Một danh hiệu chỉ tồn tại ở Xứ sở sương mù - mà suốt bốn thế kỷ qua, chỉ 23 người được hưởng.
Từ thời trị vì của vua Anh James đệ nhất (1603-1625), một người dòng giống quý tộc có năng khiếu làm thơ đặc biệt được nhà vua chỉ định bằng một sắc lệnh làm “Thi sỹ của Hoàng gia”. Nhiệm vụ của nhà thơ ấy là ca ngợi triều chính nói chung và các nhân vật của Hoàng gia nói riêng, thông qua những thời điểm quan trọng, như sinh nhật hay hiếu hỉ.
Thi sỹ Hoàng gia được coi như một “nhà cầm quyền” về văn chương, nhất là thơ ca, mặc dù sáng tác của nhiều vị thường chỉ tầm tầm. Một khi được tôn phong, vị này sẽ giữ tước hiệu đó đến khi tạ thế.
Nhà thơ cung đình sáng giá bậc nhất trên thi đàn Anh là William Wordsworth (1770-1850), với một giọng điệu riêng cho tới giờ vẫn gây ấn tượng. Bốn trăm năm qua, chỉ một nhà thơ hoàng gia ở thế kỷ 17, bị vua phế truất, ấy là nhà viết kịch John Dryden.
Lần này, nhà thơ Adrew Motion vừa công bố một bài phân bua dài trên tờ “The Guardian”, theo đó, ông tự nguyện từ bỏ vinh hạnh Thi sỹ Hoàng gia, trở lại làm một người viết bình thường. Hoàng gia và dân chúng đều bị sốc vì ông là một ngòi bút uy tín vững vàng và ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng tại Anh.
Qua nhiều cuộc thăm dò mới được tiến hành, Andrew Motion, sinh năm 1952, được suy tôn là cây bút kỳ vỹ thứ hai mươi bốn của Anh, bên cạnh Shakespeare, Dickens, Jane Austen, ba chị em nhà Bronté, Bernice Rubens, James Kelman, Dylan Thomas hay JK. Rolling… Ông là một trong hai nhà thơ Anh còn sống được công chúng hâm mộ nhất (cùng nhà thơ Seamus Heaney, sinh năm 1939).
Tốt nghiệp đại học khoa học xã hội, hiện ông vừa giảng dạy văn chương ở Đại học tổng hợp London, vừa viết tiểu thuyết, làm thơ, vừa xuất hiện thường xuyên trên truyền hình như một cố vấn đáng tin cậy về văn chương nghệ thuật, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội vì lợi ích của cộng đồng.
Năm 1999, ông được Nữ hoàng Elisabeth II phong làm Thi sỹ Hoàng gia. Tới nay, ông lưu lại tám bài thơ hay sáng tác theo nhiệm vụ, ví dụ bài nhân 21 năm sinh của Thái tử William, bài xưng tụng 100 năm chào đời của Hoàng thái hậu Anh, rồi lễ kết hôn năm 2003 của Thái tử Charles với Camilla Bowle.
Andrew Motion đặc biệt ấn tượng ở những thi phẩm về người mẹ bất hạnh của ông. Năm ông 16 tuổi, mẹ ngã ngựa và bị hôn mê, rồi tỉnh, rồi mê, cứ vậy suốt mười năm ròng, cho tới khi bà tắt thở.
Dĩ nhiên, ông không tự đóng khung sáng tạo của mình trong thơ phú hoàng tộc. Năm 2001, ông gây chấn động không chỉ dư luận Anh khi cho ấn hành một bài thơ phản đối cuộc chiến tranh do chính quyền Mỹ tiến hành với sự hỗ trợ đắc lực của chính phủ Tony Blair.
Bài thơ viết theo kiểu cổ điển, trong đó Thần chết phát biểu trên đường phố về cuộc chiến tranh vô lý và vô vọng. Thực tế chứng minh cảm nhận của Andrew Motion là không nhầm.
Đầu năm 2008, theo yêu cầu của Đài BBC, ông tìm gặp cụ Harvey Patch, 110 tuổi, người lính Anh cuối cùng từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ I, hiện vẫn sống. Ông không sáng tác thơ về cuộc gặp gỡ, cũng không ghi lại cuộc trò chuyện với cụ, dưới dạng một cuộc phỏng vấn, mà viết một bài báo thông thường.
Đăng trên “The Guardian”, bài báo lay động lòng người như một bút ký văn học tầm cỡ. Nó là một trung tâm khởi phát suy ngẫm trong đợt kỷ niệm chín mươi năm Đại chiến I kết thúc.
Trăn trở về hiện tình đất nước và thế giới, hẳn Andrew Motion muốn thi ca phải thiết thực, và có lẽ ông thấy mình phù phiếm khi cứ mãi đóng vai Thi sỹ Hoàng gia. Đây có thể là một lý do của việc ông từ chức. Từ lúc ông tuyên bố rút lui khỏi danh hiệu “nhà thơ cung đình”, truyền thông Anh bắt đầu ráo riết nhìn nhận về quá khứ của Vương quốc Anh, sôi nổi bàn luận về chuyện có cần thiết duy trì hay không truyền thống thi sỹ hoàng tộc…
Trong bài đã nói, Andrew Motion thú nhận làm thơ ngợi ca Hoàng gia là một việc khó. Điều kiện tiên quyết là thi nhân phải có cảm hứng chân thực, dồi dào và mãnh liệt. Tới nay, “cảm hứng cung đình” của ông đã cạn kiệt. Ông có đôi chút “oán trách” Nữ hoàng ít chia sẻ với ông những suy tư và cảm xúc của bà.
Ông nói, muốn hiểu hơn nữa cảm nghĩ của “thần dân” Vương quốc Anh. Phụ họa, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng Anh cho rằng có lẽ nên chấm dứt việc “đề bạt nhà thơ triều đình”, điều trói buộc một tài thơ đích thực.
Tuy nhiên, Nữ hoàng Anh vẫn đang xem xét, chọn lựa giữa nhiều nhà thơ được tiến cử và sẽ bổ nhiệm thi sỹ hoàng gia mới vào tháng năm tới đây. Trong khi đó, một số quốc gia, trong đó có , đang đòi hỏi phải có nhà thơ hoàng tộc của họ.
Cộng hòa Pháp thì dự tính tuyên xưng “thi sỹ nhà nước” để tôn vinh những vẻ đẹp lộng lẫy của nước Cộng hòa và những thành tích của các nhà lãnh đạo đất nước.
Theo TPO |