Tạp chí Sông Hương -
Tưởng nhớ nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi
14:41 | 22/04/2009
Nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà soạn kịch... tất cả những "nhà" ấy cuối cùng được tổng hợp trong một danh hiệu: Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi. Đây là một danh hiệu xem chừng "chung tính" nhất và đi kèm với tính từ "lớn", nó là cách suy tôn chính xác nhất về Nguyễn Đình Thi.
Tưởng nhớ nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi
Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi

Vào 20h ngày 22/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật "Đêm nghệ thuật nhớ Nguyễn Đình Thi" do Công ty CP Truyền thông Nguyễn Đình Thi tổ chức nhằm tưởng niệm 6 năm ngày mất của ông. Trước đó ít tháng, Đảng và Nhà nước cũng đã truy tặng nhà văn Nguyễn Đình Thi Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, tôi xin có một đôi dòng suy nghĩ tản mạn về tài năng và sự nghiệp của ông... 

Nguyễn Đình Thi là người đa tài. Trước nhất ông là một nhà văn và đây cũng là danh hiệu phổ biến nhất của ông. Điều này hoàn toàn có căn cứ.

Ngay từ khi các nhà tiểu thuyết Việt Nam đang lần tìm một hướng tiếp cận hiện thực mới thời kỳ sau Cách mạng thì Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời tiểu thuyết "Xung kích", được xem là một dấu mốc của văn xuôi kháng chiến. Hơn chục năm sau, tác phẩm "Vỡ bờ" ra đời - đây được xem là bộ tiểu thuyết đồ sộ, hoành tráng nhất của ta lúc bấy giờ, không chỉ về dung lượng số trang mà cả về qui mô đề tài.

Tất nhiên, cùng với thời gian, phần nào bộ sách đã minh chứng cho một ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân, rằng trong văn học không phải cứ "to tổ bố" là có thể trụ vững, cũng như ý kiến của nhà văn Tô Hoài, rằng "văn của Nguyễn Đình Thi trong sáng, ngọt ngào nhưng ít chất sống thực", "nhân vật của Nguyễn Đình Thi còn gầy gò", song khách quan mà nói, đến nay bộ sách vẫn còn thu hút người đọc bởi những trang văn đẹp và sức quyến rũ trong tính cách của một số nhân vật.

Nguyễn Đình Thi là nhà thơ. Danh hiệu này tuy được dùng hạn chế hơn, song nhiều người lại tin tưởng về sức trường tồn của Nguyễn Đình Thi ở thể loại văn học mảnh mai này. Theo họ, những thi phẩm như "Đất nước" có thể xếp vào hàng "những tác phẩm đi cùng năm tháng".

Điều đặc biệt là: Đọc thơ Nguyễn Đình Thi, ta thấy lời của ông thường dung dị. Có những câu thơ tạo dáng rất đẹp, nhưng ít có trang sức của ngôn ngữ (nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết đại ý rằng, một người nước ngoài học tiếng Việt, chỉ cần biết dăm, bảy trăm tiếng là có thể đọc được toàn bộ thơ Nguyễn Đình Thi). Theo quan điểm của tôi, cái đẹp trong thơ Nguyễn Đình Thi thường không biểu hiện ở sự tô điểm mà phát lộ ra trong cốt cách. Thơ ông "sang" vì thế.

Ví như, đọc những câu: "Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn" (bài "Nhớ"), ta thấy ý tưởng có gì mới mẻ đâu, ấy vậy mà Nguyễn Đình Thi viết ra nghe cao sang, đọc lên thấy cảm động, mà người khác viết thì rất dễ thành sáo ngữ, hoặc đại ngôn. Tôi cho rằng tìm hiểu sâu vấn đề này rất có ý nghĩa. Vì chỉ một số ít những nhà thơ như Nguyễn Đình Thi là làm được điều đó.

Ngoài hai "danh hiệu chính" kể trên, Nguyễn Đình Thi còn là nhà lý luận phê bình (cuốn phê bình tiểu luận "Công việc của người viết tiểu thuyết" đã thể hiện ở ông một năng lực tư duy nhạy bén, kết hợp giữa mẫn cảm nghề nghiệp và vốn học vấn uyên thâm. Cuốn sách khiến giới lý luận, phê bình phải ngả mũ kính nể ông, xem ông như bạn đồng hành mặc dù sau này thực tế lại chứng minh ông không có ý định đi xa trên con đường ấy).

Ông cũng là một kịch tác gia với những tác phẩm "chất chứa nhiều tâm sự trí thức", từng gây xôn xao dư luận cả khi được công diễn lần khi... chưa được công diễn, mặc dù kịch của ông thiên về luận đề, rất lý thú khi đọc dưới dạng sách in nhưng không thật hấp dẫn khi đưa lên sân khấu.

Nguyễn Đình Thi còn là một nhạc sĩ độc đáo. Chỉ đảo qua lĩnh vực này bằng hai bài hát "Diệt phát xít" và "Người Hà Nội", Nguyễn Đình Thi đã để lại một vệt sáng sao băng trên bầu trời âm nhạc. Đã và sẽ khó có nhạc sĩ chuyên nghiệp nào ở Việt Nam lập lại được kỷ lục của ông: Trong vẻn vẹn hai bài hát nhắc tới kia, một bài hiện đang được dùng làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, một bài hiện được dùng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà soạn kịch... tất cả những "nhà" ấy cuối cùng được tổng hợp trong một danh hiệu: Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi.

Đây là một danh hiệu xem chừng "chung tính" nhất và đi kèm với tính từ "lớn", nó là cách suy tôn chính xác nhất về Nguyễn Đình Thi, đã được nhiều người dùng tới ngay trong ngày ông giã từ dương thế.

Nhà văn hóa thể hiện trong các hoạt động văn nghệ rộng lớn, trong sự nghiệp sáng tác đa dạng và cả trong những gì ông... không thể hiện trên trang giấy. Một nhà nghiên cứu nào đó đã nói, muốn biết một văn nghệ sĩ tầm vóc lớn đến cỡ nào, ta không chỉ nhìn vào những gì họ làm, họ viết mà còn phải lưu ý tới cả những gì họ không làm, không viết.

Trước đây, Báo Văn nghệ Công an từng đăng câu chuyện một nhà văn trẻ trong phút bốc đồng đã thóa mạ Nguyễn Đình Thi là "bồi bút" và bị ông bẻ lại: "Khi người ta viết điều người ta tin thì không thể gọi là bồi bút". Rồi ông quát: "Tôi đố anh tìm được trong hàng ngàn trang tôi viết, có chữ nào tôi ca ngợi một người mà tôi không tin. Anh tìm đi! Anh tìm đi!".

Quả thật, trong số các nhà văn, nhà thơ được xuất bản toàn tập tác phẩm hiện nay, Nguyễn Đình Thi hẳn là người không phải hối hận nhiều về những gì mình từng không tin mà vẫn viết, những sai lầm hiện được xem là quá ấu trĩ không thể chấp nhận với vị thế của một nhà văn hóa lớn.  

Điểm lại những điều ấy, nhắc lại tất cả các danh hiệu ấy để thấy, Nguyễn Đình Thi là người được ông trời hào phóng ban tặng cho khá nhiều. Và những nỗ lực tự thân phấn đấu của ông cũng thật nhiều. Phấn đấu để giữ mình và phấn đấu để thể hiện mình
 
                                                                                                          Theo CAND Online

Các bài mới
Các bài đã đăng