Ông Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội) khẳng định như vậy trong báo cáo giám sát của ủy ban này về tình hình thi hành Luật di sản văn hóa trong tám năm qua. Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 17-4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết một trong những nội dung lớn của việc sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa lần này là để khắc phục tình trạng nêu trên.
Qua giám sát, cơ quan của Quốc hội cho thấy Hà Nội là nơi có số lượng di tích lớn nhất cả nước và cũng là địa phương có nhiều di tích bị xâm phạm nhất với trên 300 di tích. Ở TP.HCM, gần 1/3 số di tích quốc gia đang bị xâm phạm.
Bộ VH-TT&DL thừa nhận nhiều di tích bị tu sửa sai quy cách là do buông lỏng quản lý và do sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương, nhân dân, các vị trụ trì đền chùa và cả đơn vị thi công trong việc muốn di tích bền vững (muốn thay mới toàn bộ cho bền chắc nên phản đối việc áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp...), muốn di tích được “xứng tầm” hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến làm mới di tích, việc tu bổ di tích còn dựa vào kinh nghiệm, ít dựa vào luật và các văn bản dưới luật, kết quả là di tích gốc bị biến dạng.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, so với quy định hiện hành, nét mới của dự thảo luật nêu trên là quy định về việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích “phải giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích và phải được lập thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích là yêu cầu nhằm hạn chế việc “làm mới” di tích khi di tích được tu bổ. Dự thảo luật giữ nguyên nội dung quy định giao thẩm quyền cho Bộ VH-TT&DL ban hành quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, đồng thời bổ sung quy định giao: “Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và triển khai dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích”.
Theo TTO |