Đây là năm đầu tiên Việt
đệ trình di sản văn hoá phi vật thể theo tiêu chí mới của Unesco và thời điểm này có thể khẳng định, Hồ sơ Quốc gia Hát ca trù của người Việt đã qua “vòng một” - vòng thẩm định đầu tiên.
Nhìn lại một chặng đường
TS Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia VN cho biết: “Do những đặc thù của nghệ thuật ca trù, việc lập Hồ sơ Quốc gia Hát ca trù của người Việt đã được Viện Âm nhạc tiến hành từng bước khẩn trương và rất cẩn trọng”. Bắt đầu từ năm 2005, Viện Âm nhạc đã tổ chức nhiều cuộc điền dã khảo sát, sưu tầm tài liệu, ghi âm, ghi hình và phục hồi các thể cách ca trù bao gồm có ca, múa, nhạc đến cách thức trình diễn ca trù trong các không gian văn hoá khác nhau: Hát cửa đình, Hát chơi, Hát chúc hỗ. Hàng loạt nghệ nhân đã trở lại biểu diễn ca trù. Nhiều tài liệu Hán Nôm, các văn bia chạm khắc, di tích liên quan đến ca trù được phát hiện...
Tính từ năm 1990 đến năm 2007 có 7 hội thảo khoa học về di sản ca trù ở nhiều cấp độ, quy mô khác nhau và 3 liên hoan, hội diễn, thi hát về ca trù trên quy mô cả nước được tổ chức cho thấy, nghệ thuật ca trù đã và đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo tầng lớp nhân dân, các ban, ngành.
Nhìn lại một chặng đường, Ban xây dựng Hồ sơ Ca trù của Viện Âm nhạc nhìn nhận: “Sau 8 tháng làm việc có kế thừa, nối tiếp các thông tin đã có trước và tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm tư liệu mới nhằm đáp ứng được tiêu chí do Unesco đề ra đối với Hồ sơ, bằng nội lực, cùng sự cộng tác chặt chẽ của các nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc trong và ngoài nước... Viện Âm nhạc đã hoàn thành bộ Hồ sơ Quốc gia đúng tiến độ, đúng tiêu chí Đăng ký Danh sách DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp của Unesco”.
Đầu có xuôi, đuôi mới lọt
Ông Phạm Sanh Châu – Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Unesco Việt Nam cho biết: “Công ước về DSVHPVT của Unesco ra đời năm 2003, nhưng năm 2008 là năm đầu tiên các quốc gia thành viên đệ trình di sản theo các điều khoản của công ước này”. Theo đó, lộ trình thông thường của một di sản đệ trình gồm có hai giai đoạn chính: giai đoạn hoàn tất Hồ sơ về mặt khoa học và giai đoạn xét duyệt, ghi danh, công nhận.
Ngày 13.3.2009, Hồ sơ Quốc gia Hát ca trù của người Việt đã chính thức gửi sang đệ trình Unesco theo đúng tiến độ. Ngay khi Ban thư ký Unesco tiếp nhận và yêu cầu Việt Nam bổ sung thông tin, Cục Di sản văn hoá và Viện Âm nhạc đã gấp rút thu thập thông tin, bổ sung chi tiết, hoàn thiện các hạng mục và đã gửi lại Hồ sơ cho Unesco vào ngày 13.4.2009. Theo đánh giá của các chuyên gia Unesco, đến giờ phút này coi như Hồ sơ Quốc gia Hát ca trù của người Việt đã “qua vòng một”.
Dự kiến trước ngày 1.7.2009, Hồ sơ Quốc gia Hát ca trù của người Việt sẽ chính thức nhận được những nhận xét của Unesco trước khi Hồ sơ đưa lên bàn xem xét được tổ chức vào ngày 28.9.2009 với hội đồng phán quyết gồm 21 quốc gia. Ông Phạm Sanh Châu nhìn nhận: “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần mở rộng tuyên truyền, vận động cho di sản ca trù để ca trù được công nhận là DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp. Không thể phủ nhận những giá trị của ca trù nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu thế giới cũng nhìn nhận đúng mực về ca trù, ghi danh công nhận di sản ca trù của người Việt
”.
Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, những thành công bước đầu của Hồ sơ Hát ca trù của người Việt ít nhiều đã đưa đến những hy vọng cho chúng ta trên bàn phán quyết Unesco. Nhưng hơn thế, qua dịp này chúng ta có thể “tạo đà” để tiếp tục công cuộc chấn hưng ca trù –một nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người từng nhiều năm đi điền dã, sưu tầm, nghiên cứu ca trù, đồng thời là một trong những thành viên Ban xây dựng Hồ sơ Hát ca trù của người Việt cho biết: “Một trong những yêu cầu của Unesco về Hồ sơ đệ trình là phải đề ra được một chương trình hành động quốc gia cụ thể để bảo vệ, phát huy loại hình di sản này trong đời sống xã hội”.
Theo VHO |