Phân biệt "cá lớn", "cá bé" Các khoản 9, 10 điều 29, chương VII về hoạt động vũ trường, và khoản 7, 8, điều 35, chương VIII về hoạt động ka-ra-ô-kê của dự thảo quy định: Các điểm kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường không được hoạt động quá 12h đêm đến 8h sáng. Riêng các điểm kinh doanh "thuộc khách sạn 5 sao trở lên tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; 4 sao trở lên tại các địa phương khác được hoạt động sau 12h đêm nhưng không được quá 2h sáng" với điều kiện "phải có văn bản thông báo cho sở VH,TT&DL biết trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày".
Theo thống kê của Bộ VH, TT&DL, hiện cả nước có 31 khách sạn 5 sao, 90 khách sạn 4 sao. Nếu quy định trên được áp dụng, thì ngoại trừ số khách sạn 4 sao ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, số đông khách sạn 4-5 sao trong cả nước sẽ là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp.
Ông N. V. P. - một cán bộ quản lý văn hóa của Hà Nội - cho rằng: Quy định này rõ ràng có sự phân biệt "cá lớn", "cá bé" bởi cả nước có hàng nghìn dịch vụ kinh doanh ka-ra-ô-kê đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 11-CP và hoàn toàn phù hợp với quy hoạch ka-ra-ô-kê, vũ trường do các địa phương phê duyệt. "Nếu quy định này được áp dụng, khách sẽ đổ về các điểm kinh doanh nằm trong khách sạn, thay vì rải đều cho các cơ sở kinh doanh khác ở bên ngoài. Như vậy, những điểm kinh doanh nhỏ không có khách, có thể họ sẽ đóng cửa hoặc sẽ bổ sung một số dịch vụ (không loại trừ tiêu cực) hay cố tình kéo dài thời gian hoạt động để thu hút, cạnh tranh. Điều này xảy ra, chắc chắn công tác quản lý sẽ gặp khó khăn".
Khiêu vũ cùng với hát là xấu?
"Nghiêm cấm các hành vi khiêu vũ, khiêu dâm, mua bán, sử dụng ma túy tại phòng ka-ra-ô-kê" (điều 36). Ông Lê Anh Tuyến, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ VH,TT&DL) cho rằng: Quy định trên được đưa ra xuất phát từ thực tế là các cơ quan chức năng phát hiện nhiều "động lắc" núp bóng quán ka-ra-ô-kê để hoạt động, vì thế, mục đích của quy định mới nhằm siết chặt các hoạt động ăn chơi trụy lạc, tránh những ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Song, theo quan điểm của anh Lê Hải Hà, quán ka-ra-ô-kê ở Thanh Xuân
: Việc cấm tất cả các hành vi khiêu vũ tại nhà hàng ka-ra-ô-kê là cảm tính. Theo anh, không nên đánh đồng mọi hoạt động trong quán ka-ra-ô-kê đều xấu, hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Gia đình anh kinh doanh dịch vụ này từ năm 2000 đến nay nhưng chưa bao giờ phát hiện có trường hợp nào "lắc" trong quán.
Hầu hết những người được hỏi đều ủng hộ khiêu vũ lành mạnh và ngay chính trong chương XII của dự thảo vẫn cho phép khiêu vũ tại vũ trường. Như vậy, đặt vấn đề ngược lại, nếu khiêu vũ ở vũ trường thì người khiêu vũ có được hát? Quy định này khó khả thi vì khi vui vẻ, cao hứng, người hát hoàn toàn có thể vừa hát vừa nhảy theo tiếng nhạc mà không thể coi là hành vi xấu. Anh Nguyễn Văn Niệm, phường Văn Khê, Hà Đông cho rằng: Việc cấm các hành vi khiêu vũ trong phòng hát là có vẻ cực đoan. Bởi đối tượng sử dụng thuốc lắc không chỉ đến các điểm kinh doanh ka-ra-ô-kê mà còn đến vũ trường, khách sạn, thậm chí là lắc ngay cả trong xe ô tô. Nếu lo ngại "cấm" nhảy, không lẽ phải cấm luôn người dân thuê phòng nghỉ ở khách sạn và buộc các chủ phương tiện phải tháo bộ âm thanh ra khỏi xe ô tô?
Quá nhiều phi lý?
Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh cho dịch vụ ka-ra-ô-kê, vũ trường tại điều 27 và 33 dự thảo quy định: "Phòng khiêu vũ phải có diện tích từ 80m2 trở lên, cách trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, di tích lịch sử, văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên, bảo đảm các điều kiện về phòng chống cháy nổ". Điều khoản này không mới nhưng băn khoăn ở chỗ nếu một vũ trường được mở ở tầng Z nào đó trên một tòa nhà, bảo đảm mọi điều kiện về âm thanh, ánh sáng cũng như về an ninh trật tự, song khoảng cách từ tầng Z tới các hộ dân ở tầng kế sát không đủ 200m thì vũ trường này có được phép hoạt động không? Chị Hoàng Thị Vân, Khu đô thị Nam Thăng Long có ý định kinh doanh lĩnh vực giải trí này đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, điều 33 khoản 5 dự thảo vẫn giữ nguyên quy định không mấy khả thi, đó là: "Địa điểm hoạt động ka-ra-ô-kê trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề". Với quy định này, nếu mối quan hệ của hộ kinh doanh với láng giềng "mặn mà hữu hảo" thì không sao, nhưng chẳng may có mâu thuẫn, dù là rất nhỏ họ cũng không đủ điều kiện để thực hiện kinh doanh, dù đó là việc kinh doanh chính đáng và lành mạnh.
Ông Nguyễn Cương L., giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội băn khoăn: Khoản 1 và 4 điều 29 quy định: Phòng khiêu vũ phải bảo đảm âm thanh chất lượng, còn người khiêu vũ phải ăn mặc lịch sự, nhưng lại không định nghĩa rõ thế nào là ăn mặc lịch sự. Liệu lịch sự có phải là đi khiêu vũ cứ đóng com-lê, ca-ra-vát hay thời trang công sở... Như thế, nếu điều khoản này được áp dụng thì cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng phải ban hành thêm một văn bản song hành quy định cách ăn mặc khi đi khiêu vũ?
Một điểm mà theo ông Vũ Anh Tân, cán bộ xã Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội) cho là còn chưa phù hợp nữa: "Các điểm ka-ra-ô-kê hoạt động ở nông thôn, vùng dân cư không tập trung không phải thực hiện quy định về âm thanh..." (khoản 9, điều 34). Tức là không phải theo quy định tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép. Phải chăng ngưỡng chịu tiếng ồn ở nông thôn cao hơn thành thị, trong khi nông thôn hiện nhiều nơi nhà cửa cũng san sát?
Dự thảo Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng (lần 2) đang được Bộ VH,TT&DL lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, hy vọng sẽ có những điều chỉnh phù hợp và đi vào cuộc sống.
Theo HNMO |