùng sinh sản mạnh, nên chư tăng để tránh việc sát sinh gây ra kể cả khi đi lại đã dành thời gian này để nhập thất tu tập. Lễ Tự tứ được xem là ngày Tết với tăng ni. 

Theo tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, Đức Phật đã dạy những đứa con hiếu thảo muốn cha mẹ ông bà đã quá vãng được siêu thoát thì cách hữu diệu nhất là nhằm ngày Tự tứ cúng dường lên chư tăng với tâm bình đẳng.

Thầy Thích Thanh Tịnh giảng giải: “Đây là cách cầu siêu đúng nghĩa từ thời Cổ Phật. Bây giờ ý nghĩa của ngày rằm tháng bảy bị hiểu rất sai.

Thế gian biến ngày này thành ngày lễ dân gian, tức là Phật giáo đi được vào lòng dân tộc, nhưng lại sử dụng sai cách. Đức Phật lập nên rằm tháng bảy là ngày chúng ta phải đến chùa, dâng cúng chúng tăng thì chúng ta lại sắm vàng mã. Đốt thật nhiều, giết thật nhiều gà là có hiếu.

Như vậy là đi sai hoàn toàn với ý chỉ Đức Phật”. Lễ cầu siêu tại Đại Bảo tháp Tây Thiên diễn ra thường xuyên vào rằm và mùng một hằng tháng, nhưng cầu siêu kiểu Cổ Phật chỉ có trong ngày Tự tứ.

Ba mức hiếu

Chính lễ Vu Lan bắt đầu vào buổi chiều. Buổi lễ có nhiều thứ lớp, đọng lại trong lòng người dự vẫn là cảm xúc. Khi thầy Tịnh cất giọng đọc những lời thấm thía về tình mẫu tử, phụ tử, hàng phật tử chỉ còn biết chắp tay, nhiều người trào nước mắt. Khóc nhiều nhất là những người tóc đã điểm màu sương gió. Lý do có lẽ như lời nhận xét của thầy: “Những buổi lễ thế này càng nhiều lớp trẻ tham dự càng tốt, rất tiếc hôm nay thấy toàn lớp già là chính, muốn báo hiếu thì cha mẹ đã vắng mặt trên cõi đời này”.

Theo như lời dạy của thầy Tịnh thì đại đa số trong chúng ta, ai ngoan lắm cũng chỉ mới chạm đến mức “tiểu hiếu” đạo Phật quy định: “Trong kinh Vu Lan nói rằng vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ đi khắp mọi miền từ mòn da đến gân, mòn gân đến xương, mòn xương đến tủy vẫn chưa báo đáp nổi ân đức của mẹ cha. Không bao giờ trái ý, luôn tùy thuận vâng lời, khi cha mẹ về già, một lòng cơm ngon canh ngọt để hiếu dưỡng thì mới là tiểu hiếu. Xã hội hiện đại bây giờ tiểu hiếu còn rất ít, đại đa phần bất hiếu”. 

Thầy Tịnh kể: “Trong số phật tử gần gũi với các thầy, có người phát nguyện xuất gia sau khi bạn đời qua đời. Nhưng những đứa con thản nhiên bảo: Mẹ đi tu làm sao được. Phải ở nhà bế cháu cho con!”.

Vâng có thể ông bà cũng rất vui khi được đỡ con chăm cháu. Mô hình của nhiều gia đình Việt Nam là thế. 

Nhưng hãy thử nhìn vấn đề theo cách của người xuất gia: “Ngày xưa cha mẹ còn trẻ khỏe nuôi nấng chúng ta đã vất vả lắm rồi, vậy mà bây giờ khi cha mẹ đã già chúng ta còn lười, không chịu thuê người giúp việc, không đem con đến nhà trẻ, bắt cha mẹ thành người ở không công, còn mình vô trách nhiệm đi khắp đó đây…”.
 

Được giao nhiệm vụ hát Ơn nghĩa sinh thành trong khi các thầy mang hoa hồng cho các phật tử cài áo, chúng tôi ôm micro núp dưới bục phát biểu, không dám nhìn ai. Nếu thấy cảnh mọi người khóc, đảm bảo không hát nổi. 

Đây là kinh nghiệm “xương máu” rút ra từ mùa Vu Lan trước. Hoa hồng trắng dành cho người mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hồng vàng dành cho người có bố hoặc mẹ đã khuất. 

“Bông hồng đỏ để nhắc quý phật tử rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng. Xin hãy quay về bên cha mẹ để kịp thời báo hiếu khi người còn tại thế,” thầy Tịnh răn.


Nguồn: N.M.Hà - Tiền Phong
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng