Ðây là lần đầu tiên NXB Chính Trị Quốc Gia "đỡ đầu" cho một cuốn sách của một nhóm tác giả tư nhân (nhóm tác giả của Công ty thiết kế và truyền thông Ngày Mới), làm về lịch sử, hoàn toàn không có nguồn kinh phí nhà nước.
"Nếu gõ "Ðiện Biên Phủ" trên mạng Yahoo hay Google, chưa đầy 2 giây sau bạn đã có từ 800.000-1.200.000 kết quả. Phần lớn là những tài liệu, bài báo, nghiên cứu, ấn phẩm. Nhưng nếu sự kiện Ðiện Biên Phủ sẽ còn được thế hệ sau "nhìn thấy" qua những thước phim tư liệu hay phim truyện, thì những con người tham gia trận chiến, những nhân chứng sống của Ðiện Biên Phủ có thể sẽ không có mặt trong lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng. Bởi thời gian, bệnh tật và tuổi tác luôn đúng hẹn. Bởi những người "làm nên lịch sử" chỉ là xương thịt...".
Nước mắt lăn dài trên gò má cao của Ðào Thanh Huyền - cô gái mảnh mai đã cùng bốn người bạn lặn lội gần năm năm trời để thực hiện cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử, khi cô kể lại những câu chuyện nho nhỏ trong hàng ngàn câu chuyện mà cô và bạn bè đã gặp trên hành trình về chiến trường xưa, tìm lại người cũ.
Tôi thật sự ngỡ ngàng...
Đại tá, GS tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hà - viện phó Viện Lịch sử quân sự - bày tỏ: “Tôi thật sự ngỡ ngàng và khâm phục cái cách họ tiếp cận và trình bày lịch sử. Khi được mời làm người kiểm định về phần lịch sử, tôi nghĩ mình sẽ phải làm việc nhiều với các con số và sự kiện. Nhưng họ đã chinh phục hoàn toàn một người làm sử như tôi về cả nhiệt huyết lẫn sự nghiêm túc, chân xác trong nghề nghiệp.
Tôi thấy chúng ta nên biết “lợi dụng” những người trẻ nhiệt huyết như thế này. Tôi cũng đã đề nghị họ bắt tay làm một cuốn sách tương tự về Trường Sơn và họ đã đồng ý. Tôi hi vọng sau sự thành công đáng tin cậy của cuốn sách đầu tiên, cuốn thứ hai, thứ ba... sẽ ra đời và có thêm nhiều người trẻ vào cuộc, để lịch sử sống lại thật sự chứ không chỉ trong những con số và những ngày kỷ niệm”.
|
Lịch sử không vô nhân xưng
Hơn 50.000 người lính đã tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Có người đã ngã xuống, có người thành anh hùng. Nhưng đông hơn cả là những người bình thường, quay trở về với gia đình, vợ con, quay về với trang sách hay mảnh ruộng, cái cày. Họ cũng là anh hùng nhưng họ lẫn trong đám đông, trong các phiên hiệu đơn vị. Họ chưa được và có thể không bao giờ được biết đến.
Họ là Nguyễn Ngọc Tân, sinh năm 1931, tiểu đội trưởng liên lạc của đơn vị đánh chiếm "Ụ thằng người" ở lưng chừng đồi A1; là Ðỗ Sâm, sinh năm 1931, chiến sĩ trinh sát E 45; là Ðặng Ðức Song, sinh năm 1934, tiểu đội phó, tổ trưởng trung liên E98, "dũng sĩ đồi xanh"...
Họ còn nhiều lắm, không thể biết chính xác ai còn ai mất sau 55 năm. Nhưng 55 năm qua họ vẫn sống, thanh thản vì đã làm xong một nghĩa vụ lớn trong cuộc đời. Mỗi người trong số họ kể một câu chuyện riêng của mình, thật nhỏ, nhưng thật chân xác về một khắc, một ngày, một quãng thời gian ngắn ngủi kỳ lạ mà họ đã sống trong chiến dịch Ðiện Biên.
Có người kể về một trận xung phong, có người kể về đồng đội vừa cùng mình đi kiểm tra chiến hào, phút giây sau đã bị pháo địch bắn bay mất xác... Cũng có người không còn nhớ được gì cả. Tuổi tác và bệnh tật làm ông chỉ có thể nói: vừa cưới vợ xong thì có lệnh đi chiến dịch ngay.
167 câu chuyện, kèm theo là 167 bức chân dung tác giả của ngày hôm nay và hàng trăm bức ảnh, tư liệu về những con người ấy cùng đồng đội của họ 55 năm trước, có tên tuổi, địa chỉ, quê quán, phiên hiệu đơn vị. Tất cả tạo nên một sức nặng đáng tin cậy. Họ đã làm nên lịch sử, và lịch sử có tên tuổi rõ ràng, lịch sử không vô nhân xưng.
Một cách làm sử mới mẻ
"Nói chính xác thì đây không phải sách lịch sử. Nhưng đây là một cách tìm hiểu và viết về lịch sử rất đáng trân trọng. Nó không mới đối với thế giới, nhưng hoàn toàn mới mẻ ở VN, và cá nhân tôi cũng như Hội Khoa học lịch sử rất sẵn lòng ủng hộ những hướng đi mới. Lịch sử sẽ gần gũi với lớp trẻ và thiết thực với xã hội hơn rất nhiều qua những cuốn sách như thế này" - GS Phan Huy Lê xúc động không giấu giếm khi được hỏi về nội dung cuốn sách.
Trước khi đựơc mời viết giới thiệu cuốn sách, ông không hề có thông tin gì về những người làm sách: họ là một nhóm bạn bè, quen biết nhau vì cùng hoặc từng làm báo: Hoài Thanh (nhiếp ảnh gia), Ðặng Ðức Tuệ, Ðào Thanh Huyền, Phạm Hoàng Nam, Phạm Thùy Hương. Trẻ và nhiệt tình, họ mời được một người lính già Ðiện Biên cùng tham gia chuyến hành trình dằng dặc với mình: bác Nguyễn Xuân Mai - nguyên chiến sĩ giao liên Ðiện Biên, nguyên tổng biên tập báo Cựu Chiến Binh.
Cuộc hội thảo về chiến tranh Ðông Dương và 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ mà Tuệ và Huyền tham gia với tư cách phiên dịch năm năm về trước cùng những con số và những dấu hỏi vô tận mà những học giả trong và ngoài nước đặt ra đã thôi thúc họ phải làm một điều gì đó, cụ thể, thiết thực với những người anh hùng vô danh. Suốt năm năm từ ngày đó, với thời gian và ví tiền cùng mỏng lép như nhau, họ âm thầm đi, lặn lội, tìm kiếm, gặp gỡ. Dọc ngang đất nước, họ từng khóc không biết bao nhiêu lần vì xúc động, đau đớn và cả vì bất lực. Năm năm, với hơn 200 nhân vật đã được phỏng vấn, có những người phải gặp đi gặp lại khá nhiều lần mới chịu "mở lòng". Cuối cùng, vì khuôn khổ có hạn của cuốn sách, còn lại 167 nhân vật với câu chuyện của mình.
Những người làm sách, vượt ra khỏi ý định đầy tình cảm ban đầu, đã làm nên một pho sử chân thật với nhân vật đồng thời là đồng tác giả.
Theo TTO |