"Đây là hải quân Trung Quốc...Đây là hải quân Trung Quốc... Các anh đang vào vùng cảnh báo quân sự. Hãy rời đi ngay", một giọng nói bằng tiếng Anh liên lạc với máy bay trinh sát P8 của Mỹ thông qua sóng radio gần một đá Bắc Kinh đang cải tạo ở Biển Đông.
Nhằm thách thức những động thái thị uy sức mạnh quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ hôm qua điều một máy bay thực hiện nhiệm vụ trinh sát bên trên căn cứ đặt tại đảo nhân tạo mà Bắc Kinh phát triển từ một bãi đá ngầm. Từ tháng 3/2014, Bắc Kinh đã cải tạo đất tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm.
Đội ngũ nhân sự của CNN lần đầu tiên được phép lên khoang chiếc phi cơ P8-A Poseidon, máy bay trinh sát và săn ngầm hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ, khi nó đang làm nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Mỹ cho phép các phóng viên tham gia một hoạt động của phi cơ P8, đồng thời công bố những hình ảnh, âm thanh cho thấy quá trình cải tạo nhanh chóng của Trung Quốc tại các bãi đá, cũng như phản ứng của nước này khi phát hiện máy bay trinh sát Mỹ gần căn cứ.
"Đây là hải quân Trung Quốc...Đây là hải quân Trung Quốc... Xin hãy rời đi... để tránh gây hiểu lầm", một giọng nói bằng tiếng Anh liên lạc với P8 thông qua sóng radio khi máy bay chuẩn bị đến gần một đảo nhân tạo của Bắc Kinh.
Ngay sau lần liên lạc này, hòn đảo bất ngờ hiện lên phía chân trời. Đây chính là công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá nằm cách bờ biển nước này đến hơn 950 km.
Trong lần trinh sát này, P8 nhận lệnh theo dõi hoạt động của Trung Quốc trên ba đảo nhân tạo mà nhiều tháng trước còn là bãi đá còn chìm dưới nước nhưng nay đã trở thành những công trường xây dựng khổng lồ. Nhiều học giả nhận định chúng nhiều khả năng sẽ trở thành căn cứ quân sự của Bắc Kinh.
"Chúng tôi vừa nhận được cảnh báo 30 phút trước và lời thách thức đó đến từ hải quân Trung Quốc. Tôi tin chắc chúng được phát đi từ cơ sở kia", ông Mike Parker, chỉ huy phi đội trinh sát P8 và P3 ở châu Á, nói về thông điệp mà Trung Quốc gửi tới máy bay Mỹ và chỉ vào một trạm radar cảnh báo sớm mà Bắc Kinh xây dựng trên đá Chữ Thập.
Trong những đoạn video quay từ các camera của P8, bên cạnh radar cảnh báo sớm, trên đá Chữ Thập còn xuất hiện một doanh trại quân đội, một tháp canh và đường băng đủ dài để mọi loại phi cơ cất và hạ cánh. Giới quan sát gọi đây là "tàu sân bay không thể đánh chìm của Trung Quốc".
"Rõ ràng có rất nhiều tàu của Trung Quốc đang lưu thông trên mặt biển, từ chiến hạm đến tàu bảo vệ bờ biển. Chúng đều được lắp đặt radar giám sát trên không. Vì thế tôi dám cá là chúng đang theo dõi ta", trung tá Matt Newman nói từ buồng lái P8.
Trong tổng cộng 8 lần Trung Quốc yêu cầu P8 rời khỏi không phận của nước này, các phi công Mỹ đều đáp lại rằng họ đang bay trong không phận quốc tế.
Câu trả lời này dường như không khiến người truyền tin qua sóng radio từ phía Trung Quốc hài lòng. Anh này trả lời với giọng điệu bực tức: "Đây là hải quân Trung Quốc. Hãy đi ngay!".
Ngoài ra, Trung Quốc còn gửi cả tín hiệu can thiệp tới những máy bay dân sự đi qua khu vực. Phóng viên CNN nhiều lần nghe thấy tiếng cơ trưởng của hãng hàng không Delta Airlines phát cùng tần số radio xác nhận họ là máy bay thương mại khi nhận được yêu cầu của hải quân Trung Quốc.
Từ khoang của P8 nhìn xuống, quanh đá Chữ Thập và đá Vành Khăn, hàng chục máy nạo vét đất đá của Trung Quốc đang hoạt động hết công suất, hút cát từ đáy biển để bồi đắp nên những bãi đất mới.
"Những hoạt động như thế này diễn ra mỗi ngày", ông Parker cho hay. "Tôi thấy họ còn làm cả cuối tuần nữa cơ".
Việc điều máy bay trinh sát trên được thực hiện khi Mỹ đang cân nhắc lựa chọn điều phi cơ và tàu quân sự trong phạm vi 12 hải lý xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo. Đây được xem như cách để Washington thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ và quyết đoán hơn trước hành vi bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, cũng như một lần nữa khẳng định Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Theo CNN, Trung Quốc đẩy mạnh việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là một phần trong kế hoạch nhằm củng cố sức mạnh quân sự để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Nhận định này càng được củng cố khi Bắc Kinh vừa hạ thủy tàu sân bay đầu tiên được trang bị tên lửa hạt nhân có khả năng mang theo nhiều đầu đạn, phát triển tên lửa chống hạm mới và nay còn xây cả căn cứ quân sự cách rất xa bờ biển nước này.
Theo Vũ Hoàng - vnexpress