Tạp chí Sông Hương -
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày tranh, tượng giả?
08:19 | 16/04/2009
Trong cuộc Hội thảo Bản quyền tác giả Mỹ thuật Việt Nam diễn ra cuối tháng 3/2009 dư luận xôn xao khi một số nhà phê bình mỹ thuật và hoạ sĩ nghi ngờ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMT VN) trưng bày một số tranh, tượng giả, làm khó cho giới nghiên cứu mỹ thuật, đánh lừa công chúng yêu hội họa trong suốt hơn 40 năm qua.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày tranh, tượng giả?
"Thiếu nữ bên hoa huệ". Ảnh: nguồn Hà Nội Gallery.

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội) trong tham luận "Nạn chép tranh ở Hà Nội bắt đầu từ bao giờ" cũng đã nêu rõ: Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khi đế quốc Mỹ leo thang, ném bom miền Bắc,  BTMT VN có chủ trương đưa các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đi sơ tán, nhưng vẫn phải bảo đảm mở cửa thường xuyên đón khách.

Theo ông Trương Quốc Bình (GĐ BTMTVN) thì: Từ ngày thành lập BTMT VN (1966) đến nay, Bảo tàng đang quản lý gần 20.000 hiện vật, tác phẩm gồm nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó có hơn 6.000 tác phẩm hội hoạ (sơn dầu, sơn vải, lụa, bột mầu, mầu nước, khắc gỗ…), 2.117 hiện vật gốm (gốm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số tặng phẩm của bạn bè quốc tế, 4.304 hiện vật gốm Chu Đậu, 404 tác phẩm điêu khắc hiện đại (gồm tượng, phù điêu chất liệu gỗ, đồng, nhôm, đá, đất nung, gang, thạch cao), 595 tác phẩm điêu khắc cổ, 1.817 hiện vật mỹ thuật truyền thống (gồm nhiều chất liệu và thể loại: đồ đồng, đá, bạc, vải, quần áo dân tộc, sơn mài, mây tre đan, sừng, gỗ, sơn son thếp vàng)

Thực hiện chủ trương này, Bảo tàng đã tích cực mời các  họa sĩ là tác giả đến ký hợp đồng chép tranh. Sau đó, họa sĩ trong Bảo tàng cũng nhận việc và đua nhau chép tranh. Do quản lý kém, chỉ riêng việc này Bảo tàng đã để xảy ra mất nhiều tranh gốc (cả tranh không có chủ trương làm phiên bản). Hơn nữa, tình trạng tranh thật, tranh giả hiện nay ở Bảo tàng còn là một câu hỏi để ngỏ.

Tác phẩm tranh lụa của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh vào thời điểm đó tại Bảo tàng lưu giữ 27 bức, trong đó có 22 bức liên tục được sao chép. Họa sĩ Nguyễn Trọng Niết đã từng khiếu nại BTMT VN sao chép bức tranh sơn mài “Chợ Mường Khương” của ông (bức tranh này thuộc tài sản của Bảo tàng Phương Đông -Matxcơva và bức tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội khác nhau một vài mảng sơn và bớt đi một nhóm 3 người)…

Sau khi nước nhà thống nhất, hầu hết các bức tranh giả, tranh chép vẫn được treo nguyên vị trí cũ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt . Nhà phê bình Mỹ thuật không nghiên cứu được, trẻ con bị đánh lừa, công chúng xem tranh không biết đây là tranh giả.

Để làm rõ hơn ý kiến của họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo, chúng tôi có cuộc trao đổi với một số họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật xung quanh vấn đề không hề đơn giản này.


Họa sĩ Nguyễn Văn Chung


Họa sĩ Nguyễn Văn Chung (Nguyên giám đốc BTMT VN): Thời ông Nguyễn Văn Y làm giám đốc, đã cho lập xưởng để chép nhiều thứ như tranh, đồ gốm cổ, tượng... chứ Bảo tàng làm sao có được tất cả các bản gốc.

Bảo tàng hiện nay có cả tranh thật, tranh giả, tranh chép nhưng do chính tác giả chép. Như tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn, ông không chép mà nhờ người trong Bảo tàng chép. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có chép lại tranh mình, khi chép xong có một vài chỗ xê dịch với tranh gốc nhưng ông Nghiêm bảo "được" là được. Riêng tranh cụ Nguyễn Phan Chánh làm sao mà chép được, hồi cụ Chánh còn sống cụ  cũng không chép được, nên tranh cụ Chánh đều là tranh thật.

Giờ để đếm xem BTMT VN có bao nhiêu tranh thật, giả rất khó. Bảo tàng mình thiếu nhiều thứ lắm, nên chuyện chép cũng không có gì là lạ. Nói thì phải công bằng. Ông Nguyễn Văn Y cho chép, các tác giả đều biết và cho chép. Còn tác giả không trực tiếp chép mà cho Bảo tàng chép thì đều có % tiền hoa hồng bán từ các bức tranh chép ấy.

