Tạp chí Sông Hương -
Vẫn còn nhiều kịch bản xếp tủ?
08:44 | 23/04/2009
Thời điểm này, ở khu vực phim Nhà nước, ít nhất có khoảng 10 kịch bản đã “có vé” vào sản xuất. Trong số này có 4 phim thuộc diện đặt hàng là Trần Thủ Độ (30 tập), Nhìn ra biển cả, Những người viết huyền thoại và Hành trình qua ba bể. Bên cạnh đó là một số kịch bản được duyệt cách đây 1-3 năm nhưng vẫn xếp tủ do chưa đủ tiền.
Vẫn còn nhiều kịch bản xếp tủ?
KB phim “Chơi vơi” được duyệt sản xuất năm 2006 nhưng mãi đến năm 2008 mới bấm máy.

101 lý do khiến phim chậm triển khai

Việc kịch bản được duyệt nhưng “xếp tủ” vài năm mới ra trường quay không hiếm ở điện ảnh Việt. Trong những trường hợp này, chung quy đổ tại… kinh phí ít. Ít nên phải chờ xin thêm. Mà trong bối cảnh điện ảnh Việt chất lượng tầm tầm, chưa thu hút người xem thì việc gọi thêm tài trợ cũng coi như khó ngang với “lên trời”.

Thế nên, xếp tủ vài năm, chạy vạy khắp nơi, giả thiết có xin thêm được chút ít kinh phí, nhưng so với mức trượt giá hiện tại thì đâu vẫn vào đấy, thậm chí còn lỗ hơn. Một trong những ví dụ cho sự quẩn quanh này, có lẽ chính là bộ phim Trung úy của đạo diễn Hà Sơn đang vào hậu kỳ, mà theo đúng tiến độ bộ phim này phải được làm cách đây 4-5 năm.

Tương tự, bộ phim Hoa đào ơi, hoa đào (Hãng Phim truyện 1 sản xuất; biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát; đạo diễn Nguyễn Quang) được duyệt 70% kinh phí/tổng dự toán là 2,887 tỷ đồng, đã tạm ứng 2,02 tỷ đồng (còn lại 867 triệu đồng). Bộ phim này thuộc kế hoạch sản xuất năm 2007 nhưng vì nhiều lý do dự kiến đến tháng 5-2009 phim mới khởi quay. Nếu tính trượt giá do phim bị ngâm lâu thì kinh phí được duyệt cuối năm 2007 đến cuối năm 2008 đã ít nhiều bị lạc hậu và cái lỗi này đương nhiên không phải do… nhà nước.
  
Một trường hợp khác, bộ phim Tử hình (Hãng phim Giải phóng) có quyết định sản xuất năm 2007, được duyệt 70% kinh phí 2,365 tỷ đồng, đã tạm ứng 1,888 tỷ đồng nhưng thời điểm này vẫn chưa bấm máy. Có hàng trăm lý do khiến phim chậm hoàn thành, không khởi quay đúng kế hoạch và kéo theo sự chậm trễ ấy là sự mất giá của đồng tiền được cấp…

Nhưng tựu chung gặp nhau ở một số lý do chính, đó là kịch bản không tìm được đạo diễn; tìm được đạo diễn rồi thì vị đạo diễn này lại chậm trễ trong việc hoàn thành kịch bản phân cảnh; rồi phải có thời gian để xin thêm kinh phí đáp ứng những sáng tạo của đạo diễn…

Ở lý do “không tìm được đạo diễn”, phần nhiều rơi vào những kịch bản chất lượng yếu. Đây là một trong những nghịch lý đã tồn tại nhiều năm trong ngành điện ảnh. Biết là kịch bản yếu, có làm phim chất lượng cũng không cao và hệ quả là… xếp kho sớm nhưng vẫn duyệt.

Duyệt để giải ngân, để đơn vị sản xuất có tiền “nuôi quân” và duy trì sự tồn tại bộ máy cồng kềnh từ lâu đã xập xệ. Nhưng trong một vài trường hợp, do kịch bản quá tệ, không đạo diễn nào dám “hy sinh” sự nghiệp nên đơn vị sản xuất cũng mất một cơ hội… có tiền.

Vẫn sẽ tái diễn việc...… chậm sản xuất

Cuối năm 2008, 3 kịch bản được “quyết” đưa vào sản xuất là Mùi cỏ cháy (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Nếu anh còn sống (đạo diễn Lê Ngọc Linh) và Bụi đường tinh khôi (đạo diễn Nguyễn Đức Việt).

Kinh phí đầu tư đã nhỉnh hơn, nhưng vì là phim trợ giá nên các phim này cũng chỉ được nhận 70% số tiền so với tổng dự toán. Nhiều như Mùi cỏ cháy được duyệt 6 tỷ đồng… thì cũng chỉ nhận được 4,2 tỷ đồng. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự: “Mùi cỏ cháy đề cập đến một thế hệ ra trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó nhân vật trung tâm là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Ngay sau khi được xuất bản, cuốn nhật ký của anh Thạc đã trở thành sách “gối đầu giường” của thế hệ trẻ hôm nay, và tên cuốn sách đã làm dấy lên một phong trào phấn đấu sống và học tập - “Mãi mãi tuổi hai mươi” trong học sinh, sinh viên. Xét về quy mô, bối cảnh, Mùi cỏ cháy không kém cạnh Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Vì thế, chúng tôi cần có thời gian để tìm thêm kinh phí”.

Cũng đặt nhiệm vụ “tìm thêm kinh phí”, đạo diễn Lê Ngọc Linh than: “Với quy mô trong kịch bản Nếu anh còn sống, tôi cần khoảng 10 tỷ đồng, thậm chí hơn, chứ 3,8 tỷ đồng… thì chẳng thể làm gì. Cuối tháng này tôi sẽ bay ra Hà Nội làm việc với đơn vị sản xuất bàn bạc về vấn đề xin tài trợ. Nói thật, việc xin tài trợ để sản xuất những phim truyền thống là vô cùng khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy giảm hiện nay. Vì thế, chúng tôi sẵn sàng cắt 50% kinh phí xin được cho những người chạy tài trợ… với hy vọng thêm được đồng nào cho phim cũng tốt”.

Đồng quan điểm với các đạo diễn trong khó khăn về vốn sản xuất, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Truyện VN, đơn vị sản xuất phim Mùi cỏ cháy, Bụi đường tinh khôi và bộ phim đặt hàng Những người viết huyền thoại cho biết: “Để giúp các đạo diễn tăng tốc trong việc viết phân cảnh, hãng đã phải ứng vốn để các ê kíp sản xuất đi khảo sát thực tế, chọn bối cảnh… trong lúc chờ tiền. Vẫn biết cần phải có thêm tài trợ mới đẩy nhanh tiến độ sản xuất và nâng cao chất lượng phim nhưng hiện tại cái mà chúng tôi có thể xin được vẫn là cho sử dụng điện nhờ, cho mượn ô tô, sử dụng bối cảnh không lấy tiền… chứ tiền mặt trao tay thì không”.

Còn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn phim Những người viết huyền thoại thì nói: “Tới đây, tôi sẽ đi Hà Giang, Tuyên Quang, Ninh Bình và dọc đường mòn Hồ Chí Minh để khảo sát bối cảnh. Nếu có quay cũng phải cuối năm 2009 với điều kiện kinh phí phải có từ hơn 10 tỷ đồng trở lên, bởi đây là phim chiến tranh, địa bàn quay trải rộng, phức tạp, sử dụng nhiều bom, đạn…”.

Trong khi các đơn vị phía Bắc đang “ì ạch” vì nỗi ám ảnh thiếu tiền thì Hãng phim Giải phóng lại xin bằng được bộ phim Long Thành cầm giả ca (kịch bản Văn Lê - giải nhất cuộc thi kịch bản điện ảnh hưởng ứng đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội) từ diện phim đặt hàng sang trợ giá để… được làm nhanh.

Đơn giản, vì phim này hứa hẹn có nhiều “đơn” tài trợ. Điều này cho thấy, nếu là kịch bản hay, hấp dẫn… thì việc tìm thêm tiền tài trợ cũng không phải là quá khó. Và nếu cứ viện lý do kinh phí ít mà ngâm phim quá lâu thì sự trượt giá càng khiến phim thiếu vốn dẫn đến giảm chất lượng.

Lại hỏi, tại sao không thay bằng việc trải kinh phí cho 3-5 dự án bằng việc dồn tiền cho một kịch bản chất lượng để nghệ sĩ toàn tâm sáng tác?

                                                                                                         Theo SGGP Online

Các bài mới
Các bài đã đăng