Đây là thời gian nhân dân tạm nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả, đồng ruộng đang chờ nước mưa để cày cấy vụ sau, đồng thời là ngày tết dân tộc cổ truyền của người Thái Lan.
Giống như tết năm mới Bun Pi Mày của Lào, Chôn Chnam Thmay của Cam-pu-chia, hay Huýt Thít Ku của Mi-an-ma, những ngày vui đón tết té nước Song-kran là dịp người Thái Lan thường nghỉ khoảng một tuần, ở những vùng nông thôn, thời gian nghỉ vui chơi kéo dài hơn.
Trong những ngày này, nước thơm được tắm cho các tượng Phật, mọi người dâng đồ ăn lên chùa, tham gia lễ buộc chỉ vào cổ tay nhau, cầu phước lành cho năm mới và cùng nhau đem cát đến các sân chùa làm chê-đi (tháp nhiều tầng của đạo Phật), thăm viếng cha mẹ, thăm thầy, biếu quà những người thân, thả chim, cá phóng sinh, làm công đức… Điều có ý nghĩa hơn là nghi thức rắc nước lên mảnh đất đang khô nẻ là biểu tượng của hy vọng và mong muốn một mùa mưa mát mẻ sẽ mang đến không khí dễ chịu cho sự sống.
Sau lễ là hội. Có nhiều hội, nhưng hội thu hút nhiều người vui chơi nhất là hội chơi nước. Người ta dùng mọi phương tiện như chậu, xô, gầu giội nước, dùng súng lớn bắn nước, dùng máy bơm phun nước… Người Thái Lan mong muốn sang năm mới con người được trong sạch nên dùng nước rửa đi tất cả những bụi bậm, rủi ro, gội sạch tội lỗi đã mắc phải, để năm mới làm được nhiều điều thiện hơn, gặp nhiều điều may mắn hơn, khỏe mạnh hơn, hạnh phúc và giàu sang hơn. Chính vì vậy, trong ngày tết, mọi người chúc nhau bằng cách giội nước chân tình. Ai bị té nhiều nước đều lấy làm hãnh diện, vui sướng.
Hội té nước tưng bừng và kéo dài hơn cả là vùng Đông bắc và phía Bắc Thái Lan. Tại Băng Cốc, những ngày này thành phố vắng, ít người, ít xe hơn ngày thường. Năm ngoái, trong ngày hội Song-kran - với ý nghĩa là điểm khởi đầu, sự chuyển giao - có tới 2,5 triệu người trở về quê để sum họp gia đình. Muốn xem hội té nước vui phải ra phố Khao-sản (một đường phố trung tâm Băng Cốc). Những dòng người đổ về đây tạo thành những đám rước lớn. Cả khu phố ngập người đầy ắp tiếng hò reo. Có người còn ngồi trên những chiếc xe mui trần, vừa đi vừa hò hát, đánh chiêng, trống âm vang từ khu phố này đến khu phố khác. Khi gặp người qua lại, dù là người Thái hay người dân tộc khác, họ đều tranh thủ "tặng" cho một gáo nước, thậm chí cả xô nước mát lên người với lời chúc vạn sự tốt lành.
Ở Thái Lan, nơi mà Phật giáo là quốc đạo với hơn 30.000 ngôi chùa trong cả nước, tết dân tộc cổ truyền Song-kran hằng năm là dịp để mọi người tự soi lại bản thân mình về đạo đức và lối sống, đồng thời tăng cường tình cảm gắn bó với gia đình, quê hương và cộng đồng để từ đó con người luôn hướng tới những điều thiện và ngày càng tốt đẹp trong cuộc sống đời thường.
Theo HNMO |