Tạp chí Sông Hương -
Nghệ sĩ Lionel Descostes đưa tranh thêu Việt đến Pháp
10:34 | 03/09/2014

Sau hơn chục năm gắn bó với mảnh đất hình chữ S, nghệ sĩ Lionel Descostes được biết là người đã tạo nên sự thay đổi về diện mạo cho tranh thêu Việt Nam khi anh đưa kỹ thuật thêu truyền thống vào nghệ thuật đương đại. Nhưng có lẽ điều ý nghĩa nhất đối với anh không chỉ là sự đón nhận của công chúng đối với những tác phẩm thêu mà đặc biệt, đó là sự chia sẻ cuộc sống với những người khuyết tật – những cộng sự đã cùng anh tạo nên những bức tranh thêu tuyệt đẹp.

Nghệ sĩ Lionel Descostes đưa tranh thêu Việt đến Pháp
Nghệ sĩ Lionel Descostes

Trong tháng 9 này, những bức tranh thêu của Lionel Descostes sẽ có mặt trong cuộc triển lãm tại Pháp nhân kỉ niệm năm Việt Nam tại Pháp.

* Vì sao không phải là sơn dầu hay sơn mài mà lại là tranh thêu, anh Lionel Descostes?

- Có lẽ đó là do sự nhạy cảm của nghệ sĩ trong tôi đối với tranh thêu Việt Nam. Khi đến Việt Nam và bị cuốn hút bởi thêu, tôi đã bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật và chất liệu tại các làng nghề. Tôi cũng nhận ra sự thu hẹp của các làng nghề theo thời gian. Điều đó đã khiến tôi nghĩ xem mình có thể làm được điều gì đó không? Một sự kết hợp giữa ý tưởng của tôi với chất liệu thêu của Việt Nam chẳng hạn. Và tôi bắt đầu thực hiện.

* Khó khăn nhất của anh khi theo đuổi niềm say mê này là gì?

- Tôi không biết gì về thêu cho đến khi đặt chân đến Việt Nam (năm 2000). Không biết gì về thêu, không biết cách thức đưa kỹ thuật thêu thế nào vào trong nghệ thuật. Vì thế, tôi đã mất một năm để tự học thêu, tự tìm hiểu để tìm ra con đường đưa thêu của Việt Nam vào nghệ thuật đương đại.

* Vậy còn với những cộng sự khuyết tật của anh?

- Đây cũng là một sự mạo hiểm của tôi khi muốn dạy hay truyền đạt lại cho những người khó khăn, không biết gì về nghệ thuật, không biết gì về thêu. Nhưng cũng chính sự lựa chọn này đã cho tôi sự hứng thú. Vì bản thân tôi là một người nước ngoài không biết tiếng Việt. Và với tôi, những người cộng sự của mình cũng là những người “nước ngoài”. Nhưng chúng tôi vẫn hiểu nhau, làm việc cùng nhau là bởi cầu nối nghệ thuật.

Tôi tin rằng nghệ thuật mà mình đang làm đã vượt ra khỏi phạm vi của sự đam mê cá nhân vì tôi muốn hướng nghệ thuật đến với cộng đồng xung quanh một cách gần gũi hơn.

* Trong suốt hơn chục năm qua, điều ý nghĩa nhất đối với anh khi gắn bó với tranh thêu là gì?

- Qua các cuộc triển lãm tại đây, tôi biết các họa sĩ Việt Nam cũng rất chú ý đến những tác phẩm của tôi, đặc biệt là bước chuyển biến trong nghệ thuật, sự phát triển mới trong việc sử dụng chất liệu khác so với chất liệu truyền thống cho tranh thêu. Đó là một sự khích lệ đối với tôi. Nhưng điều tôi thấy ý nghĩa hơn cả là sự tiến bộ của các bạn cộng sự làm việc cùng tôi – những người khuyết tật ở trung tâm Hoa Sữa.

Một số tác phẩm của Lionel Descostes

Khi tôi chọn làm việc cùng các bạn ở đây, tôi muốn giúp mọi người hòa nhập vào xã hội một cách dễ dàng, độc lập hơn nhưng càng làm việc cùng nhau, tôi mới thấy bản thân những người đó cũng có khả năng về nghệ thuật. Họ đã thể hiện được bản thân không chỉ với nghệ thuật mà trong cuộc sống cá nhân, mỗi người cũng đã độc lập hơn trước rất nhiều.. Nếu trước đây, có người chưa biết đi chợ, không biết làm gì thì nay họ có thể tự đi xe bus đến nhà tôi. Trước khi vì hoàn cảnh, họ sống khép kín thì nay đã cởi mở, nói chuyện rất nhiều. Thậm chí, điều mà ít ai nghĩ đến như việc họ sẽ lập gia đình thì họ cũng đã làm được.

* Cùng với tranh thêu, những cộng sự, tôi nghĩ sự gắn kết của anh với Việt Nam còn ở “hậu phương” – người vợ Việt Nam của anh…

- Vâng. Tôi sống ở châu Á khá nhiều năm nên tình cảm của tôi hướng về phụ nữ châu Á nhiều hơn. Đến Việt Nam, tôi cũng xác định đối tượng của tôi là phải biết tiếng Pháp (cười lớn). Và như người phương Đông nói thì vợ chồng tôi đã đến với nhau vì có “duyên”.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Ngọc Minh - TT&VH

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng