Tạp chí Sông Hương -
Ngày văn hóa các dân tộc VN: Vui hội tụ, buồn... hội chợ
08:20 | 21/04/2009
Tối 19-4, tại sân khấu trung tâm của Làng văn hóa các dân tộc VN (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), một chương trình nghệ thuật tổng hợp đã khép lại Ngày văn hóa các dân tộc VN lần thứ nhất (18 và 19-4-2009).
Ngày văn hóa các dân tộc VN: Vui hội tụ, buồn... hội chợ
Một màn trình diễn về tục lệ đám cưới của người dân tộc Dao - Ảnh: CÙ ZAP

Ngót vạn người xem bao chật sân khấu để theo dõi Hội xuân đất nước, Quê hương sử thi, Hát giao duyên, Tình yêu, khát vọng, thử thách và VN mến yêu - năm nội dung được thể hiện sống động tại lễ công bố Ngày văn hóa các dân tộc VN.

54 dân tộc và cảm hứng Diên Hồng

Những gì đặc thù nhất của 54 dân tộc mọi vùng miền từ đờn ca tài tử đến hát then, hát bội, hát bài chòi, hát ông, xoan ghẹo... đều hội tụ về đây. Những hình ảnh tươi nguyên của các dân tộc anh em vùng trung du đồng bằng, hải đảo được tái hiện bài bản.


Giữa trưa nắng, khách tham quan ngồi la liệt ngay trước cửa nhà công vụ,
vì duy nhất chỗ này có hàng cây để tránh nắng - Ảnh: CÙ ZAP


Khán giả được nghe kể về Ðam San qua tiếng Ê đê, Gia Rai với những dòng giới thiệu tóm tắt bằng tiếng Kinh trên màn hình, được nghe từ "đẻ đất đẻ nước" bằng tiếng Mường đến bản tình ca Sống trụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu) của người Thái cũng như mục kích những bà con ở chợ vùng cao Tây Bắc xuống chợ dắt ngựa thồ ra sao, nấu thắng cố trên nhà sàn như thế nào, các nghệ nhân diễn rối nước sử dụng con rối ở thủy đình ra sao. Hơn 1.000 diễn viên gồm các nghệ nhân, đồng bào đến từ 54 dân tộc và một số văn công của Ðoàn ca múa kịch Thăng Long tham gia trong buổi diễn này.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục - tác giả kịch bản lễ công bố - cho biết khi nhận lời làm kịch bản này ông nghĩ ngay đến ý tưởng phải tiến hành một cuộc hội nghị Diên Hồng về văn hóa, "một hội nghị bàn về cách hiến kế xây dựng bảo vệ, phát triển và gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Vào thế kỷ thứ 13, chính quyết tâm của hội nghị Diên Hồng năm xưa đã đưa nhà Trần ba lần thắng lợi chống Nguyên Mông. Giờ đây trong công cuộc xây dựng, phát triển và phòng thủ đất nước, VN càng cần đến tính đại đoàn kết trong văn hóa Diên Hồng - một trong những giá trị cao nhất trong hệ giá trị VN".

Những điều chưa vui
Đây là lần tập dượt

Ông Ngô Quang Hưng - phó vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, người phải trực tiếp tham gia công tác dẹp trật tự tối 18-4 tại khu vực biểu diễn - thừa nhận có sự phối hợp chưa ăn ý giữa công tác bảo vệ trật tự, đảm bảo giao thông với khâu tổ chức sự kiện, dẫn đến nhiều chuyện không vui tại ngày văn hóa. Theo ông, thực tế đây là lần tập dượt, rút kinh nghiệm lớn trước thềm đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Về điều kiện biểu diễn khiến một số nghệ nhân than phiền, ông Ngô Quang Hưng cho biết đây là cách đưa văn hóa về với cơ sở: “Ban tổ chức hoàn toàn có đủ điều kiện để đưa sân khấu, âm thanh ánh sáng hiện đại đến đây. Nhưng muốn tăng cường giao lưu phải có chất không khí làng bản, tiếp cận đời sống với quy mô các cấp đều có thể tổ chức được. Hơn nữa trong điều kiện nắng nóng, không thuận lợi sẽ tìm được tiếng nói chung giữa... nghệ sĩ và người xem”.


29 đoàn nghệ nhân đại diện cho 54 dân tộc về biểu diễn trong hai ngày được xếp lịch diễn ngoài trời vào những thời gian nắng nóng nhất, có lúc lên tới 390C. Khu biểu diễn thực chất là một sân khấu ngoài trời có tổng diện tích chưa tới 20m2, nhiều nghệ sĩ sau một chặng đường dài tỏ ra nản lòng khi đặt chân xuống làng văn hóa.

Anh Ðiểu Hiền - nghệ nhân đoàn Bình Phước - bức xúc: "Ðoàn chúng tôi phải mướn NSƯT viết kịch bản, làm nhạc, biên đạo múa, tập luyện rất cực khổ. Nhưng ra đến đây chúng tôi được biểu diễn trên sân khấu quy mô chỉ bằng một sân khấu xã. Một màn biểu diễn hương rượu cần, sân khấu nhỏ, không có đèn hỗ trợ, chúng tôi diễn sao?".

Ông Nguyễn Văn Bàng - phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai - không phủ nhận mình có cảm giác hơi hụt hẫng: "Khâu tổ chức các hoạt động rất tản mạn, rời rạc. Ðiều kiện để các nghệ nhân tham gia biểu diễn, từ sân khấu khai mạc đến sân khấu biểu diễn giao lưu quá sơ sài.

Trái với cảnh tượng vắng hoe tại các gian triển lãm tranh dân gian, bảo tàng lịch sử các dân tộc, triển lãm trang phục truyền thống…, không khí nhộn nhịp đông vui nhất là ở khu trò chơi và ẩm thực. Bên cạnh một số trò chơi (số lượng rất ít) đậm đà bản sắc dân gian như tổ tôm của CLB tổ tôm điếm (Bắc Ninh), lại xuất hiện các trò vui chơi có thưởng thường chỉ xuất hiện ở công viên. Hàng loạt trò chơi ăn tiền dạng "sòng bạc lưu động" được bày ra ngang nhiên như: úp ngửa tiền xu, xóc đĩa, cờ tướng. Tại khu ẩm thực, các quán mía đá, sữa chua và đồ nhậu gà đồi kín khách, xung quanh là ngổn ngang bã mía, lông gà.

Trong 10 ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ có một ngày giao lưu văn hóa dành cho 54 dân tộc VN. Ngày hội 19-4 cũng được coi là một lần tập dượt trước kỳ đại lễ. Nên chăng xem lại công tác tổ chức, để người dân còn được "những mong đến hẹn lại lên...".

                                                                                                                    Theo TTO

Các bài mới
Các bài đã đăng