Còn muốn xác định tranh giả, thật thì dễ lắm, lập Hội đồng khoa học xác minh được ngay. Trước đây, Bảo tàng chép tranh là để bán và cũng vì chiến tranh, phải chép làm triển lãm lưu động. Bom đạn như thế, thì không thể mang tranh thật đi triển lãm được và đây cũng là chủ trương ông Nguyễn Văn Y (Giám đốc BTMT VN cũ)


Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp

 

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp (Bảo tàng viên chính): Năm 1990 trở về trước và cả quá trình thành lập BTMT VN thì không có  nhiều tác phẩm tốt. Tác phẩm tốt nằm rải rác ở nhà sưu tập, nhà chơi tranh như ông Đức Minh, ông Lâm café, ông Đạm… Nhưng bộ sưu tập ông Đức Minh lớn nhất, có những bộ tương đương hoặc hơn Bảo tàng

Bảo tàng cũng giữ nhiều tác phẩm đẹp, nhưng tác phẩm tốt và "đinh" thì ông Đức Minh mới có. Khi Bảo tàng ngỏ ý mượn để trưng bày triển lãm thì ông Đức Minh đồng ý. Thời gian miền Bắc chiến tranh ác liệt, phải đưa bản gốc đi sơ tán. Lãnh đạo của Bảo tàng có trao đổi với ông Đức Minh: Dân chúng đã quen thưởng thức đầy đủ hệ thống tranh như đã trưng bày, xin phép ông Đức Minh được phiên lại thành bản khác.

Ông Đức Minh đồng ý và tranh của họa sĩ nào được đưa về cho họa sĩ ấy phiên. Tranh ông Nghiêm (họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm) thì ông Nghiêm làm, tranh ông Phái (họa sĩ Bùi Xuân Phái) thì ông Phái làm. Nhưng khi các ông phiên, các bản lại không giống bản ông Đức Minh, có bản thêm vào và bớt đi. Gọi đó là bản phiên từ tranh gốc thì không phải, mà nên gọi là dị bản.

Ví dụ như bức tranh “Giao thừa bên Hồ Gươm” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm nằm trong sưu tầm Đức Minh và một bản vẽ cho Bảo tàng khác nhau ở số lượng người đi lại, bố cục hình, số lượng người, hình cây... Chính bản thân ông Nghiêm cũng vẽ một cái “Giao thừa bên Hồ Gươm” nữa tại nhà mình. Và cái bản thứ 3 này khác 2 bản trước. Vậy nên, dị bản thực chất là bản chính, nằm trong tổ hợp của họa sĩ sáng tác. Trong sáng tác, dị bản là bản chính chứ không phải là bản phiên. Thêm nữa, đầu những năm 80, Bảo tàng có ký hợp đồng với Xunhasaba, phiên các tác phẩm để bán, cho đến cuối thập kỷ trước thì Bảo tàng chấm dứt hợp đồng.

Trước năm 1990, Bảo tàng có treo tranh bản phiên (một số tác phẩm  của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm có bản dị bản và đấy phải gọi là bản chính), có cả “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân. Sau năm 1990, Bảo tàng không bày bản phiên nữa, chấm dứt bày bản phiên.

Từ đấy, Bảo tàng cố gắng đưa ra bản chính. Bảo tàng muốn triển khai tiến trình mỹ thuật từ 2.500 năm đến giờ nên rất nhiều hiện vật nằm trong phần cổ không có bản gốc. Như tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay phiên bản là chất liệu gỗ (bản gốc nằm ở chùa Bút Tháp), tượng phật Adiđà phiên bản bằng chất liệu composit (bản gốc bằng chất liệu đá hiện ở chùa Phật Tích), những tác phẩm thạch cao chuyển đổi chất sang đồng như “Tuổi 20” (Vương Học Báo), “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” (Đào Văn Can), “Anh Trỗi; Chiến thắng Điện Biên” (Nguyễn Hải)… thì Bảo tàng dựng lại bản phiên để bày theo tiến trình lịch sử. Cho đến bây giờ duy nhất chỉ có một bản phiên là tranh lụa “Hành quân mưa” của họa sĩ Phan Thông, vì bản chính đã bay hết mầu.


Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương): Tranh bản gốc, phiên bản và dị bản ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không rạch ròi ở chỗ: Không có chú thích là phiên bản, dị bản hay bản gốc ở mỗi tác phẩm. Và khi xem, người ta vẫn tưởng đó là tranh bản gốc và rất nhiều tranh thời Đông Dương rơi vào trường hợp này. Còn nếu Bảo tàng không có bản gốc (vì lý do này kia) thì bản thân Bảo tàng phải ghi rõ đâu là bản gốc, đâu là phiên bản. Nếu không, thế hệ đời sau không được thưởng thức chân bản, hoặc ít đi.

Nhìn vào đời sống mỹ thuật Việt có những chuyện rất buồn nhưng đó cũng là tất yếu. Chuyện họa sĩ bán được tranh, họ cũng tự "nhái" tranh mình. Anh em họa sĩ chấp nhận làm tranh thị trường để sống. Gallery cần tranh, áp đặt họa sĩ theo thị hiếu người mua tranh. Sách tranh cũng có rất nhiều tranh giả… Những tranh giả dần dần xoá đi những Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.

                                                                                                                Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng