Tạp chí Sông Hương -
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng: Sẽ ban hành quy chế trùng tu di tích
10:11 | 16/04/2009
Từ thực tế tu bổ di tích đền Rồng, thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng đang gây nhiều ý kiến trái chiều, ngày 15-4, PV SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng về công tác tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng: Sẽ ban hành quy chế trùng tu di tích
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng

- PV: Một thực trạng không vui là khá nhiều di tích đang ở tình trạng xuống cấp nhưng việc tìm nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo rất khó khăn, trong khi đó, ở một số nơi khi có kinh phí thì việc tiến hành tu bổ lại thiếu tính chuyên nghiệp, làm giảm giá trị của di tích?
 
- Thứ trưởng TRẦN CHIẾN THẮNG: Với một số di tích cấp tỉnh, việc tu bổ, tôn tạo di tích cũng được xếp chung vào các công trình xây dựng cơ bản, phải tuân thủ đúng theo quy trình thủ tục của một dự án đơn thuần. Vì thế, nhiều đơn vị không có chuyên ngành cũng có thể tham gia đấu thầu và trúng thầu khiến việc tu bổ các di tích không đạt được đúng mục đích như mong muốn. Đây cũng là một trong những khó khăn mà đơn vị quản lý di sản gặp phải. Cho tới thời điểm này sự tréo ngoe này vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương.

- Vướng mắc thường xuất hiện trong quá trình tu bổ, bảo tồn di tích là quan điểm giữ nguyên trạng hay nguyên gốc. Với tư cách là nhà quản lý, ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Giữ nguyên trạng tức là không tác động bất cứ cái gì đến di tích cả, từ việc quét lại một bức tường đã ố mốc... Còn quan điểm bảo tồn nguyên gốc, đâu sẽ là “gốc” để đem ra đối chiếu khi di tích càng cổ kính, trải qua nhiều đời sẽ có nhiều chi tiết, công trình, dấu ấn của các thời tác động lên đó. Nếu phục hồi nguyên gốc theo cái đầu tiên thì cũng không có cơ sở (vì nhiều di tích may mắn lắm chỉ còn lại một tấm bia ghi thời gian xây dựng) mà nếu có thì chẳng lẽ lại gạt bỏ, phủ nhận hoàn toàn những dấu ấn của các thời đại sau này. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất lấy yếu tố gốc để trùng tu di tích là thời điểm chúng ta tiếp nhận di tích (thời điểm công nhận di tích).

Thứ trưởng Trần Chiến Thắng cho biết, đền Rồng là di tích cấp tỉnh nên địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Đây là công trình xây mới trong thời kỳ khó khăn của đất nước nên việc xây dựng không theo một tiêu chuẩn nào. Hiện nay bộ cũng đã cử đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế di tích đền Rồng.  

- Việc này có làm giảm “tuổi” của di tích?

- Cần phải bàn thảo kỹ lưỡng hơn về định nghĩa “tuổi” của di tích. Theo tôi, di tích có giá trị về cả xác và hồn. Hơn nữa, cần phải nhìn nhận thực tế là di tích được xây dựng bằng vật liệu là gỗ chẳng hạn thì sau 700 năm liệu còn sót lại những gì, nếu có còn thì chắc chắn cũng đã mục nát rồi. Vì thế, nếu không tu bổ, xây mới thì liệu di tích còn gì? Ngoài các yếu tố gốc được phát triển và gìn giữ, cũng phải chấp nhận việc một số chi tiết phải làm mới.

- Nhưng dường như, người ta ngày càng đưa nhiều vật liệu mới vào tu bổ. Việc “trẻ hóa” di tích như vậy có nên không?
 
- Di tích nào cũng phải trải qua nhiều đợt tu bổ, sửa chữa và ở thời kỳ nào cũng vậy, người dân luôn có cùng tâm lý là mong muốn được áp dụng những điều kiện tốt nhất. Ngày xưa, các cụ cũng dùng các loại gỗ tốt nhất, gạch tốt nhất để xây dựng đình, đền... và hiện nay, người dân cũng mong muốn được dùng vật liệu tốt nhất để tu bổ di tích của mình, vì thế vật liệu dùng thay thế hiện nay có thể không phải là đúng loại đất ngày xưa, với quy trình nung thủ công thời bấy giờ nhưng về cơ bản, chúng vẫn giữ được thần thái, đường nét, hoa văn, màu sắc của vật liệu xưa.

- Mong muốn là vậy nhưng nay vẫn còn nhiều di tích được tu bổ khá tùy tiện theo số tiền kêu gọi được của ban quản lý di tích? Trách nhiệm của cơ quan quản lý về vấn đề này như thế nào?

- Quy trình chuẩn tu bổ di tích đang được xúc tiến hoàn tất sẽ thay thế cho quy chế cũ, quy định cụ thể về các thủ tục, cũng như các tiêu chí bắt buộc khi tiến hành tu bổ, sửa chữa, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử..., sẽ được công bố vào cuối năm 2009. Theo đó, có thể sẽ được áp dụng quy chế chỉ định thầu đối với công trình tu bổ, tôn tạo di tích. Một số vị trí tham gia vào quá trình này như  người giám sát, thợ chính... cũng cần phải có kiến thức về tu bổ di sản, có chứng chỉ hành nghề đặc biệt mới được tham gia vào việc tu bổ. Không thể để bất cứ ông thợ mộc nào cũng được đụng tay vào việc dựng cột, kèo... Hy vọng khi đó sẽ tránh được những hành vi ứng xử chưa đúng với di sản.

                                                                                                            Theo SGGPO

Các bài mới
Các bài đã đăng