Phim Trần Thủ Độ: Khâu nào cũng có chuyên gia Trung Quốc tham gia
Quyết định kéo dài thời lượng phim từ 15 tập thành 30 tập nhưng cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa có quyết định phê duyệt tổng dự toán của 30 tập phim này. Được biết, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai gấp phiên họp Hội đồng duyệt giá vào tuần tới. Thời gian đang là một áp lực lớn đối với đơn vị sản xuất nên giải pháp hiện tại không phải là “ngồi chờ” mà phải “vừa đun nước vừa nhặt rau” trên cơ sở những gì đã được “bật đèn xanh”. Cũng do phim kéo dài thời lượng nên kế hoạch quay tại Trung Quốc cũng phải thay đổi. Một phần do phía trường quay Hoành Điếm từ nay đến tháng 8.2009 đang có quá nhiều đoàn làm phim hoạt động, không có “chỗ” cho đoàn phim của VN nên phải bấm máy các cảnh ở VN trước. Phần khác, do thời lượng kéo dài, nên một số cảnh dự kiến quay ở Trung Quốc phải... dời về VN để đảm bảo về vấn đề kinh phí. Mặc dù vậy, so với kịch bản cũ, số lượng các cảnh thực hiện tại Trung Quốc trong kịch bản mới vẫn “đội lên” khá nhiều.
Ông Đặng Tất Bình, Giám đốc đơn vị được đặt hàng sản xuất Trần Thủ Độ cho biết, đã lên kế hoạch tập huấn về diễn xuất cho đội ngũ diễn viên tham gia phim trong vòng 3 tuần tại VN vào tháng 5.2009. Việc thuê ngựa từ Trung Quốc cũng đã được khảo sát và tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Bình, qua khảo sát thực tế các trại ngựa ở VN, đặc biệt là ở Hóc Môn- nơi đoàn làm phim Tây Sơn hiệp khách (Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất) thuê ngựa đóng phim, thì ngựa ở VN quá nhỏ (con cao nhất cũng chỉ khoảng 1,3m, trong khi ngựa ở Trung Quốc con thấp nhất cũng cao khoảng 1,6m). Mặt khác, ở góc độ tạo hình, nếu để các nhân vật chính cần đến phong độ lẫm liệt như Trần Thủ Độ cưỡi những chú ngựa “còi” e không ổn. Đó là chưa kể đến giá thuê ngựa ở trong nước không hề rẻ so với giá thuê tại Trung Quốc, thậm chí còn đắt hơn. Mơ ước của đơn vị sản xuất là đem được từ Trung Quốc về 6 con ngựa cùng các mã phu chuyên đóng phim. Ngoài ra, sẽ sử dụng thêm ngựa ở Hóc Môn, trại ngựa Bá Vân- Thái Nguyên v.v... trong những hậu cảnh. Riêng về vấn đề sử dụng chuyên gia nước ngoài, ông Bình khẳng định khâu nào cũng có chuyên gia Trung Quốc tham gia: trợ lý đạo diễn, họa sĩ thiết kế, họa sĩ hóa trang, đạo diễn võ thuật, trợ lý sản xuất, diễn viên quần chúng v.v...
Chuyện về người con của Rồng chủ yếu nói về tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn thời gian ở Bắc Ninh. Chúng tôi đưa vào phim nhiều trường đoạn mờ, ảo, như: cậu bé Lý đối thoại với tượng Hộ Pháp trong chùa Cổ Pháp; đối thoại với khỉ; đối thoại với rồng; điều khiển đàn chim sửa lại vườn rau bị giẫm nát v.v... và giấc mơ dời đô của nhà vua trẻ sau này là khúc vĩ thanh đẹp của bộ phim. Đúng là kỹ thuật 3 D ở VN vẫn còn manh mún và chưa chuyên nghiệp. Nhưng bằng những gì đã và đang làm, tôi dám chắc sẽ đem đến cho người xem những hình ảnh ấn tượng nhất về phim hoạt hình 3D đề tài lịch sử “made in Vietnam”. (Đạo diễn Phạm Minh Trí)
|
Chuyện về người con của Rồng: Cật lực thì cuối năm 2009 mới có thể làm hậu kỳ
Đã triển khai được hơn 100 cảnh diễn xuất, nhưng: “Mỗi ngày phải cày được 10 cảnh, làm cật lực đến cuối năm mới xong phần tiền kỳ”, vậy mà 10 ngày sau, vẫn không thêm được cảnh nào. Lý do thì nhiều, nào là tiền ít nên làm gì cũng phải tính toán; trời mưa kéo dài nên không triển khai quay ngoại cảnh được; rồi những cảnh đã triển khai diễn xuất cũng chưa ưng ý, phải sửa, chỉnh, thậm chí thay đổi... Nhưng “mắt xích” của vấn đề vẫn là sáng tạo trong điều kiện cái gì cũng mò mẫm, đụng đâu thiếu đó. Đạo diễn Phạm Minh Trí kể: “Lần đầu tiên VN làm phim hoạt hình 3D với nhân vật là người và thời lượng là 100 phút. Chúng tôi đã đi khảo sát các cơ sở làm 3D ở trong nước và sang cả Trung Quốc. So với Trung Quốc, công nghệ 3D ở VN mới chỉ ở giai đoạn thể nghiệm, vẫn còn manh mún lắm. Mạnh về công nghệ 3D như Trung Quốc, lại có sẵn các điều kiện về hạ tầng sản xuất phim hoạt hình 3D, vậy mà họ vẫn ngại thực hiện những đại cảnh lớn, những cảnh chiến trận và đặc biệt là cảnh nước. Với kịch bản Chuyện về người con của Rồng, nếu vào tay họ cũng cần 3 năm để sản xuất. Trong khi ta thiếu đủ thứ, thì lại chỉ có 2 năm để thực hiện bộ phim này”.
Ông Trí cũng cho biết, kinh phí sản xuất 10 phút phim Chuyện về người con của Rồng chỉ tương đương với 10 phút phim 2 D, sản xuất không phức tạp mà các phim của Hãng phim Hoạt hình VN đã được duyệt giá. Trong khi đó, để có một cảnh phim 3D hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nước là một thách thức ở phim 3D ngay cả đối với các nhà làm phim Trung Quốc thì các nhà làm phim VN vẫn đang phải tìm tòi để thể hiện thuyết phục những cảnh nước trong Chuyện về người con của Rồng, như: cảnh cậu bé Lý đi chơi với cá chép trên sông; cảnh cá chép hóa rồng; những cảnh rồng bay trên mây, chui xuống nước... Vì kinh phí không “rủng rỉnh” nên mặc dù “choáng” khi mục kích sở thị công nghệ 3D của Trung Quốc, nhưng Hãng phim Hội Điện ảnh, đơn vị được đặt hàng sản xuất phim này vẫn quyết định sử dụng hoàn toàn công nghệ “nội” với sự vào cuộc của 15 họa sĩ trên máy thuộc Công ty 3D Sao La và chỉ thuê Trung Quốc làm âm thanh, đưa một số tiếng động giả vào phim ở giai đoạn cuối.
Theo VHO |