Lấy bối cảnh VN thời hiện đại, bộ phim 14 ngày phép (hãng Chánh Phương, kịch bản và đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa) xoay quanh chuyến đi phép kéo dài 14 ngày về thăm quê hương của anh chàng kỹ sư công nghệ thông tin Việt kiều trẻ tên Dũng. Tại VN, dưới sự dẫn dắt của người bạn thân tên Lâm, 14 ngày phép của Dũng biến thành 14 ngày ngụp lặn trong những quán bar và những cuộc truy hoan với những cô gái đẹp nơi đây. Điểm sáng duy nhất trong chuyến đi này là cuộc tình với Thảo-một cô gái bỏ quê lên thành phố hành nghề bán bia ôm.
Tình yêu trong sáng với Thảo và chuyến về quê thăm gia đình cô đã mang đến cho Dũng những cảm nhận khác hơn về quê hương và trên hết là hiểu được tầm quan trọng của tình cảm gia đình, sự hy sinh cho người thân.
Dựa trên nền kịch bản như vậy, bộ phim 14 ngày phép đưa người xem đến với một đất nước VN chỉ toàn mùi bia rượu, vũ trường, thuốc lắc và con người VN là những cô gái trẻ hám tiền, lẳng lơ; những người đàn ông thành đạt trong xã hội, đã có gia đình, lấy gái bia ôm làm thú vui.
Phim mở đầu có cảnh Dũng tranh thủ tán tỉnh làm quen với một “chân dài” đang đi mua sắm trong khu thương mại, cô gái này tranh thủ lúc người tình già đang còn đứng đằng xa liền nhanh nhảu cho Dũng số điện thoại của mình để mồi chài.
Nhân vật Hiền, bạn thân của Lâm, được xây dựng là một mẫu đàn ông trẻ, thành đạt, yêu vợ con. Thế nhưng ở cảnh trước, khán giả vừa mới thấy Hiền thể hiện những cử chỉ, lời nói yêu thương ngọt ngào với vợ mình thì ngay cảnh sau đã thấy anh kề vai bẹo má, ngả ngớn cùng các cô tiếp viên trong quán bia ôm.
Hà Tiên - vợ Hiền - tượng trưng cho hình mẫu người vợ VN đảm đang, duyên dáng, tận tụy vì chồng con nhưng Hà Tiên hiện hình là một phụ nữ ăn mặc hở hang, ánh mắt, điệu bộ lúc nào cũng uốn éo, lẳng lơ...
Hình ảnh xã hội VN hiện lên qua 14 ngày phép là một bức tranh xám xịt. Ở đó, mọi giá trị được đo đếm bằng tiền; con người sống giả dối, lừa gạt lẫn nhau...
Tình tiết trong phim được dàn dựng theo một cách nhìn ấu trĩ, vô lý và không kém phần ngô nghê. Có lẽ trong mắt của người xa quê, như Nguyễn Trọng Khoa, những hình ảnh: đồng lúa, sông nước, xuồng ghe, áo bà ba, nón lá, học sinh mặc áo dài đạp xe trên đường ruộng... mới mẻ nhưng với khán giả VN những cảnh tượng ấy đưa vào phim, thiếu góc nhìn sáng tạo nên gây cảm giác quá nhàm chán. Nhất là những cảnh đàn ca tài tử được dàn dựng quá lê thê.
Đỉnh điểm của sự ngây ngô phải kể đến đoạn cuối, khi Dũng nằm viện và máy quay lia cận cảnh một người đàn bà nuôi bệnh đang sang sảng ca vọng cổ giữa khung cảnh vốn dĩ cần sự yên tĩnh cho người bệnh nghỉ ngơi!
Nhiều đoạn khác cũng thể hiện sự thiếu logic không kém, chẳng hạn cảnh Dũng bị Lâm cho uống thuốc kích thích mà không biết nên dẫn đến trạng thái nửa tỉnh nửa mê, ấy vậy liền sau đó, khi thấy Thảo bị sốc thuốc (do bị Lâm lừa uống), Dũng lập tức tỉnh táo hẳn, lấy xe máy chở Thảo về khách sạn mình đang thuê.
Rồi lý do khiến Dũng bị đám côn đồ rượt đánh đến mức vào bệnh viện và ở đó anh gặp lại Thảo, được cô tha thứ, cũng hết sức gượng ép... Cứ như thế toàn bộ diễn tiến của bộ phim hoàn toàn không có chút kịch tính hoặc cao trào nào.
14 ngày phép được tuyên bố là tác phẩm tâm huyết của đạo diễn Việt kiều Mỹ Nguyễn Trọng Khoa (thạc sĩ ngành làm phim và truyền hình tại Đại học USC), sau 31 năm xa VN. Thế nhưng trong phim ảnh có lẽ chỉ tâm huyết thôi chưa đủ.
Xem 14 ngày phép, không khỏi không liên tưởng đến một bộ phim VN khác gần đây nhất Chuyện tình xa xứ (kịch bản-đạo diễn Victor Vũ). Cả hai phim đều có xuất phát điểm giống nhau là mô típ không mới, đạo diễn đều là Việt kiều và đều học ở những trường điện ảnh nổi tiếng của Mỹ, thế nhưng đích đến của hai phim lại quá khác xa nhau. Chuyện tình xa xứ thuyết phục người xem bởi sự sáng tạo, gần gũi còn 14 ngày phép đầy rẫy sự ngô nghê, phi lý. Thực tế này một lần nữa chứng tỏ bằng cấp của đạo diễn không thể là vật bảo chứng sự thành bại của một tác phẩm mà cái chính là ở tài năng và vốn sống của người thực hiện.
Theo NLĐO |