Tạp chí Sông Hương -
Biển Đông: Vì sao xuất hiện lập trường khác lạ của Campuchia?
14:23 | 01/07/2015

Campuchia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Do vậy, Phnom Penh quan tâm đến hợp tác kinh tế với Trung Quốc hơn là vấn đề căng thẳng trong khu vực.

Biển Đông: Vì sao xuất hiện lập trường khác lạ của Campuchia?
Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Bài phân tích đăng tải trên Diễn đàn Đông Á của tác giả Veasna Var, đến từ Học viện Quốc phòng Australia (ADFA) đã nêu ra lý giải vì sao xuất hiện lập trường khác lạ của Campuchia trong vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.

Mỹ là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và đã hành động bằng cách đưa máy bay, tàu chiến tuần tra khu vực.

   Biển Đông: Vì sao xuất hiện lập trường khác lạ của Campuchia? - Ảnh 1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Hoa Kỳ đã khẳng định quyền lợi quốc gia bị đe dọa ở Biển Đông, đặc biệt là vấn đề tự do hàng hải cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ cũng đóng vai trò là người bảo vệ các đồng minh và đối tác châu Á, trong đó có Philippines.

Hoạt động cải tạo phi pháp gây ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Vấn đề không thể sớm được giải quyết và sẽ tác động đáng kể đến việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Trung Quốc là quốc gia bằng cách này hay cách khác có khả năng thay đổi lập trường của một số nước thành viên ASEAN cùng với những quốc gia theo đuổi lợi ích riêng ở Biển Đông. Điều này có thể đe dọa đến sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ ASEAN.

Việt Nam, Philippines là những quốc gia thúc đẩy các thành viên ASEAN phản đối tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 diễn ra tại Malaysia hồi tháng 4/2015.

Tại diễn đàn ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng từng nói rằng, hành động của Trung Quốc là “nguy hiểm và vi phạm nghiêm trọng”, gây “đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải”. Trung Quốc đáp trả bằng tuyên bố “đặc biệt quan ngại” đến các hành vi mà Bắc Kinh quy cho là "tiêu cực" đến từ "một số thành viên" của ASEAN.

Rõ ràng, ASEAN đang bị chia rẽ bởi hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc. Campuchia từ trước đến nay luôn giữ lập trường "trung lập" trong việc tiếp cận vấn đề Biển Đông. Kể từ năm 2002, Campuchia luôn cho rằng vấn đề cần được giải quyết giữa các quốc gia tranh chấp chủ quyền, chứ không phải ASEAN và Trung Quốc.

Lập trường của Campuchia nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao độc lập và trung lập, không nhằm gây mất lòng Trung Quốc, Việt Nam, Philippines hay ASEAN.

Lập trường này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức mạnh đoàn kết của toàn khối ASEAN - nơi có các quốc gia có hoặc không có không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực trong đó có sự hiện diện của Mỹ và các đồng minh, đối tác.

Duy trì nguyên trạng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là lựa chọn mà Campuchia hướng đến. Phnom Penh vẫn sẽ chịu sức ép từ Trung Quốc trong tương lai. Campuchia không thể từ bỏ Việt Nam hay Philippines nhưng cũng không muốn làm ảnh hưởng đến triển vọng hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Để phục vụ tốt nhất cho sự phát triển quốc gia, chính sách đối ngoại của Campuchia tập trung vào lập trường trung lập, không liên minh và chung sống hòa bình như những gì đã được nêu ra trong hiến pháp.

Theo Veasna Var, đây là lựa chọn có lợi và cũng là khó khăn nhất củaCampuchia trong việc đối phó với những vấn đề phức tạp trong khu vực và quốc tế.

Chính sách đối ngoại cũng củng cố “chiến lược hình chữ nhật” của Campuchia, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết của việc gắn kết nước này với cộng đồng quốc tế.

Giữ vững mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên ở Biển Đông là một thách thức với Campuchia và đòi hỏi một chiến lược ngoại giao phi thường. Campuchia có thể đóng vai trò ngoại giao và cảnh báo các nước khác không được đe dọa sử dụng vũ lực.

Campuchia cũng có thể đề xuất một cơ chế cho phép Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam hay Philippines dẫn đầu trong các cuộc đàm phán. Cùng thời điểm, Campuchia nên ủng hộ hoặc ít nhất không nên ngăn cản sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Theo Nguoiduatin

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng