Tạp chí Sông Hương -
Cơ bản là buồn
15:02 | 24/09/2014

Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần vừa nhận giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5. Sông Hương oline giới thiệu một trích đoạn trong tập truyện dài này, cũng xem là một truyện ngắn hay.

Cơ bản là buồn
Minh họa của tác giả
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần sinh năm 1972, được coi là một trong những cây bút “sáng giá” của văn xuôi trẻ, từng nhận nhiều giải thưởng văn học: Giăng giăng tơ nhện (Giải 3 cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 2); Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Giải A cuộc thi Văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước lần 2”); Một thiên nằm mộng (Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nxb. Kim Đồng 2001 - 2002); Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ (Tập truyện dài - giải B (không có giải A) cuộc thi sáng tác Văn học cho tuổi trẻ (Nxb. Thanh Niên phối hợp Nxb. Văn Nghệ tổ chức). Sách được dịch: Bảo vệNhững dự định của nàng vào thứ bảy tuần này (tiếng Hàn Quốc); Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ do Nxb. Trẻ dịch và phát hành bản tiếng Anh - “Open the window, eyes closed”.  



NGUYỄN NGỌC THUẦN

Cơ bản là buồn
                     Truyện ngắn

Trong bảo tàng quá khứ của X còn giữ lại một bảo vật, ống pip của bố. Chẳng hiểu sao mẹ cô lại giữ cái này.

Trong một lần lục lọi những thứ cũ kỹ cô nhặt được một tấm ảnh mờ nhạt hình một người nước ngoài miệng ngậm ống pip. Tấm ảnh cũ đến mức cô không thể hình dung người đàn ông ấy bên ngoài sẽ như thế nào, cách ngậm tẩu thật đẹp, lịch lãm. Cô cũng không biết đó có phải là bố cô không. Cô không có điều gì để đối chứng. Trong ảnh cũng không rõ hình dáng ống pip. Bàn tay vạm vỡ đã che kín gần hết. Cô chỉ có thể đoán rằng tấm ảnh đó là bố cô. Đó có vẻ là lý do hợp lý nhất lý giải tại sao có tấm ảnh này trong gia tài của mẹ cô, tại sao bà giữ nó.

Khi lần đầu gặp John ngậm ống pip tự dưng cô giật mình, một chút gì đó khiến cô muốn so sánh với người trong tấm ảnh cũ. Những hình ảnh xa cách rời rạc như muốn nối lại, gắn kết từng vụn nhỏ, cô muốn khôi phục những gì từ trong trí não của mẹ cô. Quá trình lớn lên, cô có vẻ là người kém được chia sẻ nhất. Cô và mẹ đã không tìm được một mối nối nào. Sự đổ vỡ của đời sống trước đã kéo theo sự đổ vỡ của đời sống sau. Giống như John vậy, quá khứ đã hình thành tương lai của John, giống như John đã sống hai lần quá khứ ở hai nơi.

Lần đi Vĩnh Cửu này John mặc chiếc áo hơi hướm binh đoàn, một đôi giày hơi cao, ống chân gầy giống chân Mỹ trong những bộ phim - vừa bước xuống máy bay trong một đợt tập trận. Sở dĩ nói giống chân Mỹ vì John hiện tại chẳng có vẻ gì một con người của quá khứ, cũng chẳng tương lai như X mường tượng cảnh một người lính quay lại chiến trường thu nhặt hài cốt đồng đội. John có vẻ đa quốc gia, không phải Mỹ cũng không phải Việt. Ở John toát lên dáng vẻ một người già mòn mỏi đặc trưng. Tròng mắt trong veo, hay hả họng lấy hơi. Khi John bước đi mùi vị của John như xác chết.

X không muốn đi gần John, cô đi vòng phía sau John lặng ngắm cái bả vai buồn phiền chim cánh cụt mùa băng tan. Trên mảnh đất Việt Nam khô cằn như nắm sọ, John đào bới. Biết đâu John nhặt một mảnh xương cùn của quê hương mình.

Giống như một con chó đánh hơi. Nhưng tôi cũng không còn tìm thấy mùi vị, khứu giác tôi hư rồi. John nói lúc cả hai đi rất lâu bên nhau xuống con đồi nhỏ, dẫn xuống một hồ nước nhỏ, huyện Vĩnh Cửu thật ra chỉ có cái hồ này điều hướng mọi suy nghĩ của John.

John à, X nói. Tôi muốn ông nghe một chuyện. Nó như thế này... Cô ngập ngừng.

Lúc đầu X không định cho John hay chuyện bà Huệ, cái xác chết quá khứ ấy không tốt chút nào cho John. Thật ra khi đi tìm, John không bao giờ muốn thấy, với cô John chỉ viện cớ đi tìm thôi. Vài ba mảnh ký ức thúc giục dối già. Xong một chuyến đi, John sẽ ngủ kỹ hơn, xem như thanh toán xong nợ nần...

Theo như X được biết, nước ở hồ này có khả năng vẫn còn độc. Cô nói với John khi ông cúi xuống tát nước lên mặt, cẩn thận đấy John.

Vậy thì tôi cũng nên uống một vài ngụm. John trút chai nước lọc rồi múc một chai nước đầy, thứ nước mà X đã cảnh báo.

Cũng vậy thôi John. Ông chẳng đem về Mỹ được đâu. X nói. Ở sân bay, người ta sẽ tịch thu chai nước của ông.

X có kinh nghiệm về chuyện này. Ở sân bay, người ta luôn muốn biết nó là thứ chất lỏng gì. Và càng thật khó tin hơn trước một thứ nước gọi là “nước kỷ niệm”. Hoặc là bạn phải uống hết nó, hòa tan cái thứ kỷ niệm chết giẫm đó vào bạn, hoặc là bạn bỏ nó ở lại sân bay.

Nhưng X cũng không muốn nói ra điều này một cách rõ ràng.

Với John, mọi thứ cần phải được nương nhẹ. Đó là điều X tâm niệm.

Tôi có nên nói với ông điều nữa không John.

Vui hay buồn.

Ông có phải là người chịu được tin buồn?

Ngày trước tôi có thể chịu được tin buồn. Nhưng bây giờ thì, cô thấy đó, càng về già, nỗi buồn càng trở nên lớn hơn, càng trở nên nặng hơn. Tin buồn với tôi trở thành một nỗi sợ.

Nhưng tôi vẫn muốn nói cho ông biết một tin buồn, John à!

Tự dưng X thấy tim mình đập nhanh.

Tôi sẽ lắng nghe cô đây, X.

Ông đã có một đứa con, John. Nó đang ở đây, John.

Một đứa con à?

Đúng là một đứa con. Ông có muốn thăm nó không?

Với người nước ngoài như chúng tôi, có một đứa con ngoài hôn nhân là chuyện bình thường. Nhưng có một đứa con còn mắc ở đây thì thật là kinh khủng.

Giọng John thẳng băng. X cảm thấy thật ngạc nhiên. Cô cứ tưởng John sẽ hốt hoảng bấu lấy cô, hỏi dồn dập. Nhưng không, chẳng có gì.

Có thật là ông không nhớ gì, rằng mình đã có một đứa con?

Không. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có một đứa con ở đây.

Theo một ghi chép về chiến tranh của một quân nhân mà X được đọc, những người Mỹ như ông ấy khi đến đây đều không muốn mang theo tinh trùng. Tinh trùng họ đã để lại nước Mỹ. Họ chỉ mang theo một nỗi nhớ khôn nguôi và một người mẹ Mỹ. Họ đằng đẵng chờ ngày về. Nhưng chiến trận đã làm họ mắc kẹt lại. Những công sự bủa vây. Trong cái nóng bức nhiệt đới đem đến cho họ sự giận dữ, lòng trắc ẩn của họ bốc hơi. Chiến tranh bao giờ cũng giống như một lò lửa, chúng luôn thiêu đốt những ý nghĩ thánh thiện nhất, ướp một ít hương vị cay nồng của tàn ác. Trong cái im lặng tù túng và ngột ngạt, tinh trùng những người Mỹ tưởng khô kiệt bỗng bắt đầu sản sinh, một thứ tinh trùng đầy chất độc. Vì thế, họ không muốn có con. Họ không muốn để lại, dầu là cái thứ tinh trùng độc địa ấy ở đây. Họ muốn trở về nguyên vẹn. Một số người Mỹ trở về đã gieo trên chính bản xứ họ thứ tinh trùng độc địa ấy. Họ sinh ra những đứa con bơ vơ. Cũng như họ để rơi rớt ở đây một vài giọt máu bệnh.

Chuyện của John có gì đó khiến X liên tưởng. Và lồng ghép với chuyện đó.

Có phải tất cả những người Mỹ khi đến đây đều giống nhau, John?

Không. Giọng John bắt đầu run lên.

Hình như ông đang lạnh.

Tôi muốn nghe cô nói tiếp về đứa bé, X.

Nó là con của ông, John à. Ông có nhớ một người phụ nữ tên là Huệ?

Buổi chiều đột ngột rũ xuống khiến cô không kịp nhìn thấy vẻ mặt John.

*
Trong chái nhà nhỏ nhắn vắng lặng của bà Huệ, một con người đang bò trước hàng hiên độ chừng mười mét vuông. Thằng bé độ 17 tuổi ở nhà với bà ngoại, nghệch mặt ra cười. Chân tay nghều ngoào dị dạng. Ở tuổi 17 nhưng trí não nó chỉ lên ba. Nó có vẻ giống một con thú u buồn hơn là một con người thiểu năng.

Nó tên là Hữu Nghị, John.

Khi sinh ra nó thì bà Huệ chết. Hình như bà cũng chẳng kịp nhìn thấy nó, nên chắc hẳn là bà cũng chưa kịp nhìn thấy điều này. Người Việt Nam có một từ gọi là máu sản phụ. Khi người phụ nữ sanh con, cái thứ máu đó lưu trú trong người họ cứ chờ dịp là thoát ra. Vì thế, người ta luôn sợ sản phụ u buồn. Khi sản phụ đau đớn hoặc u buồn, cái thứ máu đó sẽ trào lên chẹn họng khiến họ chết.

Phần lớn phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh đều chết dưới cái thứ máu sản phụ này. Khi những người tình Mỹ đi, họ thu lu ở lại đẻ con trong sự rẻ rúng của hàng xóm. Hẳn ông biết cái gọi là sự ghẻ lạnh của chiến tranh. Ở đâu cũng thế thôi. Thậm chí ngay cả nước Mỹ của ông cũng có. Tôi có xem một bộ phim, hình như là của Ý, khi cô gái đánh đu với người nước ngoài, cô đã bị ném đá đến chết. Ở đây chúng tôi không có tục ném đá, nhưng sự ghẻ lạnh thì chúng tôi có thừa, John.

Tôi cũng muốn cho ông biết một điều, thỉnh thoảng thằng bé có một vài cơn động kinh nhẹ. Giật khoảng vài chục lần thì ngưng. Miệng trào nước bọt như chó. Ông có nhớ huyện Vĩnh Cửu này có bao nhiêu bình thuốc diệt cỏ được thả xuống không John? Thằng bé chắc được hưởng trọn một bình.

John bắt đầu tím tái. Có lẽ John đã bị trúng gió rồi. Ở Mỹ chắc cũng chẳng có cái thuật ngữ trúng gió. Gió ở đó lành chăng. Ở Việt Nam trạng thái như thế này xuất hiện liên tục. Cần phải cạo gió ra. Người ta sẽ dùng một cái muỗng và cạo dọc theo sống lưng. Cạo cho đến lúc người bệnh đỡ hẳn.

Nhưng John không thấy đỡ. Sau đó là cơn ngáp kéo dài. Ông ngồi bệt xuống sàn nhà. X đỡ không nổi. John ngáp khoảng một giờ không ngưng. Có lẽ cũng giống như thằng bé Hữu Nghị, thay vì giật kinh phong thì John ngáp.

X gọi điện báo cho bà John.

Gọi mãi vẫn không thấy bà bắt máy. Lúc này bà đang ngồi nhâm nhi ly uýt ky ở quán bar Hồng. Ở đó có đám chơi nhạc hát giọng ngọng rất nổi tiếng. Cách nhả chữ của bọn ấy gợi nhắc bọn ễnh ương. Có một thời X rất mê tụi đó. Đêm nào cũng mò đến nghe. Sau đó cô quen thân với thằng chơi trống. Trong một ban nhạc, thằng chơi trống bao giờ cũng có vẻ nam tính nhất. Tràn đầy sinh lực nhất. Bộc trực nhất. Mấy thằng sáng tác thì èo uột hơn. Rồi cấp đĩ ngựa tăng dần, đỉnh điểm là thằng hát. Linh hồn của một ban nhạc luôn rơi vào thằng đĩ ngựa nhất. X đi chơi với thằng đánh trống khoảng mươi lần thì ngưng, không đi nữa. Ở với nó thì ồn ào...

Lần thứ hai X gọi, bà John bắt máy. Tiếng nhạc phả ra xập xình.

Tôi phải làm gì, ông ấy đang ngáp. X nói to vào điện thoại.

Cái gì?

Ông ấy đang ngáp.

Cô yên tâm. Bà John nói giọng khá bình tĩnh. Tôi tưởng cô rành bệnh của ổng rồi. Đừng hốt hoảng thế.

Vâng, thì tôi vẫn biết. Nhưng tôi phải làm gì bây giờ đây bà John?

Cô không phải làm gì hết. Cứ chờ.

Chờ à?

Ừ, cứ chờ.

*

Thằng bé Hữu Nghị nhìn John cười nghệch.

Thiệt là một bối cảnh lạ lùng. X nghĩ.

Suốt buổi tối hôm ấy John cứ ngáp, cho mãi đến lúc gần chia tay. Đó cũng là một cách tốt khi đối diện quá khứ, John nói. Có những lúc những người Mỹ như chúng tôi không biết phải làm gì khi đối diện với hiện thực của mình. Đó là lúc chúng tôi cần ngáp. Chúng tôi phải làm một thứ gì để buộc không phải suy nghĩ nữa. Từ lúc rời khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam là tôi bắt đầu ngáp rồi.

Ông có nhận ra điều gì liên hệ giữa ông và thằng bé không?

John lắc đầu.

Đó cũng là số phận của nó. Nó không giống người Mỹ, nó lại càng không giống người Việt. Nó là một sự lai tạp John à. Giống như tôi vậy.

Ở Việt Nam, có rất nhiều người phụ nữ tên Lan tên Huệ, rồi tên Cúc. Chúng tôi thích đặt tên cho con cái của mình dưới dạng các loài hoa. Có một lần khi xuống miền Tây, tôi rất ngạc nhiên trước một xóm nhỏ nhưng có đến 17 người tên Bông. Tôi phải vào 17 ngôi nhà mới tìm được chị ấy. Xác suất người mình đi tìm hay rơi vào những người mình bỏ qua. Chắc gì người tên Huệ này là người tình của ông ngày xưa, đúng không John. Vì thế, thằng bé Hữu Nghị này cũng chưa chắc là con ông.

Nhưng cũng có thể là người mà ông tìm.

Lúc cầm tay thằng bé lên, John bắt đầu có vẻ trầm uất nặng. Thằng bé rụt tay lại, nó không quen sự thân mật này. Có lẽ, khi nằm bò trườn trên cái hiên mười mét vuông, nơi mà 17 năm qua nó được thả rông ở đó chờ bà ngoại đi bán vé số về, chờ ông ngoại đi phụ hồ về, nó không có cái diễm phúc được người lạ nắm bàn tay mình. Một người Mỹ lại càng không. Thằng bé rụt tay lại, nhanh chóng chui vào một góc kẹt ít ánh sáng. X chỉ còn nhìn thấy ánh mắt nó qua một đốm sáng rất nhỏ của đèn hắt vào. Ngoài ra, gương mặt nó đen thẫm.

