Tạp chí Sông Hương -
Phong Lê viết về thế hệ vàng văn chương Việt Nam
15:23 | 05/09/2014

Cuốn sách "Trăm năm trong cõi" của giáo sư Phong Lê viết về 23 tác giả khai mở và hoàn thiện diện mạo văn học hiện đại Việt Nam.

Phong Lê viết về thế hệ vàng văn chương Việt Nam

Công tác tại Viện Văn học và cộng tác với Hội Nhà văn Việt Nam nên trong 25 năm qua, giáo sư Phong Lê có dịp tham gia vào các sinh hoạt kỷ niệm 100 năm sinh của các nhà văn có tác phẩm nở rộ trong giai đoạn 1930 - 1945. Ông gọi đó là "thế hệ Vàng" bởi họ là những người có công đầu trong việc khai mở và hoàn thiện diện mạo hiện đại cho văn chương, học thuật dân tộc. Các bài viết trong cuốn Trăm năm trong cõi giới thiệu 23 tác giả, có năm sinh từ thập niên cuối thế kỷ XIX như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách... tới những tên tuổi sinh vào năm thập niên 1920 như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài...

Cuốn sách được giáo sư Phong Lê thực hiện với mong muốn "giúp các thế hệ sau biết được lịch sử hình thành và phát triển của văn chương Việt hiện đại; qua đó trước hết như một cách tri ân; tiếp đó là chia sẻ với những khổ công, nỗ lực, thử thách, và những rủi ro, bất hạnh của một lớp người đi trước".

Với mục đích ấy, các bài viết trong sách đánh giá cái hay cái đẹp trong tác phẩm cũng như sự nghiệp của nhiều nhà văn, nhà thơ, học giả. Giáo sư Phong Lê đánh giá Nguyễn Công Hoan có một đời văn lực lưỡng; Thạch Lam với những tác phẩm lãng mạn và hiện thực; Nguyễn Tuân là người đến được với cái đẹp và cái thật; Ngô Tất Tố lại mang nét hiện đại trong một nhà Nho...

Bên cạnh đó, Phong Lê cũng nhìn nhận công lao của các tác giả, từ đó toát lên lịch sử một giai đoạn văn chương Việt Nam. Viết về Tản Đà, ông nhấn mạnh vào đặc điểm thơ đi sâu vào "cái tôi", công cuộc giải phóng cá nhân của tác giả Thề non nước. Từ đó, Phong Lê đánh giá Tản Đà như một nhà cách mạng văn chương, một sứ giả tiên phong: "Tản Đà chỉ làm thơ, chứ không làm thơ cách mạng, càng chưa làm cách mạng, nhưng thơ ông đã là một nhu cầu của đời sống tinh thần và tình cảm quần chúng". Trong bài viết về Hoàng Ngọc Phách, giáo sư Phong Lê nhấn mạnh vào công lao của người khai mạc nền tiểu thuyết mới và trào lưu lãng mạn. Hay bài viết về "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu, ông đánh giá "Xuân Diệu hiển nhiên xứng đáng là người tiếp tục nối dài và làm giàu cho di sản, để trở thành di sản".

Trăm năm trong cõi thể hiện cái nhìn am tường, cặn kẽ về tác phẩm, tác giả lớn của văn chương hiện đại Việt Nam. Không những thế, cuốn sách còn giúp người đọc nhận diện về vai trò, tầm vóc của một thế hệ đã mang lại một mùa vàng cho văn chương Việt Nam.

Nguồn: Lam Thu - vnexpress

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng