"Chỉ riêng Đài Truyền hình TP HCM (HTV), mỗi năm đã cần đến cả ngàn tập phim nên diễn viên của chúng ta hiện nay rất nhiều nhưng không ai thất nghiệp…", Phó Tổng giám đốc HTV, ông Nguyễn Chí Tân khẳng định ngay trước thềm tổ chức giải thưởng "Ngôi sao ngày mai" 2009.
Đặt chân vào lĩnh vực nghệ thuật thứ 7 đã không còn là giấc mơ xa xôi nhưng dường như mảnh đất vốn được coi là một trong những "thánh địa" của cái đẹp cũng ngày càng ít thiêng liêng hơn bởi "tạp - pí - lù" những toan tính, những mục đích nằm ngoài nghệ thuật.
300.000 đồng = được đóng phim
Không phân biệt già, trẻ hay xấu, đẹp, chỉ cần có đam mê, 300.000 đồng phí chụp ảnh nghệ thuật gửi cho đạo diễn, chắc chắn sẽ được đóng phim trong vòng 1 tuần sau khi chụp ảnh, cát sê tùy theo vai diễn…
Đó là lời mời thực sự hấp dẫn trong đợt tuyển 100 diễn viên quần chúng tháng 4/2009 của Trung tâm dạy nghề và tư vấn việc làm thanh niên tại TP Hồ Chí Minh đối với bất cứ ai mơ ước được một lần xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, chưa kể những bạn trẻ đang khao khát được nổi tiếng bằng mọi giá hiện nay.
Chị Giảng Thị Bích Phương, chuyên viên tư vấn của Trung tâm cho biết: Đây không phải là đợt tuyển diễn viên quần chúng đầu tiên của đơn vị. Từ năm 2007, Trung tâm đã tổ chức khá nhiều đợt tuyển diễn viên tương tự, trong đó có một vài gương mặt đã bắt đầu "thấp thoáng" với tần suất ngày càng cao hơn trên các phim truyền hình thời gian gần đây.
Có cầu thì có cung là chuyện thường tình. Tuy nhiên, nếu nhiều người tham gia đóng phim với mục đích phấn đấu trở thành diễn viên chuyên nghiệp thì không ít trong số đó chỉ vì đam mê nhất thời mà đôi khi ngay bản thân họ cũng không lý giải được vì sao...
Và những góc tối sau màn ảnh
Quản lý Công ty Tây Nguyên film, Phan Thắng cho biết: Có cả ngàn lẻ động cơ cũng như thành phần đối tượng tìm đến đề nghị được tham gia đóng phim. Làm để thỏa mãn sự thích thú được đóng phim, làm vì cần thêm những cầu nối để vươn đến con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, làm vì cần chút hỗ trợ cho hoạt động của bản thân trong lĩnh vực khác, thậm chí đôi khi phim trường còn trở thành nơi để những người đã có vị trí nhất định trong xã hội tò mò tìm đến giống như một cách giải trí để xả stress…Thế nên, chuyện chuyên nghiệp với diễn viên kiểu này còn là khoảng cách xa vời vợi.
Đây cũng là nguyên nhân của vô số chuyện dở khóc dở cười chốn phim trường: Vào vai quần chúng công nhân, được dặn kỹ càng phải mặc đồ giản dị cho phù hợp thì diễn viên lại chỉ mang theo đồ kiểu hàng hiệu để trưng diện cho đẹp trên phim. Chỉ thoại vài ba câu mà báo hại đạo diễn quay đi quay lại cả chục lần không đạt, buộc phải thay diễn viên khiến "bầu" bị chửi mất mặt.
Không chỉ với diễn viên quần chúng, những người hoạt động nghệ thuật nghiệp dư mà ngay với nhiều người theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp thì đóng phim cũng không hẳn là nghề để kiếm sống.
Chuyện chiếc áo làm nên thầy tu đã trở thành luật bất thành văn trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật. Cát sê của một MC, một ca sĩ, nhóm múa chuyên phục vụ các đám cưới, nhà hàng sẽ hoàn toàn khác khi anh ta còn vô danh so với lúc được xuất hiện vài lần, nhất là khi ghi được dấu ấn nào đó trên phim.
Tuy nhiên, để có thể vượt qua một nấc thang, nhích lên trên con đường nghệ thuật không phải dễ dàng, nếu không muốn nói là đầy thử thách, đôi khi là cả sự đánh đổi nhân phẩm mà rất nhiều khi kết quả thu về chỉ là những bài học cay đắng.
Thực tế, các diễn viên tay ngang, có chút sắc vóc gia nhập đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp ngày càng nhiều trên các phim, đặc biệt là phim truyền hình nhưng nhan sắc, tuổi trẻ, sự lanh lợi và cả may mắn không giúp họ thực sự bật lên khỏi những vai diễn nhàn nhạt, những bộ phim xem xong rồi quên.
Sẽ không có sự phát triển bền vững, không đứng vững được với nghề nếu bên cạnh đam mê không có một nền tảng kiến thức vững chắc. Thế nên, không khó hiểu vì sao nhiều diễn viên đã bắt đầu có chút tiếng tăm lại quay trở về "dùi mài kinh sử" trên ghế nhà trường Theo CAND Online |