Tôi muốn nhìn nó thật kỹ. John nói.

X soi đèn cho John, nhưng cô không tin John sẽ tìm thấy điều gì trên gương mặt đó. Gương mặt đó, ngay cả những bà mẹ Việt, cũng không tìm thấy một điều gì. Một kẻ xa lạ như John làm sao có thể tìm thấy được.

Bà ngoại thằng bé mời cả hai vào nhà ăn cơm.

Ông có muốn ăn một bữa cơm ở cái nơi mà ông đã từng ra đi không John? Bữa cơm đó có một đĩa rau, một vài con cá kho khô, một chén nước mắm, vài trái ớt.

Và John lắc đầu.

Tôi muốn để lại cho thằng bé một ít tiền. John nói.

Đó có vẻ là điều cần thiết nhất cho thằng bé hơn là cần một người cha Mỹ. X hài lòng. Nó cũng không cảm nhận được tình cha con đâu John. Ngay cả khi ông nhận ra nó là con mình. Có những người đi qua chiến tranh khiến họ đánh mất những cảm nhận tưởng chừng sơ đẳng ấy. Một đứa như thằng bé, nó cần miếng ăn hơn cần một người cha. Nhưng nó cũng chẳng biết nhai. Bà ngoại nhét bao nhiêu nó nuốt bấy nhiêu. Bà phải nấu cho nó một loại cơm nhão.

Ông có muốn ăn thử cái loại cơm đó?

Chiến tranh càng lùi xa, người ta bắt đầu thương nó nhiều hơn, chứ không như ngày xưa, hình ảnh nó mang sự chia rẽ trong gia đình. Bây giờ thì người ta hoàn toàn thương nó. Có cả những phái đoàn viện trợ nhân đạo của nước ngoài đến đây. Người ta lập hồ sơ, khám tổng quát, cho một ít tiền rồi đi. Lâu lắm lại có một đoàn khác đến. Người ta xét nghiệm các nguồn nước. Nghe nói nồng độ dioxin vẫn còn cao. Nghe nói họ bắt đầu có ý định làm sạch khu vực sân bay Đà Nẵng. Nhưng ở đây thì không thấy nói gì. Chắc ở đây không bằng ở đó. Chắc ở đây chỉ là một thứ vặt vãnh của dioxin thôi.

Lúc chia tay thật là bịn rin. John nói ông sẽ quay lại đây một lần nữa, sau khi có sự tìm hiểu kỹ hơn với hội chữ thập đỏ. Ông muốn thử ADN.

Người Mỹ thật khoa học. X thầm nghĩ, khi cả hai yên vị trên xe rời Vĩnh Cửu. Người Việt Nam chỉ cần một cảm nhận mơ hồ là đủ khiến họ trở nên sướt mướt và nhận ra nhau. Thậm chí là nhận lầm. Người phương Tây thì không phải vậy. Họ cần bằng chứng trước khi nhỏ giọt nước mắt thương xót của tình yêu.

Nhưng X nghĩ sẽ thật là lâu để cái việc thử ADN đó thành hiện thực, và John liệu có đủ sức khỏe để quay trở lại? Cô nói điều này với John. Ông biết đấy, làng xã chúng tôi có cách vận hành chậm đến nỗi mọi tin nóng đều là tin nguội, ông hiểu không John.

John trơ như đá.

X cũng phân vân không biết có nên nói điều này với bà John?

Ba ngày sau John về Mỹ. Ở sân bay, X nắm và cảm nhận bàn tay John ướt sũng. Vẻ như John không còn lành lặn như những ngày đầu đến đây. John thật kém biểu lộ. John hỏi cô tên thằng bé, Hữu Nghị trong tiếng Việt có phải là tên một loài hoa không? Cô cũng quên hỏi bà ngoại nó, ai đặt tên cho nó thế, một cái tên thật là mỉa mai. Sau cùng cô gật đầu, đó cũng có thể gọi là tên của một loài hoa khi hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau.

N.N.T
Nguồn: TTCT







 

Các bài mới
Các bài đã đăng